Liên tục nằm trong top hút vốn FDI dẫn đầu cả nước, TP. HCM đặt mục tiêu sau năm 2030 trở thành trung tâm tài chính toàn cầu

Chia sẻ Facebook
06/06/2022 14:34:52

Theo dự thảo Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM, sau năm 2030, thành phố đặt mục tiêu là một trung tâm tài chính toàn cầu. Lúc này, Khu tài chính Quận 1 và Thủ Thiêm sẽ trở thành cụm tài chính về ngân hàng và Fintech với các giao dịch mang tính toàn cầu.


Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM tháng 5, 5 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 6/2022, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, bà Phan Thị Thắng đánh giá, kinh tế thành phố tiếp tục phục hồi tốt, tạo sự tin tưởng trong Nhân dân và doanh nghiệp; đạt được một số kết quả tích cực.

Về lĩnh vực kinh tế - xã hội, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2022 ước tăng 6,5% so với tháng 4, tăng 9% so với cùng kỳ; 5 tháng ước tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu 5 tháng ước tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng nhẹ 0,84% so với tháng trước nhưng tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 209.824 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỷ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp qua cửa khẩu cả nước ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TPHCM ước đạt 8,97 triệu lượt, tăng 24,9% so với cùng kỳ.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM phát biểu tại phiên họp

Tổng kết 5 tháng đầu năm, TP. HCM cũng nằm trong top 5 các địa phương ghi nhận vốn đăng ký cấp mới của các dự án FDI nhiều nhất cả nước.

Đơn vị: Triệu USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xét về số lượng các dự án FDI, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với 233 dự án được cấp phép trong giai đoạn 1/1 đến 20/5/2022

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, TP. HCM luôn nằm trong top 3 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước. Trong nhiều năm, thành phố đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm và kiều hối.

Tình hình thu hút vốn FDI của TP. HCM giai đoạn 2017- 2021 (tỷ USD). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, bà Phan Thị Thắng cho biết, được sự chấp thuận chủ trương của Trung ương và Chính phủ, thành phố đã triển khai dự thảo Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM với lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2025, TP. HCM sẽ thực hiện các chương trình hành động cùng các cơ chế - chính sách đặc thù nhằm mục tiêu củng cố vị thế Trung tâm tài chính (TTTC) quốc gia của thành phố.

Cụ thể, thành phố sẽ tìm cách nâng hạng từ TTTC thứ cấp thành TTTC quốc tế trong xếp hạng Chỉ số các TTTC toàn cầu (GFCI) trước năm 2025 với năng lực cạnh tranh và trình độ phát triển ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn này, TP. HCM bước đầu định hình Khu trung tâm tài chính - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4

Từ năm 2026 đến 2030, TP đặt mục tiêu là một TTTC quốc tế có thứ hạng cao ở châu Á. Trong đó, Khu trung tâm tài chính - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm trở thành cụm ngành tài chính về Fintech gắn với hệ thống ngân hàng, dịch vụ quản lý đầu tư - tài sản gắn với thị trường vốn và giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới.

"Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn nói riêng, của TTTC quốc tế Việt Nam tại TP. HCM nói chung cần rất nhiều các chính sách thực sự đột phá, bởi khi đó mới có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Hiện TP. HCM đóng góp khoảng 22% GDP và gần 25% thu ngân sách cả nước. Đặc biệt, quy mô các hoạt động tài chính của TP. HCM là 119 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 35,2% cả nước.

Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM chiếm hơn 95% toàn thị trường và gần 65% GDP cả nước năm 2020. Còn tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của thành phố đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook