Liên Hiệp Quốc: Nước nghèo đối mặt khủng hoảng 'ba chiều' vì chiến sự Ukraine
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo các nước nghèo đang phải đối mặt với sự tàn phá kinh tế từ khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính do chiến sự tại Ukraine.
Nga là nước xuất khẩu dầu và khí đốt hàng đầu thế giới. Trong khi đó, cả quốc gia này và Ukraine đều là những nhà sản xuất ngũ cốc lớn, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Sau khi Matxcơva phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới đã tăng kỷ lục, ảnh hưởng tiêu cực đến các nước phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 13-4, ông Guterres nói với các phóng viên rằng cuộc chiến tại Ukraine hiện nay đang tác động đến tình hình lương thực, năng lượng và tài chính của thế giới.
"Cuộc chiến đang đẩy nhanh cuộc khủng hoảng theo ba chiều là lương thực, năng lượng và tài chính, gây nguy hiểm cho những người dân, quốc gia và nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới", ông Guterres nói.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: "Hiện chúng ta đang phải đối mặt với một cơn bão hoàn hảo có nguy cơ tàn phá nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển".
Theo ông Guterres, khoảng 1,7 tỉ người đã bị ảnh hưởng nặng bởi sự gián đoạn trong nguồn cung lương thực, năng lượng và tài chính. 1/3 trong số này vốn đã sống trong cảnh nghèo đói.
Ông Guterres cho biết có 36 quốc gia đang phụ thuộc vào Nga và Ukraine với hơn một nửa lượng lúa mì nhập khẩu của họ, bao gồm một số nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khuyến nghị đảm bảo dòng chảy ổn định của lương thực và năng lượng thông qua các thị trường mở và cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Các quốc gia có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để tiến tới loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.
"Trên tất cả, cuộc chiến này phải kết thúc", ông Guterres nói.
Bộ Kinh tế Nga cho biết lạm phát ở nước này đã tăng lên 17,49% vào ngày 8-4. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 2-2002, giữa bối cảnh đồng rúp biến động khiến giá cả tăng vọt.