Lịch sử nhìn nhận về nghề ca múa qua các triều đại (P1)

Chia sẻ Facebook
04/05/2023 08:21:57

Trong lịch sử các triều đại, nghề ca múa xuất hiện rất sớm, phát triển đến đỉnh cao vào thời nhà Lý, nhưng đến sau này thì lại bị xem thường xem nhẹ.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Phát triển từ xa xưa, đến cực thịnh vào thời nhà Lý

Những điệu ca múa dân tộc xuất hiện từ rất lâu, văn vật lưu lại là trống đồng với hình ảnh người chim đã có.


Còn theo ghi chép từ lịch sử thì thời Tam quốc ở Giao Châu có xuất hiện hát xướng. Sách “Tam Quốc chí, Ngô thư” (quyển 8) chép rằng:

“Thái thú Cửu Chân là Đan Manh vì bố vợ là Chu Kim làm chủ tiệc rượu mời quan lại. Khi rượu đã say tấu nhạc làm vui. Công tào là Phan Hâm đứng lên múa kéo Kim đứng dậy cùng múa”.

Ca múa phát triển đến thời nhà Đinh thì hát Chèo trờ thành nghệ thuật. Người hát Chèo hay nhất lúc đó là Phạm Thị Trân được xem là tổ sư của hát Chèo.

Đến thời nhà Lý thì hát Chèo và Tuồng đã phổ biến và xuất hiện trong tất cả các lễ hội, trò chơi và diễn xướng. Vua Lý Thái Tông cho mở rộng và phát triển múa rối nước, rối cạn, nhiều sân khấu được dựng ở dưới sông hay bờ đê để biểu diễn cho dân chúng. Các vở kịch diễn lại những câu truyện cổ giúp dân chúng không quên đi cội nguồn dân tộc. Những câu truyện đều mang tính thiện giúp nâng cao chuẩn mực đạo dức dân tộc.


Vua Lý Thái Tông còn cho bày “Hội quảng chiếu mùa xuân” , dựng “Đài chuông tiên mùa thu” , dựng “Vũ đình” với các loại hình ca múa tấu nhạc cho Triều dình và dân chúng cùng thưởng thức. Đậy cũng là thời kỳ đỉnh cao của các loại hình nghệ thuật ca múa.

Nhạc lý cũng thịnh hành và phát triển đến cực điểm vào thời này. Vua Lý Nhân Tông am hiểu nhạc, tự mình sáng tác ra các bài nhạc cho các nghệ nhân diễn tấu.

Nhà Trần nối tiếp nhà Lý, các Vị vua thời kỳ đầu đều là những người tu luyện, việc ca múa vẫn được xem trọng và được xem là một loại hình nghệ thuật. Đến cuối nhà Trần, các vị Vua xem nhẹ dần tam giáo, đồng thời cũng xem nhẹ nghệ thuật dân gian.

Ca múa biến tướng, nhà Lê ra luật nghiêm khắc


Từ thời vua Lê Nhân Tông, “Đại Việt Sử ký Toàn thư” chép rằng:


“Dân Thanh Hóa thấy vua đến, trai gái đem nhau hát rí ren ở hành tại. Tục hát rí ren một bên con trai, một bên con gái, dắt tay nhau hát, hoặc tréo chân tréo cổ nhau, gọi là cắm hoa kết hoa, thói rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với thái uý Khả rằng: “Lối hát ấy là thói dâm tục xấu, không nên cho người hát nhảm ở trước xa giá” . Khả liền sai cấm hẳn.”

Từ ghi chép này cho thấy ca múa đã đi vào biến tướng, nhất là ca múa dân gian. Bởi vậy một số loại hình ca múa bị giới hạn, chỉ những nơi được phép tổ chức chính thức thì mới được phép diễn. Việc cấm này không phải do ca múa là xấu, mà bởi việc ca múa có những hành vi xấu rồi.

Vì phường Chèo bị mang tiếng xấu nên đến năm 1462 vua Lê Thánh Tông quy định rằng:

“Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ, thì trị tội theo luật”.

Vua Lê Thánh Tông ra luật rất nghiêm khắc, nhưng vì thế mà nhiều người có tài nhưng thuộc gia đình phường chèo, con hát không được đi thi. Điều này có phần vô lý.


Có người lập luận rằng thời nhà Lê độc tôn Nho học, xã hội phân bốn nghề là “sĩ nông công thương” . Ca xướng không thuộc loại nào trong “sĩ nông công thương” nên bị xem là “vô loài” . Có lẽ vì vậy vua Lê Thánh Tông ra luật này. Kỳ thực chúng ta biết rằng trong Tứ Thư Ngũ Kinh có đề cập đến vũ nhạc, hơn nữa rất đề cao xem trọng nhã nhạc, nên không thể nói nguyên nhân là do Nho học được.

Mặc dù bị Triều đình và quan lại không thích, nhưng ca múa vẫn phát triển vì được dân chúng yêu thích, lễ hội nào cũng có phường chèo, con hát biểu diễn. Người đến xem ca xướng thiếu lễ nghi, mê thói tục, vì thế mà vua Lê Thánh Tông cũng ghi rõ trong luật rằng:

“Khi hát chèo, lúc hội hè trai gái đến chơi xem không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô.”

(Việt sử Thông giám Cương mục)

Nhà Hậu Lê đến giai đoạn suy thoái, loạn lạc khắp nơi. Lúc này các phường chèo lại có dịp phát triển, bởi những bài hát chèo, diễn tuồng nói lên được những khó khăn vất vả của dân chúng, vì thế mà có rất nhiều người xem. Đồng thời các vở diễn tuồng hát chèo đều bênh vực dân chúng, lại châm biếm quan lại ức hiếp dân chúng từ công khai đến ẩn ý, cả đối với những vị quan hiện tại, chính vì thế mà quan lại ngày càng ghét con hát.

Nhưng lịch sử đã có những câu chuyện lật ngược quan niệm về nghề ca múa, chẳng hạn chuyện về Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ, con trai của kép hát

Thời Lê Trung Hưng, ông Tiên chỉ (Tiên chỉ là để chỉ người có uy tín nhất trong làng) của làng Ngọc Lâm (thuộc Thanh Hóa) có cô con gái Vũ Kim Chi xinh đẹp và nết na nổi tiếng khắp vùng. Nhiều người có gia thế đến hỏi cưới nhưng tiểu thư chưa ưng ai.

Năm Kim Chi 19 tuổi, vào hội xuân của làng, có phường chèo đến hát, tiểu thư Kim Chi đã rung động bởi tiếng hát của Đào Tá Hán, vốn là kép hát (người đàn ông làm nghề hát) có tiếng lúc đó. Việc một tiểu thư từ chối nhiều mối có quyền thế để yêu một kép hát khiến nhiều người không bằng lòng.

Thế nhưng Vũ Kim Chi đã thuyết phục được gia đình. Sau kết hôn hai người về làng Hoa Trai dựng nhà cửa, cuộc sống hạnh phúc. Năm 1572, Kim Chi sinh hạ được một bé trai và đặt tên là Đào Duy Từ.

Hạnh phúc chẳng được bao lâu, năm 1576, Đào Tá Hán bị ốm nặng và qua đời. Vũ Kim Chi lúc này vẫn còn rất xinh đẹp nên nhiều người khá gỉa muốn cưới làm vợ. Nhưng Kim Chi đều từ chối quyết ở vậy nuôi con khôn lớn.

Đào Duy Từ lớn lên được cho học nơi phường hát, nhưng phường hát chỉ học chữ cốt sao để ghi chép và hát cho đúng. Đào Duy Từ lại rất thông minh, đâu chỉ gói gọn vào việc học chữ để hát. Chẳng bao lâu thầy đồ trong làng không còn chữ để dạy nữa, vì thế Đào Duy Từ xin mẹ tìm thầy khác để học.

Thấy con thông minh lại ham học, Vũ Kim Chi cảm thấy ngậm ngùi, vì thời đó con nhà hát xướng không được phép đi thi. Nhưng tiếc tài học của con, Kim Chi quyết định tìm thầy cho con mình học tiếp.

Năm 1593, Triều đình mở khoa thi, nhìn con muốn háo mức muốn đi, bà Kim Chi đành nhờ xã trưởng đổi tên con sang lấy họ của mẹ là Vũ Duy Từ để được đi thi.

Tại kỳ thi Hương, Duy Từ làm bài xuất sắc đỗ á khoa tức cao thứ nhì, bà Kim Chi mừng rỡ động viên con chuẩn bị tiếp cho kỳ thi Hội.

Nhưng xã trưởng vì muốn bà Kim Chi làm vợ lẽ của mình nhưng không được, tức tối báo lên quan trên. Đào Duy Từ vừa thi Hội xong thì bị tống giam, ở quê nhà bà Kim Chi cũng bị bắt lên quan tra hỏi. Kim Chi vừa lo lắng cho con, lại vừa phẫn uất trước sự bất công này nên thắt cổ tự vẫn. Đào Duy Từ hay tin mẹ mất nhưng cũng không được về quê chịu tang.

Sau thời gian bị giam giữ, Đào Duy Từ lặn lội vào Đàng Trong, nơi không có những quy định khắc nghiệt như ở Đàng Ngoài. Ở nơi xa lạ không có của cải hay người thân, ông phải chăn trâu ở đợ. Thế nhưng người có tài thì dù là ở đợ cũng là thông kim bác cổ. Danh tiếng Đào Duy Từ vang xa, cuối cùng ông trở thành quân sư số một của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.


Từ đó Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn ổn định Xã Tắc ở các lĩnh vực khác nhau, giúp Đàng Trong ngày càng hùng mạnh. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phải trầm trồ rằng: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay” (Viện Sử Học). Nhiều người đều tôn kính gọi Đào Duy Từ là Thầy.

Đào Duy Từ hiến kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục và lũy Thầy (vì người Đàng Trong đều quen gọi Đào Duy Từ là Thầy) chặn đứng quân Trịnh. Trong lịch sử quân Trịnh nhiều lần huy động hàng chục vạn quân tấn công Đàng Trong nhưng chưa bao giờ vượt qua được chiến lũy do Đào Duy Từ lập nên. Từ đó dân chúng có câu ca:


Khôn ngoan qua cửa sông La
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy.

Đào Duy Từ hoạch định những chính sách như sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao gắn với lòng dân, giúp Đàng Trong có được nền tảng vững chắc để mở rộng về phương nam và phát triển vượt bậc. Ông giúp chúa Nguyễn xây dựng bộ máy Triều đình rất hợp lòng dân khi đó.


(Còn nữa)


Trần Hưng

Vị quân sư là đệ nhất khai quốc công thần của triều Nguyễn (P1)


Mời nghe radio :

Chia sẻ Facebook