Liên Hợp Quốc thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững

Chia sẻ Facebook
29/09/2022 14:32:51

Dù đã đi được nửa chặng đường, nhưng việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 vẫn đang gặp thách thức, khó khăn.


Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77 vừa kết thúc. Năm nay, tiến độ triển khai 17 Mục tiêu Phát triển bền vững là một trong những nội dung chính được lãnh đạo Liên Hợp Quốc và nguyên thủ nhiều nước đem ra bàn thảo. Tuy nhiên, việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 vẫn đang gặp thách thức.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres nói: "Mỗi nguy cơ đang đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững ra xa tầm tay của chúng ta. Khi đối mặt với những thách thức trước mắt như vậy, thật dễ dàng để bỏ qua những ưu tiên phát triển dài hạn. Nhưng sự phát triển không thể chờ đợi. Từ việc học hành của con cái chúng ta hay sự bình đẳng giới. Các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học, đều là những vấn đề không thể để lại cho các thế hệ sau".

Báo cáo tiến độ các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ cho thấy, đại dịch COVID-19 đã đẩy lùi tiến trình thực hiện Mục tiêu thứ nhất "Giảm nghèo", vốn có tín hiệu khởi sắc trong suốt 25 năm qua. Tới cuối năm nay, các thách thức khác từ xung đột, lạm phát, biến đổi khí hậu, cũng có khả năng đẩy thêm 75 triệu đến 95 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực, so với những dự báo trước đại dịch.

Ông Csaba Kőrösi - Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77: "Chúng ta đang không đạt được mục tiêu của mình. Tôi chấp nhận rằng sự trì hoãn này một phần do đại dịch COVID-19 và những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang đan xen nhau. Nhưng bây giờ, chúng ta phải lấy lại tốc độ như trước đại dịch và trước sự không hành động của chúng ta".

Đối với Việt Nam, trong khuôn khổ các diễn đàn tại Tuần lễ cấp cao, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết sẽ phối hợp với các nước thành viên và lãnh đạo LHQ thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững; đồng thời cũng được đánh giá cao về những đóng góp và được coi là một trong những hình mẫu của tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo các lãnh đạo LHQ, trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, khi một số chuẩn mực thông thường đã bị phá vỡ, những bước đi táo bạo có thể đưa thế giới trở lại đúng hướng với các Mục tiêu Phát triển bền vững. Đây cũng là thời điểm cho sự chuyển dịch sang một nền kinh tế bền vững, có lợi cho cả con người và thiên nhiên.

Hiện trên thế giới vẫn còn hàng trăm triệu người không có điện sử dụng. Sức khỏe của 2,4 tỷ người không được đảm bảo do sử dụng hệ thống bếp đun gây ô nhiễm không khí.

Chia sẻ Facebook