Liên tục đón tin vui, thương hiệu gạo Việt Nam khẳng định giá trị

Chia sẻ Facebook
07/05/2023 09:10:01

Những tháng đầu năm 2023 xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt, kỳ vọng các thương hiệu gạo Việt Nam viết tiếp thành công.

Việt Nam mở rộng thị trường phân khúc gạo cao cấp

Về thị trường trong nước, xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt đã kéo giá lúa tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến tăng trong tháng qua.


Thông tin trên Sài Gòn Giải Phóng , thị trường gạo thế giới đang rộng mở, tạo sự sôi động tại vựa lúa miền Tây. Vụ lúa đông xuân vừa qua, nông dân miền Tây bán lúa với giá 5.500-8.000 đồng/kg, là mức giá ổn định và cao nhất trong 10 năm qua. Hiện còn hơn 20 ngày nữa nông dân ĐBSCL mới thu hoạch lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, tại một số địa phương, thương lái đã đặt cọc mua lúa. Tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thương lái Nguyễn Văn Hải cho biết ông đã chi trên 100 triệu đồng đặt cọc mua 500 công lúa (50ha), tương đương 2-3 triệu đồng/ha; giá lúa bao mua với nông dân bình quân 6.500 đồng/kg.

Theo tính toán của nhiều nông dân ở An Giang và Đồng Tháp, vụ lúa hè thu sắp thu hoạch có khả năng đạt 7 tấn/ha; với giá lúa trung bình trên 6.500 đồng/kg, nông dân có thể đạt lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là khi mặt bằng giá lúa gạo tăng cao. “Giá lúa hiện nay phản ánh đúng giá thị trường, không phải mức bán quá cao, bởi chi phí đầu tư của nông dân trong những năm qua đã liên tục tăng”, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (Vĩnh Long), cho biết.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, cơ cấu giống lúa ở ĐBSCL có bước thay đổi lớn theo hướng tăng dần nhóm lúa thơm - đặc sản, chất lượng cao (chiếm trên 80%), trong khi nhóm lúa có phẩm cấp trung bình chỉ còn khoảng 7%. Điều này giúp mặt bằng giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng cao, lợi nhuận của nông dân cũng tăng lên.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, năm 2022 có khoảng 12.000ha trồng lúa liên kết với doanh nghiệp, năm 2023 dự kiến tăng lên 27.000ha với định hướng chất lượng cao để xuất khẩu sang EU. Hàng năm, Kiên Giang có khoảng 300.000ha trồng lúa 2 vụ, trong đó khoảng 100.000ha có hợp đồng liên kết bao tiêu với các công ty xuất khẩu gạo, chủ yếu là các tập đoàn Trung An, Lộc Trời và gần đây là Tập đoàn Tân Long. Hiện gạo Kiên Giang đã xuất đi ít nhất 13 thị trường, trong đó có các thị trường khó tính là Nhật Bản, Mỹ. Hiện, các tập đoàn, công ty xuất khẩu gạo đang tìm kiếm các đối tác uy tín mới tại thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu gạo ở phân khúc chất lượng cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu ngành lương thực - Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, tập đoàn đang tìm kiếm đối tác ở châu Âu để gia tăng số lượng gạo xuất khẩu, góp phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững.

Để phát triển đề án nông nghiệp bền vững, hiện, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện các bước sau cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Theo dự thảo đề án, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000ha; tỉ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của vùng chuyên canh.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam từ cuối năm 2022 đến nay tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt. Ảnh minh họa.

Thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế


Theo số liệu trên TTXVN , kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước 4 tháng năm 2023 tăng 54,5%. Cụ thể, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị, mức tăng cao nhất trong nhóm nông sản chủ lực.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo tháng 4/2023 ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 573,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 45,9% thị phần, đạt 893,3 nghìn tấn với 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về khối lượng và tăng 44,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 177,4 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà giảm 70,9%.

Tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ đều có xu hương tăng đến giữa tháng, sau đó quay đầu giảm về cuối tháng.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng 50 USD/tấn so với một tháng trước. Thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm đã kết thúc.

Các thương nhân cho biết hiện tại nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh. Theo đó hạt gạo Việt đang ngày càng được nâng tầm giá trị,“cất tiếng nói” mạnh mẽ trên thế giới khi nhiều thương hiệu gạo Việt đã khẳng định được uy tín, có mặt trên kệ hàng của nhiều thị trường khó tính.

Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với trị giá gần 3,5 tỷ USD. Điều đáng nói là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất trên thế giới và lượng gạo sang các nước khó tính tăng mạnh.

Thời gian qua, gạo Việt đã vượt qua “cái bóng” của gạo Thái Lan hay Campuchia để xác lập vị thế mới với thương hiệu riêng và chất lượng tốt hơn. Đây là thành quả sau thời gian thay đổi cơ cấu giống, tập trung vào giống chất lượng cao và kỹ thuật “3 giảm – 3 tăng”, là giảm lượng giống – giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật – giảm lượng phân đạm và tăng năng suất lúa - tăng chất lượng lúa gạo - tăng hiệu quả kinh tế.

Thực tế, Việt Nam là quốc gia đa dạng về giống gạo và nhờ thế mà có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế khi sản xuất các giống lúa trong nước và lai tạo từ giống của nước ngoài (như giống Nhật Japonica) đều cho năng suất cao, chất lượng ngon.

Vì thế, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philipines, châu Phi; lượng gạo Việt Nam vào Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các quốc gia EU cũng ngày càng tăng, mặc dù để vào được các thị trường này phải vượt qua rất nhiều tiêu chí kỹ thuật và chất lượng khắt khe.


Theo báo Tiền Phong , Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ: “Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở hình ảnh cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tận tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó dần sẽ trở thành thương hiệu Gạo Việt”.

Khi nhắc đến gạo của Việt Nam còn là nhắc đến một thương hiệu có sự bảo chứng về chất lượng ngon, an toàn, được ưa chuộng ở phạm vi thế giới.

Nước ta là một quốc gia nông nghiệp gắn với văn hóa hàng trăm năm trồng lúa, nhưng phải tự hào hơn nữa vì có những giống gạo ngon, có những thương hiệu Việt Nam được thế giới biết đến và tin dùng. Khi đó, hạt gạo Việt Nam sẽ càng nâng cao giá trị và nền nông nghiệp sẽ càng phát triển hơn nữa, tỏa sáng hơn nữa trong một năm 2023 được đặt nhiều kỳ vọng sắp tới.

Việt Nam có thể xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm nay


Thông tin trên VTV, Bộ Công Thương nhận định năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi. Dự báo kim ngạch có thể đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn.

Bộ cũng nhận định, năm nay, nguồn cung gạo từ các nước lớn có thể thiếu hụt do tác động biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Ấn Độ đang cấm xuất khẩu gạo tấm, còn gạo trắng áp thuế 20%.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng. Gạo Việt Nam chất lượng đã được cải thiện nên dự báo đơn hàng sẽ tăng.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam từ cuối năm ngoái đến nay tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Nhiều thời điểm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu thế giới.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn và thúc đẩy xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường, đạt mục tiêu xuất khẩu gạo.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook