Liên Hợp Quốc hối thúc giới chức Sri Lanka ngăn bạo lực leo thang
Ngày 10/5, Liên Hợp Quốc đã lên án tình trạng bạo lực leo thang ở Sri Lanka, đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Đồng thời, Liên Hợp Quốc kêu gọi giới chức Sri Lanka không để bất ổn trầm trọng hơn nữa.
Trong tuyên bố của mình, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachele đã bày tỏ vô cùng quan ngại trước tình trạng bạo lực leo thang ở Sri Lanka khi những người ủng hộ Thủ tướng vừa từ chức của nước này Mahinda Rajapaksa xung đột với nhóm người yêu cầu ông Rajapaksa từ chức.
Bà Bachele cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đã khiến cuộc sống của người dân Sri Lanka rơi vào cảnh khó khăn. Bà nêu rõ: "Tôi lên án mọi hành vi bạo lực và kêu gọi các nhà chức trách điều tra độc lập, kỹ lưỡng và minh bạch tất cả các cuộc tấn công".
Sri Lanka cần tiến hành đối thoại dân tộc và thực hiện các cải cách sâu rộng để tìm kiếm giải pháp cho những thách thức kinh tế - xã hội mà nước này đang đối mặt. Theo bà Bachele, Liên Hợp Quốc sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ và bày tỏ hy vọng rằng, Sri Lanka sẽ tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, đồng thời ngăn chặn bạo lực tái diễn.
Sri Lanka đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bạo lực đã bùng phát từ ngày 9/4 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thống kê cho thấy, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và gần 200 người bị thương kể từ khi đụng độ bùng phát.
Trong vụ việc mới nhất, giới chức Sri Lanka ngày 10/5 cho biết, một đám đông đã tấn công Phó Tổng thanh tra cấp cao Deshabandu Tennakoon, sỹ quan cảnh sát cấp cao nhất ở thủ đô Colombo, đồng thời phong hỏa đốt xe của ông đang đỗ gần dinh thự của Thủ tướng. Ông Tennakoon được điều trị khẩn cấp và đã trở về nhà.
Hôm 6/5, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai trong vòng 5 tuần qua tại Sri Lanka, trao nhiều quyền hạn cho các lực lượng an ninh để đối phó với làn sóng biểu tình chống chính phủ đang dâng cao khiến nước này rơi vào tình trạng đình trệ. Sau đó, cảnh sát Sri Lanka đã áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn tại thủ đô Colombo của nước này vào ngày 9/5, một ngày trước khi Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đệ đơn từ chức lên Tổng thống.
Sri Lanka đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Bộ Tài chính Sri Lanka tuần trước thông báo, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá dầu tăng cao cùng với chính sách thuế do Chính phủ của Tổng thống Rajapaksa thúc đẩy, Sri Lanka hiện chỉ còn chưa đầy 50 triệu USD dự trữ ngoại tệ có thể sử dụng.