Liêm sỉ là gốc để lập thân và trị quốc an dân
Con người đã không có liêm sỉ thì họa hại, thất bại, phản loạn, thậm chí tử vong cũng theo đó mà tới. Quan lại mà thứ gì cũng dám nhận...
Trong Ngũ Đại Sử có bàn rằng Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là bốn trụ cột của quốc gia, trong đó Lễ Nghĩa là biện pháp để giáo hóa dân chúng, còn Liêm Sỉ là đức hạnh lập thân, đối nhân xử thế ở đời. Kẻ phàm phu chẳng thanh liêm thì thứ gì cũng có thể nhận. Vô sỉ, không biết xấu hổ thì việc gì cũng dám làm. Con người đã không có liêm sỉ thì họa hại, thất bại, phản loạn, thậm chí tử vong cũng theo đó mà tới. Quan lại mà thứ gì cũng dám nhận, việc gì cũng dám làm, thì thiên hạ sao có thể không loạn, quốc gia sao có thể không vong?
Khổng Tử bàn về kẻ sĩ từng nói: “Trong xử thế cá nhân phải có sỉ (biết xấu hổ).” Mạnh Tử lại bàn rằng: “Con người không thể không biết xấu hổ. Không cảm thấy hổ thẹn về những chuyện đáng xấu hổ thì gọi là vô sỉ!” Ông còn nói: “Sỉ có quan hệ rất lớn tới con người, những kẻ mưu mô quỷ quyệt căn bản không xứng nhắc tới chữ Sỉ.” Vậy nên làm một người không liêm khiết, thậm chí vi phạm lễ nghĩa, thì suy cho cùng đều là do vô sỉ. Còn sự vô sỉ của người đứng đầu một đất nước hay kẻ sĩ đại phu ở nơi cao thì có thể gọi là quốc sỉ.
Trong khi xã hội và đạo đức ngày càng suy vi, lễ nghĩa bị vứt bỏ, liêm sỉ bị quẳng vào một xó, thì vẫn có những người thủ giữ đức hạnh, không chịu đắm đuối vào sự bất nghĩa, như cây tùng cây bách, mùa đông sương tuyết mà vẫn xanh, như con gà trống kia, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Trong những ngày đen tối kỳ thực vẫn có kẻ sĩ tỉnh táo, am tường.
Xưa Nhan Chi Suy để lại gia huấn, có đoạn kể:
Nước Tề từng có một sĩ đại phu nói với ta rằng: “Ta có một người con trai, năm nay đã 17 tuổi, rất giỏi giấy tờ sách vở. Ta có dạy nó vài tiếng Tiên Ti (một ngôn ngữ lúc bấy giờ), cũng học đàn tỳ bà, giúp nó có chút thông hiểu, dùng những kỹ năng này để hầu hạ công khanh đại nhân, tới đâu cũng được sùng ái.”
Lúc đó ta cúi đầu không đáp. Thật lạ, người này lại dạy dỗ con trai như vậy! Nếu có những bản sự này, có thể khiến bản thân làm tới chức khanh tướng, ta cũng không muốn các con phải làm như vậy.
Là nhà văn, nhà thư pháp, họa sĩ, nhà soạn nhạc thời Nam Bắc triều, Nhan Chi Suy bất đắc dĩ phải đứng ra làm quan vào thời loạn thế, trải qua 4 triều đại khác nhau, qua bao đời vua, thế mà ông vẫn thủ giữ đức hạnh, dạy bảo con cháu biết liêm sỉ như vậy đấy.
Người xưa coi giáo hóa dân chúng là việc cấp bách của triều đình, liêm sỉ là tiết tháo tốt đẹp của kẻ sĩ, phong tục là đại sự trong thiên hạ. Triều đình có giáo hóa, kẻ sĩ lại càng có liêm sỉ, kẻ sĩ có liêm sỉ, thiên hạ mới có được phong tục tập quán tốt.
Không chỉ đối với dân chúng, đối với quân đội cũng cần lấy liêm sỉ làm gốc. Ngô Tử binh pháp nói: “Phàm là thống trị quốc gia và quản lý quân đội, ắt phải dạy quân dân biết thủ lễ, khuyến khích họ thủ nghĩa, là để giúp họ có sỉ. Khi con người có sỉ, xét từ đại cục mà giảng, thì có thể công phá quân địch, xét từ góc độ nhỏ mà giảng thì có thể lui về trấn thủ.”
Chu Công dạy bảo Vũ Vương rằng: “Có ba kiểu tướng sĩ có thể đánh thắng trận mạc: Tướng sĩ biết lễ; Tướng sĩ là dũng sĩ; Tướng sĩ có thể kiềm chế tham dục.” Vì có lễ, nên những bậc võ phu có phần thô kệch mới có thể tuân theo lời giáo hóa của bậc trị quân thiết triều, lẽ nào còn có kẻ chèn ép thường dân, cướp bóc trâu ngựa, làm ra những thủ đoạn bạo ngược với bách tính hay sao?
Trong “Hậu Hán thư” có chép rằng:
Khi Trương Hoán đảm nhận chức đô úy an định các nước chư hầu, thủ lĩnh của người Khương cảm kích ân đức của ông, đã tặng 20 con ngựa. Tù trưởng tộc người Tiên Linh lại biếu ông 8 mảnh kim hoàn. Trương Hoán bèn nhận lấy và gọi các thuộc hạ của mình là quan Chủ Bạc tới. Trước mặt đông đảo người Khương, ông lấy rượu rót xuống đất mà rằng: “Dẫu tặng ta ngựa nhiều như đám dê, ta cũng không nhốt chúng vào chuồng. Dẫu tặng ta vàng bạc nhiều như hạt ngô, ta cũng không đút vào túi riêng.”
Nói rồi ông mang trả lại toàn bộ vàng và ngựa. Tính cách của người Khương vừa coi trọng vật chất vừa tôn trọng những bậc quan thanh liêm. Tám vị đô úy trước kia, đa phần đều tham tài thích vật, bị người Khương oán hận. Chỉ đến khi gặp được vị quan thanh liêm là Trương Hoán, giáo hóa họ đầy uy vọng, mới được người người quy thuận.
Sử học gia thời Tống, Tư Mã Quang viết: “Bậc quân tử ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và lạc sang đường tà mà gây họa; kẻ tiểu nhân ham muốn nhiều thì sẽ truy cầu mà không sử dụng tới, hậu quả là tán gia bại sản.”
Đạo Đức Kinh viết rằng: “Yêu thích nhiều thì tất phí phạm nhiều. Chứa chất nhiều ắt mất mát nhiều. Cho nên biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy, mà có thể trường cửu”. Cũng lại viết: “Không họa nào lớn bằng không biết đủ. Không hại nào lớn bằng ham muốn có được. Cho nên biết đủ thì sẽ luôn luôn đủ.”
Cổ ngữ có câu: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên” , sống thuận theo tự nhiên, khắc chế tham dục, mới giữ được liêm sỉ, nhân phẩm và an hưởng thái bình.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Khí tiết trung nghĩa của công thần Phan Thanh Giản
Mời xem video :