Lịch sử phải là môn bắt buộc

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 02:13:18

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết có ý kiến cho rằng về việc đưa môn lịch sử thành môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường.

Thực tế, một số nước phát triển, có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông là môn học tự chọn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay quan điểm lịch sử phải là môn bắt buộc đã được ông đề cập nhiều lần từ năm 2015. Theo PGS, môn lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Môn lịch sử cũng củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu. "Có ý kiến cho rằng nếu lịch sử thành môn bắt buộc ở cấp trung học phổ thông thì phải sửa cả chương trình môn học này, trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc sửa không quá phức tạp, 3 tháng là có thể sửa được theo hướng phần chủ đề dành để dạy học sinh bình thường, còn phần chuyên đề chuyên sâu sẽ dạy cho những học sinh yêu thích môn lịch sử" - PGS Nghiêm Đình Vỳ nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) đồng tình lịch sử phải là môn học bắt buộc. "Khi đưa bộ môn lịch sử vào môn tự chọn, tôi e rằng cách nhìn nhận đánh giá của học sinh và xã hội về bộ môn lịch sử đã có sự khác nhau, nghĩa là thấy không cần thiết thì thôi. Trong lúc phải thấy rằng giáo dục lịch sử không bao giờ là không cần thiết!" - bà Nguyễn Thị Việt Nga thẳng thắn.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề khi lịch sử trở thành môn tự chọn sẽ dẫn đến khả năng cả trường không có em học sinh nào học môn lịch sử. "Tự chọn tức là trao quyền cho người học, người học có quyền không chọn. Nếu một trường không có em học sinh nào học thì lúc đó dư luận xã hội sẽ cực kỳ nóng bỏng" - đại biểu Khánh lo ngại.

Trong báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của người dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Chia sẻ Facebook