Liên hoàn “sốt đất” sẽ chấm dứt?

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 12:52:37

Tại nhiều khu vực, các thông tin quy hoạch hạ tầng mới chỉ nằm trên giấy nhưng giá đất đã liên tục tăng, thậm chí xảy ra "sốt đất" ảo. Chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp cụ thể về đánh thuế bất động sản, cùng đó là siết tín dụng nắn dòng tiền vào kinh doanh sản xuất.


Liên hoàn “sốt đất”


Thời gian qua, hàng loạt “cơn sốt” đất nở rộ ở nhiều khu vực, thậm chí đã lan rộng tới nhiều vùng nông thôn, vùng núi xưa nay vốn yên bình. Sự xuất hiện của các đầu cơ bất động sản khiến giao dịch làng trên xóm dưới cũng trở nên nhộn nhịp, kéo theo giá đất liên tục “nhảy múa”.


Đến nay, nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Kom Tum... đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị chuyên môn tại địa bàn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về những chiêu trò “thổi” giá đất của giới đầu cơ, "cò" đất không chuyên nghiệp nhằm trục lợi cá nhân.


Tuy nhiên, tình trạng “sốt” đất vẫn xảy ra cục bộ ở một số địa bàn. Đơn cử, tại tỉnh Khánh Hòa khi có thông tin quy hoạch sân bay và khu đô thị Cam Lâm thuộc huyện Cam Lâm đội ngũ đầu nậu, “cò” đất đổ bộ về đây làm cho giá đất ở một số xã gần khu đô thị mới được đồn thổi tăng gấp từ 3 - 4 lần, được đăng tin rao bán công khai trên các mạng xã hội. Những lô đất cách đây chưa đầy 1 năm giá bán chưa đến 100 triệu đồng 1 mét chiều ngang, giờ được đẩy lên khoảng 300 triệu đồng. Đáng chú ý, nhiều lô đất gần mặt đường lớn có thêm vườn rao bán từ 2 - 3 tỷ đồng/mét chiều ngang.


Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng xảy ra “sốt” đất ở các huyện: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, TP Đà Lạt. Số liệu báo cáo từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn tăng đột biến, toàn tỉnh có 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền thu về hơn 11.911 tỷ đồng.


Hay như tại tỉnh Quảng Bình, khi xuất hiện thông tin tỉnh sẽ triển khai dự án tuyến đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, qua địa bàn huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, giá đất gần với dự án cũng tăng từ 2 - 3 lần, tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... Như vậy, có thể thấy bất chấp những biện pháp can thiệp từ chính quyền địa phương, “sốt” đất vẫn xảy ra.

Cần biện pháp đánh thuế và siết tín dụng bất động sản


Nói về vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, thời gian qua chúng ta đã nói quá nhiều về câu chuyện “sốt” đất và những hệ lụy của nó, mặc dù có nhiều biện pháp khác nhau thực hiện cùng một thời điểm, nhưng thực tế vẫn chưa xử lý triệt để “vấn nạn” về “sốt” đất. Trong khi đó, biện pháp căn cơ nhất là đánh thuế nhà đất chưa bao giờ được áp dụng, thì giá đất không thể “hạ sốt”.


“Tôi đã nói hàng chục năm nay, nhưng chưa bao giờ áp dụng. Trước hết, thuế bất động sản sẽ chặn sốt đất, ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ bất động sản dưới dạng có bất động sản nhưng để hoang hóa, giữ đất nhưng đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả", ông Võ nhấn mạnh


Vị chuyên gia cho biết thêm, kinh nghiệm ở các nước công nghiệp phát triển, thuế bất động sản được tính cơ bản bằng 1% giá thị trường, nhưng chiếm tỷ trọng từ 50 – 90% nguồn thu cho ngân sách, tại đô thị giá đất cao thì đóng thuế nhiều, nông thôn giá thấp thì đóng thuế ít, vì vậy người dân sẽ tùy vào khả năng mà lựa chọn nơi ở cho phù hợp.


Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế phân tích, gói hỗ trợ kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng có tác động rất lớn đến nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng nhưng nếu không cẩn thận, một phần của gói hỗ trợ sẽ lại chảy sang bất động sản, chứng khoán, giống như nhiều nước trên thế giới. Thực tế, năm 2021 trong khi nền kinh tế rất khó khăn, thị trường chứng khoán, bất động sản lại sốt nóng một cách bất thường. Chính vì vậy, kiểm soát tín dụng, nắn dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh, thay vì các kênh đầu cơ là rất cấp thiết.


TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng tín hiệu hạn chế cho vay bất động sản cảnh báo nguy cơ nguội dần của thị trường địa ốc. Tình trạng sốt đất cơ bản có thể được kiểm soát nhờ việc siết tín dụng. Song ở góc độ đầu tư, nhóm sử dụng đòn bẩy sẽ không thể tiếp tục xuống tiền. Lực cầu sẽ suy giảm. Ngay cả nhóm người mua nhà ở thực cũng gặp khó vì không thể tiếp cận vốn để mua nhà. Mặt khác, việc siết tín dụng vào bất động sản cũng cảnh báo nguy cơ lãi suất cho vay tăng. Hệ luỵ của việc tăng lãi suất là nhiều nhà đầu tư không thể chịu được áp lực lãi vay, sẽ có thể bán cắt lỗ.


"Theo đó, việc siết chặt tín dụng vào bất động sản sẽ tạo ra cú sốc lớn cho thị trường. Điều này sẽ có, vì "thắt" nguồn tiền dĩ nhiên lượng giao dịch sẽ giảm. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, siết tín dụng là điều cần thiết và cũng không cần lo ngại vì siết tín dụng mà xuất hiện bong bóng bất động sản", TS. Hiếu nhận định.


Các chuyên gia đều cho rằng, giá bất động sản tăng là xu hướng tự nhiên, nguyên lý của thị trường ở những khu vực đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ nhưng nếu tăng nóng ăn theo quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thậm chí những khu vực không có hạ tầng mới xây dựng thì đó là biểu hiện bất thường của hoạt động đầu cơ.

Chia sẻ Facebook