‘Lịch sử phải là môn học bắt buộc’

Chia sẻ Facebook
24/04/2022 14:05:16

Nếu chỉ là môn học tự chọn thì học sinh thường ít khi chọn vì môn lịch sử tương đối khó và kết quả điểm thi thường không cao.

Bạn Nguyễn Thành Nam - cựu sinh viên khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) - đã thiết kế bộ trò chơi “Thủy chiến Bạch Đằng” để giúp học sinh học lịch sử - Ảnh: THANH THẢO


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Qua đó, cho thấy Bác Hồ rất coi trọng vai trò, ý nghĩa của môn lịch sử đối với mỗi người dân như thế nào.


Đây không chỉ là một lời kêu gọi mà là một gợi mở khoa học, là thực tiễn và là đề cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với quá trình phát triển của dân tộc, vận mệnh đất nước.

Việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về công cuộc dựng nước và giữ nước của ông cha cũng như quá trình phát triển lịch sử thế giới là rất quan trọng. Do đó, mỗi người phải biết tường tận về lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc thì mới có cách ứng xử phù hợp, tốt nhất với tình huống xảy ra hiện tại và tương lai.

Nếu chỉ là môn học tự chọn thì học sinh thường sẽ ít chọn vì môn lịch sử tương đối khó và kết quả điểm thi thường không cao. Vì vậy, môn lịch sử phải là môn học bắt buộc để trang bị cho học sinh phổ thông về kiến thức lịch sử của dân tộc, nhất là những trang sử hào hùng, rực rỡ của dân tộc trong quá khứ. Bởi lịch sử còn là nhân tố quan trọng làm nên văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa, cốt cách dân tộc...

Lịch sử nếu xét đến cùng là những gì đã đi qua, được con người hiện tại thống kê, thể hiện lại. Những bài học lịch sử sẽ rất có ích để thế hệ mai sau tỏ lòng kính trọng các thế hệ cha ông đã có công dựng xây Tổ quốc ngày hôm nay. Đó là cơ sở để các em học sinh tiếp nối niềm tự hào dân tộc nhằm mạnh mẽ hơn trong xây dựng đất nước hiện nay.

Tuy nhiên, để học sinh yêu thích, đam mê học tập môn lịch sử thì việc dạy và học môn lịch sử đều phải đổi mới, nhất là cách dạy sử. Không chỉ các thầy cô giáo phải luôn luôn làm mới phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt phải hấp dẫn, đa dạng, phong phú…

Đặc biệt nhà trường, phụ huynh nên tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa, tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương, đất nước để kiến thức lịch sử của các em phong phú hơn.

Việc đánh thức ở học sinh niềm đam mê hiểu biết về quá khứ nhưng cũng phải gợi ở các em có cách nhìn mới mẻ hơn, thậm chí tôn trọng ý kiến tranh luận, phản biện của các em về lịch sử là cần thiết. Đó là sự sáng tạo, niềm đam mê tri thức, sự liên tưởng khoa học… của các em học sinh để các em yêu lịch sử dân tộc hơn.

Ngoài ra, phải có biện pháp khích lệ, động viên học sinh tham gia học tập, đặc biệt là môn lịch sử. Theo đó, chương trình môn sử không nên quá nặng nề hoặc tập trung về sự kiện, mốc thời gian, số liệu làm các em bị áp lực dẫn đến chán nản, bỏ dở.

Trong đó, có thể xem xét giảm tải chương trình, thời lượng, cách thức đánh giá và điểm số nhằm tạo điều kiện, cơ sở để các em yêu thích học môn lịch sử hơn.

Có ý kiến cho rằng môn lịch sử không nên để tự chọn vì ít học sinh theo học. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng cách dạy và học sử trong trường nên thay đổi để thu hút học sinh.

Chia sẻ Facebook