Lịch sử mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phía tây bắc
Vào đầu thế kỷ 11, vua Lý Thái Tổ lập ra nhà Lý, hầu hết vùng đất Tây Bắc của nước ta ngày nay thuộc Đại Lý. Lãnh thổ nước ta đã mở rộng...
Vào đầu thế kỷ 11 khi vua Lý Thái Tổ lập ra nhà Lý, hầu hết vùng đất Tây Bắc của nước ta ngày nay thuộc về nước Đại Lý (tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ngày nay). Biên giới phía tây bắc lúc đó là châu Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay), châu Vị Long (Tuyên Quang ngày nay), và Châu Phong (Phú Thọ, Yên Bái ngày nay). Một vùng đất rộng lớn phía tây bắc gồm các tỉnh Hà Giang, phía tây bắc Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên lúc ấy thuộc phần đất của Đại Lý; tỉnh Hoà Bình khi ấy thuộc về Ai Lao (Lào ngày nay). Lãnh thổ nước ta qua các triều đại Lý, Trần, Lê đã dần dần mở rộng, sáp nhập vùng đất tây bắc này vào bờ cõi.
Thời nhà Lý
Vùng đất nằm ở biên giới phía giữa Đại Cồ Việt, nhà Tống và Đại Lý lúc đó thuộc về người Tày, người Nùng và người Thái, đứng đầu là các tù trưởng. Đứng trước 3 thế lực lớn này, các tù trưởng phải chọn cho mình một bên để thần phục. Cũng vì thế mà vùng biên giới rất phức tạp, không ổn định, có những nơi hết thuộc về bên này đến thuộc về bên khác.
Tháng giêng năm 1014, Đại Lý tiến đánh châu Vị Long của Đại Cồ Việt, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép Đại Lý có 20 vạn quân: “Mùa xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa”. An Nam chí lược thì chép quân Đại Lý chỉ có 3 vạn người.
Nhận được tin báo, Vua Lý Thái Tổ cử em mình là Dực Thánh Vương dẫn quân đến đánh. Dù Đại Lý có kỵ binh mạnh nhưng không chống nổi kỵ binh kết hợp tượng binh cùng cung nỏ của Đại Cồ Việt, nên quân Đại Lý tử trận nhiều, số còn lại tháo chạy. Dực Thánh Vương thúc quân truy đuổi, bắt sống được viên tướng chỉ huy là Dương Trường Huệ, thu được ngựa chiến và lương thực. (Xem bài: Đánh bại Đại Lý giúp vùng biên giới của Đại Cồ Việt được yên bình )
Vua Lý Thái Tổ cho sáp nhập vùng đất ngày nay gọi là Hà Giang vào Đại Cồ Việt. Sau đó nhà Vua tiếp tục cho sáp nhập vùng đất của người Thái vào Đại Cồ Việt, ngày nay thuộc Sơn La.
Năm 1054, nhà Lý đổi tên nước thành Đại Việt. Năm 1159, nhân lúc Đại Lý suy yếu, vua Lý Anh Tông cùng Tô Hiến Thành đã thuyết phục các Tù trường người Thái về với mình, nhờ đó mà sáp nhập thêm vùng đất thuộc bắc Yên Bái, nam Lào Cai vào lãnh thổ.
Thời nhà Trần
Thời vua Trần Nhân Tông, Ai Lao (tức Lan Xang – đất nước triệu voi, Lào ngày nay) hay xâm phạm biên giới. Năm 1290, Vua phải thân chinh đi đánh dẹp Ai Lao. Năm 1294, Ai Lao lại xâm lấn Đại Việt, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cầm quân đánh tan Ai Lao, bắt nhiều tù binh và thu nhiều chiến lợi phẩm.
Năm 1301, Phạm Ngũ Lão tiến quân sang Mường Mai của Ai Lao, sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ đặt tên là Mông đạo, nay là huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình.
Năm 1329, vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho con rồi lên làm Thượng Hoàng, nhưng ở phía tây, Ai Lao và Ngưu Hống (một vương quốc của người Thái Đen ở Điện Biên Phủ và Sơn La ngày nay) vẫn mang quân quấy phá vùng biên giới. Thượng Hoàng liền đích thân đưa quân đi đánh dẹp Ngưu Hống, thu và sáp nhập được vùng đất thuộc các huyện Yên Châu, Phù Yên, Thuận Châu, Tuần Giáo, Mai Sơn và thành phố Sơn La thuộc tỉnh Sơn La ngày nay.
Thời nhà Lê
Năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn giành lại quyền độc lập tự chủ, Lê Lợi lên ngôi Vua và lập ra nhà Lê. Nước Đại Lý trước kia trở thành Vân Nam của nhà Minh. Thủ lĩnh người Thái Trắng ở châu Ninh Viễn (một phần thuộc tỉnh Lai Châu của Việt Nam, và một phần thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc) là Đèo Cát Hãn thần phục nhà Lê.
Thế nhưng sau đó Đèo Cát Hãn lại cùng người Thái Trắng nổi lên chiếm 2 lộ là Quy Hóa (Lào Cai) và Gia Hưng (khoảng giữa sông Mã và sông Đà), rồi tấn công Mương Mỗi (Sơn La).
Trước tình hình đó vua Lê Thái Tổ cử hoàng tử Lê Tư Tề cùng quan Tư khấu Lê Sát đưa quân tiến đánh. Sau đó vua Lê thân chinh đưa quân đến đánh châu Ninh Viễn. Quân nhà Lê theo cả 2 đường thủy bộ đánh tan quân của Đèo Cát Hãn, bắt được 3 vạn binh lính cùng dân chúng.
Vua Lê Thái Tổ cho nhập châu Ninh Viễn bao gồm cả vùng đất thuộc tỉnh Lai Châu và cả vùng đất thuộc Vân Nam (Trung Quốc) vào Đại Việt.
Năm 1467, Ai Lao cho quân quấy phá biên giới phía tây bắc, chiếm động Cự Lộng thuộc châu Thuận (tỉnh Sơn La ngày nay). Vua Lê Thánh Tông sai tướng quân Khuất Đả đưa quân đánh bại Ai Lao, sau đó cho sáp nhập vùng đất Câu Lộng (Mã Giang) vào Đại Việt, ngày nay là huyện Sông Mã thuộc tỉnh Sơn La.
Thời gian này Ai Lao và Bồn Man liên tục cho quân cướp phá vùng biên giới. Năm 1478, vua Lê Thánh Tông mở cuộc tấn công quy mô gồm 18 vạn quân chia làm 5 cánh tiến đánh Ai Lao và Bồn Man. Từ đó Vua sáp nhập thêm một phần lớn vùng đất phía tây và tây bắc, gồm phần đất phía tây các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, tỉnh Hủa Phăn của Lào vào Đại Việt.
Thời chúa Trịnh diễn ra cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, lập cát cứ ở Mường Thanh của vương quốc Lào Lung (Luang Phrabang). Năm 1768-1769, quân chúa Trịnh tấn công quân khởi nghĩa, sáp nhập vùng đất này gọi là châu Ninh Biên (nay thuộc Điện Biên) thuộc Hưng Hoá.
Trải qua thời kỳ lịch sử lâu dài từ đầu thế kỷ 11 vào thời nhà Lý, đến đây thì vùng đất tây bắc đã được định hình và phát triển cho đến ngày nay.
Trần Hưng
Tô Hiến Thành: Vị quan đại thần thanh liêm cương trực
Mời xem video :