Lịch sử khoa bảng ở nước ta qua các triều đại (P2)

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 07:52:01

Các cuộc thi khoa bảng trước đây không chỉ giúp Triều đình tìm được bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, mà còn giúp khuyến học, trọng kẻ sĩ hay chữ, giúp đạo đức tinh thần xã hội luôn giữ được chuẩn mực mà không bị xuống dốc.

Tiếp theo phần 1

Tranh vẽ cảnh trường thi xưa. (Le Petit Journal, 28/7/1895)

Thời nhà Lê

Vào thời nhà Lý, dù Phật giáo phát triển cực thịnh, nhưng Nho học cũng được chú trọng. Đến thời nhà Trần thì Nho học rất thịnh, đến thời thuộc Minh thì nhà Minh đã cho tiêu hủy rất nhiều sách về Phật, Đạo, rồi đưa kinh thư Nho học từ nhà Minh sang. Đến thời nhà Lê thì Nho học vượt qua cả Phật và Đạo, dần chiếm vị trí độc tôn.


Năm 1426, khi nghĩa quân Lam Sơn ra bắc, dù quân Minh chưa rút về nước, nhưng vì cần gấp người tài giúp nước nên Lê Lợi đã tồ chức một kỳ thi với đề bài “Bảng văn dụ thành Đông Quan” lấy đỗ 50 người cho làm quan các nơi.

Năm 1428 khi đánh thắng hoàn toàn quân Minh, Lê Lợi lên ngôi Vua, hiệu là Lê Thái Tổ, lưu tâm sắp xếp lại việc học, khôi phục trường Quốc Tử Giám.

Năm 1429, Vua tổ chức khoa thi Minh kinh, năm 1431 tổ chức thi Hoành từ, năm 1433 tổ chức thi văn sách. Các khoa thi này giúp nhà Lê có được người giúp nước trong thời điểm mới giành được độc lập. Các kỳ thi này chưa lấy đỗ tiến sĩ.

Đến năm 1434, vua Lê Thái Tông ra chiếu chỉ:

“Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm. Thái Tổ ta mới dựng nước, đã lập ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang, chưa đặt khoa thi. Ta noi theo chí tiên đế, muốn cầu được người hiền tài để thỏa lòng mong đợi. Nay định điều lệ khoa thi, hẹn tới năm Thiệu Bình thứ 5 (1438) thì thi Hương ở các đạo, đến năm thứ 6 (1439) thì thi Hội ở đô sảnh đường.”


( Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú).


Vua Lê Thái Tông định kỳ 3 năm tổ chức một khoa thi, mỗi lần thi Hương hay thi Hội đều phải trải qua 4 kỳ thi gọi là “tứ trường”.

Năm 1442 nhà Lê tổ chức khoa thi, được xem là khoa thi đầu tiên của nhà Lê, có đầy đủ thi Hương, thi Hội qua tứ trường, rồi đến thi Đình có phân Tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Đến thời vua Lê Thánh Tông năm 1484, Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo tâu với Vua nên dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám nhằm khuyến học. Vua chuẩn tấu cho dựng bia tiến sĩ ghi lại họ tên, thứ bậc những người thi đậu từ khoa thi năm 1442 trở về sau.

Thời Lê Trung Hưng

Nhà Lê sau khi bước vào giai đoạn mạt, bị nhà Mạc giành ngôi. Trải qua thời kỳ Nam Bắc triều, năm 1593, Trịnh Tùng chỉ huy quân Nam triều đánh bại nhà Mạc, đưa vua Lê Thế Tông từ Thanh Hóa vào Kinh thành Thăng Long, chấm dứt thời kỳ Nam Bắc triều, bắt đầu thời kỳ Lê Trung Hưng.

Năm 1595, nhà Lê Trung Hưng mở khoa thi đầu tiên, lệ thi vẫn như trước, nhưng lấy đỗ tiến sĩ ít hơn, Tam khôi cũng ít lấy hoặc không lấy đủ cả Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Khoa thi đầu tiên năm 1595 không lấy Tam khôi, sau đó dù 3 năm tổ chức một khoa thi cũng không lấy Tam khôi.

Mãi đến khoa thi năm 1628, triều đình mới lấy Thám hoa là Dương Văn Minh. Khoa thi năm 1537 thì lấy đủ Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Từ đó khoa thi lấy đủ Tam khôi rất ít.

Đến khoa thi năm 1736 thì triều đình chỉ lấy Trạng nguyên và Thám hoa (không lấy Bảng nhãn). Trạng nguyên khoa thi này là Trịnh Huệ – đây cũng là Trạng nguyên cuối cùng của sử Việt. Sau này có một số người đỗ đầu có tài năng nhưng không được phong Trạng, ví như Bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Nếu xem Trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh (khoa thi năm 1075) đến Trạng nguyên cuối cùng Trịnh Huệ (khoa thi năm 1736) thì tỉnh Bắc Ninh có số lượng Trạng nguyên nhiều nhất là 16 người, tỉnh Hải Dương đứng thứ hai với 12 người. Số Trạng nguyên của Quảng Ninh và Hải Dương đã chiếm một nửa cả nước.

Thời nhà Nguyễn: Không có Trạng nguyên

Thời nhà Nguyễn, vua Gia Long cho rằng trị quốc cần cả văn lẫn võ. Vua chú trọng giáo dục, khuyến khích các địa phương xây Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử, khuyến học ở các nơi, tổ chức thi Hương tìm người tài ra làm quan.


Thời vua Gia Long chỉ có thi Hương, đến thời vua Minh Mạng có tổ chức thi Hội, thi Đình lấy tiến sĩ. Năm 1829, vua Minh Mạng ra quy định cho kỳ thi Đình, cho thêm học vị “phó bảng”. Phó bảng giành cho những ai có quyển thi không đỗ tiến sĩ, nhưng quyển thi làm đầy đủ, thể hiện văn tài, tuy không đỗ tiến sĩ nhưng đỗ phó bảng, nhằm không để sót người tài. Khoa thi 3 năm tổ chức một lần.

Bộ Lễ tấu trình lên Vua:

“Phàm văn lý được mười phân thì xin cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên); chín phân thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn); tám phân thì đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (thám hoa); bảy phân, sáu phân thì lấy đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp); năm phân trở xuống thì đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ)”.


Vua Minh Mạng chuẩn tấu, nhưng từ đó nhà Nguyễn không có ai đỗ Trạng nguyên. Dù các khoa thi đều có người đỗ đầu, nhưng các quan chấm thi cho rằng không ai xứng “văn lý mười phân” nên không chấm đỗ Trạng nguyên.

Từ thời thuộc Pháp


Chế độ quân chủ qua đi, dưới thời thuộc Pháp, trường học bắt đầu dạy chữ Quốc ngữ. Việc không dùng chữ Hán khiến sách vở đời trước còn rất ít người hiểu được. Vì chỉ là chữ ký âm nên chữ Quốc ngữ cũng không hoàn toàn truyền đạt lại “nghĩa” của từ. Có rất nhiều từ ghép mà người ta chỉ hiểu nghĩa của từ ghép mà không hiểu nghĩa của từng từ trong đó.

Nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim nhận xét rằng:

“Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả”.

Sự chấm dứt của thời kỳ quân chủ, chấm dứt độc tôn Nho học, chấm dứt dùng chữ Hán đã đặt dấu chấm hết cho lịch sử khoa bảng nước ta.


Trần Hưng


Mời xem video:

Chia sẻ Facebook