Liệu có nên cho trẻ tiền tiêu vặt khi đến trường hay không, câu hỏi khiến cha mẹ ai cũng đau đầu
Không ít những cha mẹ thắc mắc liệu có nên cho con tiền tiêu vặt khi đến trường hay không. Đây là câu hỏi gặp không ít sự tranh cãi giữa các bậc phụ huynh. Vậy cha mẹ nên làm như thế nào cho đúng?
Cha mẹ có nên cho con tiền tiêu vặt hay không?
Có thể dễ dàng nhận thấy, việc cho con một khoản tiền tiêu vặt sẽ thường kéo theo nhiều nỗi lo vô hình đối với các bậc cha mẹ. Có những cha mẹ sợ con cầm tiền sẽ chi tiêu vào những thứ không cần thiết và nảy sinh nhiều thói hư tật xấu. Nhưng cũng có không ít những cha mẹ, sợ con phải thiệt thòi so với các bạn, nên cho con tiền tiêu vặt từ rất sớm mà không yêu cầu con phải lên kế hoạch chi tiêu cụ thể vì sợ rằng con sẽ hình thành nên thói tính toán chi li. Hai bên đều có quan điểm vô cùng khác nhau nhưng điểm chung là họ đang thiếu sự hướng dẫn con cách chi tiêu đúng mực.
Theo các chuyên gia, cha mẹ không cho con tiền ăn vặt không phải là giải pháp tốt nhất cho con. Khi con quá tò mò mà bị ngăn cấm, sẽ dẫn đến những hành động tự phát như lấy trộm tiền để tiêu xài giống như các bạn. Bên cạnh đó, cha mẹ cho con tiền mà không định hướng cách sử dụng thì còn nguy hiểm hơn. Vì vậy, cha mẹ đừng quá lo lắng về vấn đề cho con tiền tiêu vặt mà đánh mất cơ hội dạy con chi tiêu, tiết kiệm tiền một cách hợp lý. Hãy cho thể cho trẻ tiền tiêu vặt ở mức độ hợp lý, cùng với việc giáo dục con về vấn đề chi tiêu và sử dụng tiền hợp lý để xây dựng cho con tính độc lập.
Nên cho trẻ bao nhiêu tiền tiêu vặt là hợp lý?
Để biết được bạn nên cho trẻ bao nhiêu tiền tiêu vặt hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Mức thu nhập của gia đình bạn trung bình là bao nhiêu, khó khăn trong chi tiêu, vừa đủ hay vẫn còn dư dả sau khi chi tiêu các công việc trong gia đình?
- Số tiền tiêu vặt dự kiến con sẽ sử dụng và chi trả ra sao?
Sẽ có nhiều khả năng xuất hiện hai trường hợp. Nếu con bạn được ít tiền hơn so với mức chi tiêu bình thường, trẻ sẽ khó có thể thoát khỏi khả năng ăn trộm. Còn nếu trẻ được cho nhiều tiền hơn hẳn so với bạn bè có thể gây ra tình trạng tức giận và ghen tỵ trong nhóm bạn của trẻ, cũng như hình thành tính cách kiêu căng ở trẻ. Chính vì vậy, ở một số giai đoạn, trẻ cần được biết rằng mỗi gia đình lại có mức thu nhập khác nhau và cách chi tiêu của trẻ cũng vì thế mà khác đi. Trẻ cũng cần biết rằng luôn có những người có nhiều tiền tiêu vặt hơn mình và cũng có những người có ít hơn. Trẻ cũng cần phải hiểu được từ bố mẹ của mình rằng có nhiều tiền chưa hẳn đã là hạnh phúc. Đây chính là những điều cha mẹ nên dạy con biết từ sớm là tốt nhất.
Bên cạnh đó, khi trẻ càng trưởng thành thì tương đương với số tiền tiêu vặt trẻ được nhận cũng tăng lên do nhu cầu cá nhân lớn dần. Tuy nhiên cùng với sự tăng lên của tiền tiêu vặt thì kèm theo đó là trách nhiệm của trẻ sẽ lớn hơn.
Cách dạy con về tài chính theo từng độ tuổi.
- Trẻ mẫu giáo:
+ Cùng con sở hữu "lọ kho báu" : Cha mẹ tập cho con tiết kiệm tiền lì xì, tiền quà bánh hoặc tiền thưởng trong dịp đặc biệt của mình vào một lọ thủy tinh giống như một "lọ kho báu", hằng ngày, con sẽ theo dõi cho đến khi chiếc lọ đầy.
+ Làm tấm gương tốt cho con: Cha mẹ nên là tấm gương tốt cho con bằng việc thường xuyên nói về phương pháp tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và không tranh cãi chuyện tiền nong trước mặt con.
+ Hướng dẫn con cách dùng tiền: Mỗi khi cho tiền vào "lọ kho báu", cha mẹ hướng dẫn con giá trị của từng tờ tiền và dạy con dùng tiền từ chiếc lọ ấy để mua món đồ mình muốn.
- Trẻ học cấp 1 và 2:
+ Trao cho con quyền lựa chọn: Cha mẹ tập cho con đưa ra quyết định mua sắm với một món tiền nhất định và jỗ trợ con quyết định bằng cách phân tích ưu/khuyết điểm của món đồ để con chọn được món đồ thật sự hữu ích trong giới hạn ngân sách cho phép.
+ Cho con tiền tiêu vặt có điều kiện: Tiền tiêu vặt nên được xem như là một phần thưởng, đi kèm với điều kiện con phải hoàn thành các công việc nhà nho nhỏ như gấp quần áo, dọn chén trước bữa ăn... giúp con nhận thức con người phải bỏ thời gian, công sức mới kiếm ra tiền.
+ Điều chỉnh các quyết định mua sắm bồng bột : Khi con vòi vĩnh mua một món đồ gì đó, cha mẹ không nên đồng ý ngay mà hãy đặt hạn mức chi tiêu, thảo luận với con về việc mua nó bằng tiền tiết kiệm của mình, cho con thời gian suy nghĩ có nên mua hay không, ở nhà có món đồ nào tương tự không... giúp con hình thành khả năng kiểm soát chi tiêu.
- Trẻ trung học phổ thông:
+ Dạy con trân trọng và hài lòng những gì mình có: Ở tuổi này, con sẽ thường so sánh vật chất với bạn bè: điện thoại thời thượng hơn, máy tính tốt hơn... Dù đủ điều kiện đáp ứng, cha mẹ vẫn không nên chiều theo mọi yêu cầu của con mà hãy sáng suốt cân nhắc xem món đồ nào là phù hợp với nhu cầu sử dụng của con, thay vì vô tình tập cho con thói đua đòi.
+ Yêu cầu con lập kế hoạch chi tiêu: Ngoài những khoản cần thiết: sách vở, đi lại, ăn uống, cha mẹ hướng dẫn con trích một ít để dành vào “quỹ khẩn cấp” tuyệt đối không được dùng đến, hoặc “quỹ quà tặng” dùng khi có nhu cầu đột xuất như mua quà mừng sinh nhật bạn, tự thưởng cho bản thân khi đạt thành tích tốt.
+ Gợi ý con cách kiếm tiền: Con tập trung vào việc học là chính nhưng nếu có thời gian nhàn rỗi con vẫn có thể làm việc bán thời gian sau giờ học, cuối tuần, hoặc trong kỳ nghỉ hè. Ngoài ra, cha mẹ có thể đầu tư cho con đi học những kỹ năng vừa có ích cho tương lai vừa kiếm thêm thu nhập như viết lách, thiết kế, lập trình máy tính, chụp ảnh...