Liên Hiệp Quốc nỗ lực khôi phục xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, phân bón của Nga
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo tình trạng 'thiếu lương thực toàn cầu' trong những tháng tới, nhưng ông hy vọng các cuộc đàm phán có thể giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.
Theo Đài Al Jazeera, ông Guterres cho biết ông đang liên hệ với Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực nối lại các chuyến hàng chở ngũ cốc của Ukraine, và khôi phục hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga.
"Tôi hy vọng, song vẫn còn một con đường dài để đạt được điều đó. Các tác động phức tạp về an ninh, kinh tế và tài chính đòi hỏi thiện chí từ tất cả các bên", ông Guterres phát biểu trong hội nghị an ninh lương thực tại Liên Hiệp Quốc ngày 18-5 giờ Mỹ.
Trong khi đó, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc, ông David Beasley kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở các cảng của Ukraine để hàng hóa xuất khẩu có thể đến được "những nước nghèo nhất".
"Việc chúng ta cho phép mở các cảng này là điều hoàn toàn cần thiết, bởi vì đây không phải chỉ là chuyện về Ukraine. Đây còn là chuyện về những nước nghèo nhất trong số các nước nghèo trên thế giới, những nước đang trên bờ vực của nạn đói", ông Beasley nói.
Do đó, ông Beasley cho biết ông đã yêu cầu Tổng thống Putin mở các cảng ở Ukraine để giúp những nước nghèo nhất và ngăn chặn nạn đói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết làm việc với các đồng minh để cải thiện an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ ba.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của chúng tôi để xây dựng các hệ thống lương thực linh hoạt, bền vững và bao trùm nhằm cải thiện an ninh lương thực toàn cầu", ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng thế giới thông báo họ sẽ cung cấp 30 tỉ USD để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng an ninh lương thực do cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo đó, Ngân hàng thế giới sẽ dành 12 tỉ USD cho các dự án mới, và 18 tỉ USD cho các dự án liên quan đến lương thực và dinh dưỡng hiện nay.
Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng như lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương qua biển Đen. Chiến dịch quân sự dài 3 tháng qua của Nga tại Ukraine đã khiến xuất khẩu của Kiev bị đình trệ, góp phần đẩy giá lương thực thế giới cao hơn.
Giá lương thực cao hơn cũng góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng khi các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo giá lương thực cao hơn đang khiến người dân nghèo gặp khó khăn hơn ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3-5 ký sắc lệnh trả đũa phương Tây, nhắm vào "những hành động không thân thiện của các nhà nước nước ngoài và tổ chức quốc tế nhất định", Reuters dẫn thông báo từ Điện Kremlin.