Lịch sử là môn bắt buộc ở cấp THPT: ‘Chạy nước rút" để kịp xây dựng nội dung
Để xây dựng chương trình với 52 tiết/năm ở cấp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến chuyên gia, chỉnh sửa, biên soạn tài liệu và thẩm định chương trình trong hơn 1 tháng.
Lịch sử cấp THPT sẽ là môn học bắt buộc chứ không còn là môn học tự chọn hoàn toàn theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018. Vấn đề đang thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội và cũng là một thách thức không nhỏ với ngành giáo dục bởi lộ trình thực hiện đang rất gấp để kịp triển khai ngay trong năm học này ở lớp 10.
Để xây dựng chương trình, sức ép thời gian là chắc chắn là một khó khăn. Nhưng theo các chuyên gia, quan trọng hơn là xây dựng và thẩm định nội dung chương trình. Ban soạn thảo cần chọn lọc để xây dựng chương trình môn Sử phần bắt buộc đảm bảo tính khoa học, hiệu quả và nhất là phù hợp với mọi đối tượng học sinh
Còn với các nhà sử học, chương trình môn sử THPT sẽ cần nhấn mạnh những nội dung căn bản của lịch sử Việt Nam để phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống dân tộc và giáo dục nhân cách cho học sinh.
Ngoài 52 tiết bắt buộc, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn dành cho học sinh nào có mong muốn học thêm ở cụm môn Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Sự thay đổi và thời gian triển khai thực hiện gấp gáp như vậy cũng đòi hỏi các trường THPT phải linh hoạt thích ứng, thay đổi chương trình dạy môn Sử.
Như vậy, tất cả học sinh THPT năm học tới sẽ học đầy đủ 52 tiết Lịch sử bắt buộc, thay vì là môn lựa chọn như trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành năm 2018. Những em lựa chọn môn Lịch sử để học chuyên sâu, theo hướng định hướng nghề nghiệp sẽ học nhiều hơn.