Liên tiếp các vụ đau lòng liên quan đến học sinh: Cô giáo Ngữ Văn ở Hà Nội gửi tới các em 6 ĐIỀU thống thiết
Cha mẹ không tránh khỏi lúc sai. Nhưng mong các con biết đặt mình vào vị trí bố mẹ. Chắc chắn bên cạnh oán trách, con sẽ còn thấy biết ơn.
Ngày 1/4, câu chuyện nam sinh trường chuyên trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 tòa chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) rồi nhảy xuống khiến nhiều người bàng hoàng. Chỉ trước đó chưa đến một ngày, nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh treo cổ tự vẫn. Hay mới 4 tháng trước thôi bé trai lớp 6 tại một chung cư ở Hà Nội cũng có hành động tương tự khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh giật mình.
Cô Tạ Thị Mai Hương - giáo viên Ngữ Văn ở Hà Nội.
Quan điểm của cô Hương đang nhận về nhiều sự chú ý và tranh luận:
1. Các con thường oán bố mẹ không hiểu mình, nhưng các con có từng thật sự thấu hiểu bố mẹ mình hay chưa?
Khi người cha làm thợ xây về nhà sau một ngày dãi nắng cháy da, đôi tay sưng phù, mồ hôi đóng vẩy trên áo, thì con ông ấy đang làm gì? Lúc thì nó đang chơi điện tử, lúc nó đang mơ bộ đồ mới, lúc nó ngồi ăn bim bim nghe nhạc của thần tượng xa lạ. Nó đòi mua điện thoại cả chục triệu mà không biết, sáng nay bố nó còn nhịn đói đi làm.
Khi người mẹ làm y tá trở về nhà sau đêm trực thức trắng, phờ phạc, rời rã, từng thớ cơ như rơi rụng, thì con gái cô ấy đang làm gì? Có tới bóp vai cho mẹ, hỏi mẹ nổi 1 câu: "Mẹ có mệt không?" hay không? Các con hãy nhớ, mọi thứ đều phải đến từ 2 phía. Khi các con chưa biết quan tâm và biết ơn bố mẹ thì hãy bớt đòi hỏi quá đáng từ những người sinh ra mình. Hãy thông cảm và lượng thứ cho nhau.
2. Các con thường luôn kêu gào là áp lực nhưng chẳng phải kim cương khác với than đá ở chỗ nó đã chịu áp lực cực lớn hay sao?
Nguyễn Du không có 10 năm "thập tải phong trần", gia biến, lầm than, thì làm sao có "Truyện Kiều", làm sao vang danh "đại thi hào"? Con muốn đời mình đáng giá như kim cương hay nhạt nhòa như than vụn?
Tất nhiên cô không đồng tình với những áp lực đến mức phi lý, nhưng con phải hiểu rằng: Chẳng có thứ gì đến dễ dàng cả. Không học hành (học cả sách vở và đời sống) thì không thành tài! Không trải qua gian lao thì không trưởng thành! Không cho đi thì không được nhận lại! Đây là quy luật!
3. Con thường trách bố mẹ không nhẹ nhàng với con, không tâm lý, lắng nghe, dịu dàng, nhẫn nại...
Thế khi đứa em nghịch cặp sách của con, con đã làm gì? Có phải con đã ngay lập tức gào thét ầm ĩ : "Ra chỗ khác. Tao đánh mày bây giờ!" hay không? Thế khi bố mẹ vừa hỏi thăm vài câu, có phải con đã gắt gỏng um lên: "Kệ con. Bố mẹ biết gì mà cứ hỏi lắm thế?".
4. Người lớn không phải tự dưng mà lớn. Mà là những vết chai sạn, những sẹo tổn thương, những gánh nặng... cứ lớn lên theo năm tháng
Ở cơ quan 8 tiếng, đôi khi phải chạy vào nhà vệ sinh lén lau nước mắt. Về đến nhà, bố mẹ già ốm đau cần núi tiền đi viện, cần người chăm sóc; họ hàng đình đám cần tới làm giúp; đống hóa đơn điện + nước + mạng cần thanh toán; sắp tới giờ ăn cần tiền đi chợ; cuối học kì đến nơi – con cần tiền đóng học; bộ quần áo nhiều năm đã cũ cần mua mới; điều hòa hỏng cần thay, xe máy thủng lốp cần sửa... Đôi khi, đến ăn còn nhịn, thở còn gấp, ngủ còn tranh thủ chợp mắt...
Có thể họ vẫn giữ nếp suy nghĩ cũ, chưa học được những cách làm bố làm mẹ hiện đại nhất, tiên tiến nhất, nhưng họ lại có 1 thứ mà dù cả tỉ người kia muốn học cả đời không làm nổi: Đó là yêu thương con họ vô hạn! Bố mẹ sẽ có lúc sai, nhưng những lúc ấm ức, tuyệt vọng, hãy nhìn những mặt tích cực của họ. Bước ra khỏi vòng tay bố mẹ, con không bao giờ tìm nổi người thứ 2 yêu thương con và hi sinh vì con như thế đâu!
5. Con đừng coi việc học theo hành động dại dột là cách hay để khiến bố mẹ phải hối hận, hay chí ít thì hiện tại phải chiều chuộng mình hơn! Làm ơn hãy thương giùm bố mẹ mình
Muôn đời sau người ta cũng không xem đó là hành vi anh hùng, cao thượng vì tự mình chối bỏ trách nhiệm của mình ở phía sau. Các con nghĩ cái chết của mình sẽ làm cho cha mẹ phải suy nghĩ lại. Nhưng chết rồi, làm sao con còn cơ hội nhìn thấy sự thay đổi đó của cha mẹ? Đời còn dài, tương lai vẫn còn sáng nếu con cố gắng. Hãy tội nghiệp cho cha mẹ mình. Họ sẽ phải đối diện với nỗi đau, với dư luận xã hội, sự dằn vặt bên trong suốt đời vì cho rằng mình có lỗi.
Và lợi dụng tình yêu đó để dọa nạt đấng sinh thành cũng là một kiểu bất hiếu.
6. Khi cô bằng tuổi con, cũng từng bị bố mẹ cho ăn đòn nhiều lần, bị mắng nhiều trận...
Cô đã viết ra cả trăm trang nhật kí để đau đáu một điều: Rốt cuộc thì bố mẹ có thương mình hay không? Mình có nên sống không? Thế nhưng, khi cô ốm nặng, nằm giường bệnh giữa đêm, lén nghe thấy tiếng mẹ khóc, còn bố thì nói : "Dù có phải bán mạng, anh cũng sẽ lo cho con". Lúc ấy, cô đã hiểu, dù họ có đôi lúc dạy con sai cách vì quá nghiêm khắc, có dùng đòn roi, chửi mắng, nhưng vẫn chẳng ai có yêu thương mình như thế.
Chúng ta lần đầu làm con nhưng cha mẹ cũng là lần đầu làm cha mẹ. "Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố". Làm cha làm mẹ đích thị là công việc khó khăn nhất trên đời mà không trường lớp nào có thể dạy hết. Bởi vậy, ông bố bà mẹ nào cũng có những lúc sai và ngay cả con cái cũng vậy. Hãy biết đặt mình vào vị trí bố mẹ để hiểu, cảm thông, chắc chắn thay vì bên cạnh oán trách, con sẽ còn thấy biết ơn.
Cha mẹ cũng cần "nhìn con sửa mình"
Cô Mai Hương cũng chia sẻ thêm, ở vị trí làm cha mẹ, phụ huynh cũng cần "nhìn con sửa mình". Không chiều chuộng, làm hộ con mọi thứ nhưng phải biết lắng nghe, bớt mong cầu quá lớn. Thay đổi nội dung giáo dục và cách giáo dục con, tránh áp đặt, kỳ vọng, so sánh rồi đẩy con vào suy nghĩ và hành động tiêu cực. Cần học cách chấp nhận vì không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có thể học hành giỏi giang. Hãy cho chúng cơ hội thay vì ép học hành.
Ngày nay, xã hội hiện đại cũng đem đến những nguy cơ khác như sự tràn lan của các video độc hại khiến nhiều trẻ xem và học theo. Trẻ có thể bị dẫn dắt khi vô tình tham gia các nhóm kín trên mạng và bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc về cái chết.
Cha mẹ phải chấp nhận và thích nghi sự thực rằng, ngoài bố mẹ, có rất nhiều luồng thông tin, tư tưởng khác tác động tới quá trình được giáo dục của con cái. Và để giúp con tránh được những cạm bẫy này, không có cách nào khác ngoài việc cha mẹ cần dành nhiều thời gian để chia sẻ, tâm tình cùng con, trau dồi cho con kỹ năng sống, đạo đức nhất là lòng biết ơn, sự thấu hiểu.
Hãy tôn trọng sở thích của con, lắng nghe, chia sẻ cùng con để đạt mục tiêu cuối cùng là con được sống hạnh phúc.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Theo Hiểu Đan
Nhịp sống Việt