Leonardo da Vinci: Người họa sĩ “nghiệp dư” tuyệt vời nhất trong lịch sử

Chia sẻ Facebook
26/12/2022 08:07:02

Nói về lịch sử nghệ thuật phương Tây, Leonardo da Vinci chắc chắn là một nhân vật không thể không nhắc tới. Tuy nhiên kể chuyện...


Nói về lịch sử nghệ thuật phương Tây, Leonardo da Vinci chắc chắn là một nhân vật không thể không nhắc tới. Tuy nhiên kể chuyện về người họa sĩ kiệt xuất này thực sự rất khó – Ông quá nổi tiếng. Chỉ cần hỏi bất cứ ai và đề nghị họ kể tên một vài họa sĩ nổi tiếng nhất trong và ngoài nước, 10 người thì có đến 9 người sẽ nhắc đến Da Vinci. Có vô số lời bàn tán, truyện ký, tin đồn, tiểu thuyết và những bộ phim về ông. Vậy nên nếu muốn kể những điều mới mẻ về bậc thầy hội họa ấy thì có thể hình dung được độ khó đến mức nào!

Tượng Leonardo da Vinci tại Florence, Ý. (Ảnh: IPGG, Shutterstock)

Hãy bắt đầu bằng một bức tranh nhỏ trị giá hơn 150 triệu USD

Một buổi chiều cuối hè năm 2007, tiết trời oi bức khiến mọi người uể oải. Trong một phòng tranh ở Manhattan, New York, nữ chủ nhân nằm dài trên ghế, mắt lim dim. Những chú ve sầu trên cây kêu yếu ớt từng hồi. Lại là một buổi chiều buồn tẻ khác.

Đột nhiên, cánh cửa được đẩy ra, một người đàn ông tầm thước bước vào. Vẫn có khách trong thời tiết nóng nực như vậy ư? Bà chủ thoáng hồ nghi, nhưng cũng bất giác đứng lên nghênh đón vị khách. Người đàn ông ăn mặc đẹp, có nước da ngăm đen, tóc mai hai bên đã lốm đốm bạc, trông giống như một nhân vật thường thấy ở khu này.

Sau khi đứng ở cửa đảo mắt nhìn quanh, ông bước thẳng đến một chiếc bàn bên trái. Đây là một cái bàn tròn gỗ gụ phong cách baroque, với một giá vẽ nhỏ trên bàn. Trên giá vẽ là một bức tranh nhỏ, chỉ lớn hơn khổ giấy in A4 tiêu chuẩn một chút. Chính bức tranh nhỏ này đã thu hút ông.


Người đàn ông nhìn vào bức tranh nhỏ một cách thờ ơ. Tờ giấy ghi bên cạnh cho biết đó là một họa sĩ người Đức thế kỷ 19 mô phỏng phong cách thời kỳ Phục hưng ở Ý. Người đàn ông lại nghiêm túc nhìn nó một lúc, rồi thờ ơ hỏi: “Bức tranh này giá bao nhiêu?”


Thấy vậy, bà chủ liền bật dậy, tiến lại gần cười nói: “Bức tranh này do một nhà sưu tập mà tôi biết rất rõ cách đây 9 năm để lại. Lúc đó ông ấy đã bỏ ra 21.800 đô la để nhận được nó. Nếu ông thích thì tôi bán lại với giá này!” Bà chủ vờ tỏ vẻ bất lực.


Khi người đàn ông bước ra khỏi phòng trưng bày, ông kẹp một phong thư dưới nách, và bên trong là bức tranh “Thiếu nữ vô danh” . Tuy nhiên, ánh mắt của người đàn ông lại tràn đầy vẻ hưng phấn không thể che giấu, khóe miệng ông bất giác nhếch lên, thậm chí hai tay hơi run.

Vừa rồi trong cửa hàng ông đã cố gắng kiềm chế bản thân, làm ra vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và trực giác nhiều năm, ông mơ hồ cảm thấy bức tranh nhỏ tưởng chừng không bắt mắt này, có lẽ được vẽ từ ngòi bút của một họa sĩ vĩ đại nào đó. Giá trị bức tranh này e rằng khó có thể tưởng tượng được.

Bức tranh “La Bella Principessa” (Công nương xinh đẹp) (1495-1496). (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Người mua bức tranh tên là Peter Silverman, một nhà sưu tập nghệ thuật lâu năm. Lần đầu tiên khi nhìn thấy bức tranh nhỏ này, ông lập tức cảm thấy nó có rất nhiều thông điệp. Dựa vào kinh nghiệm của mình, ông gần như có thể kết luận rằng đó là một bức tranh thời Phục Hưng, không phải là tranh chép.

Hơn nữa, sau khi nhìn cẩn thận, ông phát hiện ra rằng những vạch chỉ bóng thanh tú trên khuôn mặt cô gái được vẽ xiên từ phía trên, bên trái xuống phía dưới, bên phải. Về cơ bản chỉ những người thuận tay trái mới vẽ theo cách này. Chà, có rất nhiều họa sĩ thuận tay trái trong thời kỳ Phục hưng, nhưng bằng trực giác, ông đã nghĩ đến một cái tên.

Ông Silverman tiếp cận với các chuyên gia thẩm định nghệ thuật cổ của Viện bảo tàng Louvre. Họ xác nhận thông qua phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon 14 rằng tuổi của giấy vẽ về cơ bản là trong khoảng từ năm 1440 đến năm 1560, vừa khớp là thời kỳ Phục Hưng.


Các chuyên gia đã cẩn thận so sánh nhiều chi tiết trong bức tranh, như: xử lý da cô gái, viền ren váy, xử lý dây buộc tóc và tóc, đặc biệt là xử lý tròng mắt đen của cô gái. Tất cả đều giống với bức tranh “Dama con l’ermellino” (Người phụ nữ và con chồn) nổi tiếng.

Bức tranh “Dama con l’ermellino” (Người phụ nữ và con chồn) (1489-1490), được lưu giữ tại Bảo tàng Czartoryskich ở Krakow. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Tiếp đó, các chuyên gia đã sử dụng một “máy ảnh quét laser đa quang phổ” tiên tiến. Họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra một dấu vân tay ở góc trên bên trái của bức tranh. Dẫu hơi mờ nhưng có thể thấy rõ đó là một dấu vân tay của ngón giữa hoặc ngón trỏ. Nhóm chuyên gia rất vui mừng, và ngay lập tức giao dấu vân tay cho tổ chức có thẩm quyền để nhận dạng, xem có phát hiện ra bất ngờ nào hay không.

Bức tranh này được vẽ trên một mảnh giấy da dê, các chuyên gia nhận thấy có ba lỗ rất nhỏ ở mép trái của bức tranh. Vào thời điểm đó, nhiều cuốn sách cũng được làm bằng giấy da dê, vì vậy người ta suy đoán rằng miếng giấy vẽ tranh có thể đã được đóng trong một cuốn sách. Vậy nó sẽ là loại sách gì?

Trong khi các chuyên gia đang lúng túng, thì một giáo sư lịch sử nghệ thuật đã nghỉ hưu của Đại học Nam Florida cung cấp manh mối. Ông nói rằng ông đã nhìn thấy một cuộn da dê cổ trong Thư viện Quốc gia Warsaw, Ba Lan. Đó là một cuốn sách ghi lại lịch sử gia tộc của Công tước Sforza của Milan. Bức tranh này có thể liên quan đến cuốn sách đó. Nhóm chuyên gia cảm thấy vui mừng, bởi manh mối này rất đáng tin cậy.

Ludovico Sforza là đồng minh của gia đình Medici và là người cai trị thực tế của Công quốc Milan. Ông có một cô con gái ngoài giá thú tên là Bianca Sforza. Năm 1496, Sforza hứa hôn cô bé 14 tuổi Bianca cho một vị tướng.

Đồng thời, Sforza đã triệu tập một số nhà thơ và họa sĩ xuất sắc ở Milan lúc bấy giờ, cho ra đời một cuốn sách đẹp và tặng Bianca như một món quà cưới. Chính cuốn sách da dê này đã ghi lại lịch sử của gia đình Sforza và cuộc đời của Bianca. Sau đó, cuốn sách này đã trở thành bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Ba Lan sau nhiều lần mua đi bán lại.

Khi câu chuyện kết thúc ở đây, nghiên cứu về bức tranh tạm thời chưa được biết đến này đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Năm 2011, tạp chí National Geographic và đài CPB đã thành lập một đoàn làm phim chung, và theo đoàn chuyên gia đến Thư viện Quốc gia Ba Lan.

Nhóm chuyên gia đã đối chiếu từng trang với máy ảnh có độ phân giải cao. Kết quả là rõ ràng một trang đã bị cắt đi, bức tranh này ghép vào lại vừa khớp với vết cắt. Hơn nữa, vị trí của ba lỗ nhỏ trên mép bức chân dung của cô gái và lỗ đóng gáy của tập sách hoàn toàn giống nhau! Vâng, cô gái vô danh này chính là Bianca.


Lúc này, nhóm chuyên gia đã liệt kê kết quả đã được xác nhận về bức tranh nhỏ này: Đây là một họa sĩ thời Phục Hưng. Ông ấy làm việc cho Sforza ở Milan vào năm 1496. Ông ấy vẽ bằng tay trái. Thói quen xử lý chi tiết giống như bức “Dama con l’ermellino” (Người phụ nữ và con chồn). Tuy nhiên, hãy kìm lại sự phấn khích, bởi mọi người vẫn đang chờ đợi kết quả cuối cùng của việc xác nhận dấu vân tay.


Sau một vài tuần, kết quả nhận dạng dấu vân tay được đưa ra. Các dấu vân tay trên bức tranh rất phù hợp với các dấu vân tay trên bức tranh chưa hoàn thành “San Girolamo” (Thánh Jerome ở nơi hoang dã) ở Vatican! Khi biết tin, tất cả mọi người đều thốt lên: Đúng là ông ấy! Leonardo Da Vinci!


“Thánh Jerome ở nơi hoang dã” (San Girolamo) là một tác phẩm còn dang dở của Leonardo da Vinci. Bức tranh “Người phụ nữ và con chồn” (Dama con l’ermellino) cũng là của Leonardo da Vinci.

Bức tranh “San Girolamo” (Thánh Jerome ở nơi hoang dã) của Leonardo da Vinci, những năm 1480, lưu giữ tại Vatican. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Bức tranh nhỏ mà ông Silverman mua với giá 20.000 đô la Mỹ này hiện được định giá 150 triệu đô la Mỹ. Tên của bức tranh là “La Bella Principessa” (Công nương xinh đẹp). Ông Silverman đã trở thành tỷ phú nhờ bức tranh này.


Năm 2017, một tác phẩm khác của Leonardo da Vinci, “Salvator Mundi” (Đấng cứu thế), cũng được bán với giá cao ngất ngưởng là 450 triệu đô la Mỹ, lập kỷ lục cho các cuộc đấu giá nghệ thuật.

Bức “Salvator Mundi” (Đấng cứu thế) của Leonardo da Vinci (1499–1510), lưu giữ tại bảo tàng Louvre Abu Dhabi. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Nhưng điều quan trọng ở chỗ: Dẫu bức “Đấng cứu thế” hay “Công nương xinh đẹp” được hầu hết các chuyên gia chứng nhận và đồng ý xác nhận đó là tác phẩm của Da Vinci, thì vẫn có không ít chuyên gia trong ngành có thái độ phủ định! Nghĩa là không thể hoàn toàn chắc chắn rằng đây là tranh của Da Vinci. Nhưng dù vậy, vẫn có những người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua, chỉ vì chúng liên quan đến Da Vinci.

Vẽ không quá 17 bức tranh suốt một đời người


Với tư cách là một họa sĩ, có thể đạt được thành tựu như vậy, Leonardo da Vinci có lẽ là người duy nhất trong lịch sử từ xưa đến nay. Tuy nhiên, xét về số lượng tranh và thời gian ông dành cho hội họa, Leonardo chắc chắn là một họa sĩ “nghiệp dư” ! Những bức tranh ông để lại trong đời, gồm cả những tác phẩm bị nghi ngờ, chỉ vẻn vẹn 17 bức. Hơn nữa, một số trong đó vẫn còn là những tác phẩm dang dở. Do đó, con số này quả thực là quá ít.

Da Vinci luôn tràn đầy năng lượng. Ông có một thói quen làm việc kỳ diệu. Về cơ bản, ông làm việc trong 4 giờ, tiếp đó ngủ từ 15 đến 20 phút. Sau đó ông thức dậy và tiếp tục làm việc, rồi lại ngủ tiếp từ 15 đến 20 phút sau 4 giờ. Vậy tính ra Da Vinci ngủ bao nhiêu tiếng một ngày? (Khoảng 2-3 tiếng một ngày).

Da Vinci sống đến 67 tuổi. Ông đã dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời mình để nghiên cứu và sáng tạo. Dẫu vậy ông chỉ vẽ rất ít tranh. So với gần 8.000 trang bản thảo nghiên cứu khác mà ông để lại, rõ ràng là Da Vinci không quá coi trọng việc vẽ tranh.

Một người nghiệp dư sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để làm một số việc yêu thích, kết quả lại trở thành một vị họa sĩ kiệt xuất trong ngành. Đây chẳng phải là một sự tồn tại kỳ diệu hay sao?


Thậm chí “Da Vinci” thực ra không là tên của ông, mà hơi giống một biệt danh. Tên của nhiều bậc thầy thời Phục Hưng là biệt hiệu do người dân thời đó đặt cho. Sau này không còn ai nhớ tên thật của họ, nhưng những biệt danh này lại được lưu truyền mãi mãi. Leonardo da Vinci tên thật là Leonardo, vì sinh ra ở thị trấn Vinci nên ông thêm hậu tố: Leonardo da Vinci, có nghĩa là Leonardo sống ở làng Vinci.

Leonardo da Vinci giúp thầy hoàn thiện bức tranh

Năm 14 tuổi, Leonardo trở thành người học việc trong xưởng vẽ của Verrocchio ở Florence, Ý, dưới sự sắp xếp của cha mình. Andrea del Verrocchio là một trong những họa sĩ giỏi nhất ở Florence khi đó.


Leonardo đã ở trong xưởng vẽ liền 4 năm. Khi Da Vinci 18 tuổi, người thầy Verrocchio nhận ủy thác vẽ một bức tranh về “Lễ rửa tội của Đấng Kitô” để đặt tại nơi làm lễ rửa tội.

Sau khi bức tranh gần hoàn thành, Verrocchio vốn định vẽ thêm hai tiểu thiên sứ ở góc dưới bên trái, nhưng chỉ vẽ xong một thiên sứ thì đã không có thời gian vì phải lo việc gấp. Vậy nên, Verrocchio đã gọi Da Vinci tới giúp mình vẽ thêm một tiểu thiên sứ. Tất nhiên, sự kiện này tương đương với việc chính thức cho phép người học việc hành nghề. Nếu hoàn thành tốt thì coi như một dấu mốc, nếu làm chưa tốt thì phải quay lại học tiếp.

Bức tranh “Battesimo di Cristo” (Lễ rửa tội của Đấng Kitô) của Verrocchio và Leonardo da Vinci (1472-1475), lưu giữ tại bảo tàng Uffizi, Florence. Thiên thần bên trái được cho là hoàn thành bởi Leonardo. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


Giorgio Vasari, người đã viết cuốn sách vô cùng quan trọng trong lịch sử nghệ thuật: “Le vite de’ più eccellenti pittori, scultori, e architettori” (Tạm dịch: Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư tài ba nhất), đã ghi chép về bức tranh “Battesimo di Cristo” như vậy. Khi bức tranh được trưng bày công khai, mọi người đều hết lời khen ngợi. Verrocchio hỏi bức tranh đẹp ở đâu? Kết quả là mọi người đều chỉ vào tiểu thiên sứ và nói: Tiểu thiên sứ này vẽ đẹp quá! Verrocchio liếc nhìn thì thấy mọi người đang nói về tiểu thiên sứ mà Da Vinci vẽ.

Quả thực, tiểu thiên sứ do Da Vinci vẽ có kỹ thuật hoàn thiện và tròn trịa hơn, biểu cảm sinh động và tự nhiên hơn, chi tiết phong phú và chân thực hơn, mối quan hệ giữa tạo hình nhân vật và góc nhìn cũng chân thực và đáng tin cậy hơn.

Vasari viết rằng sau cuộc triển lãm, Verrocchio tự hào thừa nhận rằng người học việc trẻ tuổi đã vượt xa mình.

Mở xưởng vẽ ở tuổi 20, Leonardo da Vinci có rất nhiều sở thích

Năm 1472, khi vừa tròn 20 tuổi, Leonardo đã trở thành thành viên của Liên đoàn các họa sĩ Florence mà không cần bàn cãi. Nghĩa là ông đã có thể mở xưởng vẽ của riêng mình để tuyển người học việc và có thể tự mình nhận đơn đặt hàng. Đây là điều chưa từng có vào thời điểm đó. Phải đến hơn 20 năm sau, kỷ lục này mới bị phá vỡ bởi một thiên tài vĩ đại khác, chính là Michelangelo.

Dẫu Verrocchio đã dạy Leonardo nhiều kỹ thuật vẽ tranh, nhưng người thực sự ảnh hưởng đến Leonardo lại là một người khác. Đó là Leon Battista Alberti, một người rất nổi tiếng vào thời điểm đó. Ông đã đạt được những thành tựu phi thường trong kiến trúc, mỹ thuật, kỹ thuật đô thị, văn học, thơ ca, và triết học.

Alberti hơn Da Vinci gần 50 tuổi. Dù cả hai chưa từng gặp mặt nhưng điều này không thể ngăn Alberti trở thành thần tượng để Leonardo trẻ tuổi bắt chước và học hỏi. Hơn nữa, hai người này cũng có nhiều điểm chung: Đều là con ngoài giá thú, đều giỏi thể thao, tướng mạo tuấn tú và cả đời không lập gia đình. Họ đều luôn quan tâm đến mọi thứ, và rất hiếu kỳ!

Da Vinci không chỉ nghiên cứu tất cả các tác phẩm và bài luận của Alberti, mà còn cố tình bắt chước thể chữ và cử chỉ của ông. Alberti từng nói: Một người cần có phong thái ngời ngời trong ba việc – đi bộ, cưỡi ngựa và nói chuyện. Câu này chắc hẳn đã gây ấn tượng với Leonardo, vì sau này ông đã trở thành minh chứng tốt nhất cho câu nói ấy.

Vào thời điểm này, Leonardo đã cao ráo, tuấn tú, lịch lãm, tài năng và nổi tiếng. Các sử gia đời sau đều hết lời ca ngợi: Không còn nghi ngờ gì nữa, Leonardo da Vinci là người đại diện tiêu biểu nhất của thế giới nghệ thuật hưng thịnh này. Vasari nói: Ông ấy là sự kết hợp giữa vẻ đẹp phi thường với sự sang trọng bất tận, phong thái nho nhã của ông ấy có thể an ủi những linh hồn đau thương nhất.

Những ngày tháng của Florence, thành phố trăm hoa, cứ thế trôi qua. Nhưng Da Vinci chưa bao giờ có thể đạt được thành công lớn hơn trong lĩnh vực hội họa. Nói cách khác, Da Vinci chưa bao giờ vẽ nên một bức tranh đại diện, đủ để thể hiện tài năng hội họa của mình. Vì sao nên nỗi?

Vì sở thích của Da Vinci quá rộng!

Leonardo da Vinci là một người rất có kỷ luật, ông thường lên lịch trình những việc cần làm trong một ngày. Hãy xem lịch trình của cậu bé tò mò này được liệt kê trong tiểu sử như sau: Nhờ thầy số học cho mình biết cách tìm một hình vuông có cùng diện tích từ một hình tam giác; Nhờ trung sĩ pháo binh nói về cấu trúc của bức tường Tháp Fratta; Nhớ hỏi Portinari chuyện gì đang xảy ra khi họ đi bộ trên băng ở Flanders; Tìm một giáo viên thủy lực nói cho mình biết cách vận hành hệ thống khóa nước, kênh đào và nhà máy của người Langobardi…

Lịch trình cuối ngày của ông ấy còn viết: Trước khi mặt trời lặn, phải đi đo chiều dài của bức tường thành cũ, chuẩn bị cho việc vẽ bản đồ thành phố mới.

Bạn thấy đó, mọi việc Da Vinci phải làm trong ngày đều không liên quan gì đến nhau. Việc gì cũng chứa đầy sự tò mò và khao khát tìm kiếm tri thức. Bằng cách này, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, Da Vinci liên tục liệt kê những điều ông muốn biết và khao khát được tìm hiểu.

Nhiều việc trong số đó dường như rất lãng phí thời gian. Ví dụ: Quan sát chân ngỗng, nếu nó luôn mở hoặc khép thì ngỗng không thể bơi được. Rồi: Tại sao bầu trời lại có màu xanh? Hoặc một ví dụ khác: Tại sao cá ở dưới nước lại nhanh nhẹn hơn chim ở trên không. Lẽ nào không phải điều ngược lại mới đúng hay sao, bởi nước nặng hơn và nhớt hơn không khí!

Nghe có vẻ hơi nhàm chán? Ai sẽ quan tâm đến những vấn đề này? Đây là một hiện tượng mà chúng ta đã quá quen thuộc dù chưa từng được nghiên cứu sâu. Da Vinci là một người như vậy, luôn duy trì sự tò mò và đam mê mạnh mẽ đối với việc tìm kiếm tri thức trong suốt cuộc đời mình. Hơn nữa ông ấy luôn tràn đầy sự ngạc nhiên trước mọi thứ.

Có lẽ bây giờ thì bạn đã biết tại sao Da Vinci chỉ ngủ 2 hoặc 3 tiếng mỗi ngày, nhưng lại chỉ vẽ chưa đến 17 bức tranh! Bạn có thể nói rằng Da Vinci không có thời gian để nghĩ về hội họa! Điều duy nhất chúng ta thấy trong lịch trình của ông có một chút liên quan đến vẽ tranh là như thế này: Hãy đến nhà tắm công cộng vào thứ Bảy hàng tuần, nơi có thể nhìn thấy những cơ thể trần trụi. Ồ, cuối cùng chúng ta đã thấy một cái gì đó liên quan đến hội họa.

Trong thời kỳ Phục Hưng, đặc biệt là trong thời kỳ sau đó, làm thế nào để khắc họa cơ thể người một cách chính xác và hoàn hảo, là một trong những mục tiêu nghệ thuật cao nhất của các họa sĩ. Nhưng đối với Leonardo, chỉ nhìn bề mặt cơ thể người là chưa đủ. Nếu muốn vẽ chính xác cấu trúc của cơ thể người ở các tư thế khác nhau, phải hiểu được mạch máu, hệ cơ, xương, da, cùng tim, gan, lá lách và dạ dày của cơ thể người, v.v.. Lúc đó không có chụp X-quang thì phải làm sao? Đáp án là giải phẫu.

Tìm hiểu giải phẫu

Ở phương Tây cho đến thế kỷ 16, với sự gia tăng của các hoạt động phẫu thuật, việc giải phẫu cơ thể con người bắt đầu dần dần được công chúng chấp nhận. Nhưng ngay cả như vậy, ở nhiều nơi, chỉ một vài ngày trong năm chính phủ mới cho phép các bác sĩ phẫu thuật tập trung lại với nhau, cùng công khai mổ xẻ một xác chết. Vì vậy, việc giải phẫu cơ thể người ở thời đại mà Da Vinci sống vẫn là bất hợp pháp. Vậy nên làm thế nào? Làm một cách bí mật thôi…

Sau khi Da Vinci đến Milan, nghiên cứu của ông về giải phẫu học đã dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy các đối tượng giải phẫu ưng ý qua các kênh thông thường. Thế thì phải làm thế nào? Đành phải đến thăm nghĩa trang vào ban đêm.


Alberti , thần tượng của Da Vinci, đã viết trong tác phẩm “Della Pittura” (Bàn về hội họa) rằng: Trước khi vẽ quần áo của nhân vật, trước tiên chúng ta phải vẽ cơ thể trần trụi của họ, sau đó mới mặc quần áo vào cho họ. Khi vẽ ảnh khoả thân, trước hết phải xác định khung xương và hệ cơ của họ, sau đó mới dùng da thịt che lại. Như vậy mới dễ hiểu vị trí của từng thớ thịt dưới da.

Đoạn văn này được coi là tiêu chuẩn của giới học thuật cho đến ngày nay. Đến nay, tại phương Tây việc giảng dạy nghệ thuật hàn lâm vẫn kế thừa quan niệm này.


Vì hiểu biết sâu rộng về hệ cơ, xương khớp của con người, Da Vinci đã có thể thể hiện nỗi đau thấu xương của Thánh Jerome một cách sâu sắc trong “San Girolamo” (Thánh Jerome ở nơi hoang dã). Cũng chính nhờ sự am hiểu về các mô cơ trên khuôn mặt, đặc biệt là cơ điều khiển đôi môi, mà Da Vinci đã vẽ nên những biểu cảm khó nắm bắt nhất trên thế giới.

Bức “L’Ultima Cena” (Bữa tiệc ly hay Bữa tối cuối cùng) của Da Vinci


Mặc dù Leonardo sinh ra ở Florence, Ý ,nhưng Milan chắc chắn là vùng đất may mắn của ông. Trong thời gian ở Milan, ông đã đạt được hàng loạt thành tựu quan trọng nhất, trong đó phải kể đến bức tranh “L’Ultima Cena” (Bữa tiệc ly hay Bữa tối cuối cùng).


Nhắc đến “Bữa tối cuối cùng” , chắc hẳn ai cũng đã biết hoặc từng nghe nói đến kiệt tác này. Bức tranh được vẽ trên tường phòng ăn của Tu viện Santa Maria ở Milan. Ngày nay người ta phải đặt vé trước ít nhất nửa năm để vào ngắm tranh, khi vào không chỉ bị hạn chế số người, mà còn phải phun thuốc khử trùng. Mỗi đoàn khách chỉ được dừng tối đa 15 phút trước bức tranh.

Bức tranh “L’Ultima Cena” (Bữa tối cuối cùng) của Da Vinci. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Khi được vào tham quan nơi đây, tôi đã nghĩ những vị tu sĩ dùng bữa ở nhà ăn này chắc hẳn không thể ngờ được rằng sẽ có ngày nó trở thành nhà ăn đắt đỏ nhất thế giới. Nhà ăn này không những không thể đặt được chỗ, mà còn không cung cấp cả đồ ăn!

“Bữa tiệc cuối cùng” của Leonardo da Vinci: Những điều đặc biệt

Tình yêu Milan

Leonardo yêu Milan hơn quê hương Florence. Sau cái chết của Lorenzo Medici, Florence rơi vào tình trạng hỗn loạn, sự thịnh vượng trước đây không còn nữa. Lúc này, Milan quy tụ ngày càng nhiều trí thức từ các lĩnh vực khác nhau. Trong cung điện của Sforza, các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà toán học, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà thơ và nhà triết học đã quy tụ lại. Leonardo như cá gặp nước.

Ở Milan có rất nhiều cuộc diễu hành và lễ kỷ niệm không còn xuất hiện tại Florence. Những thành viên gia đình hoàng gia cũng rất kính trọng Leonardo. Những người bảo trợ ở đây tôn sùng các nghệ sĩ. Không có ủy ban nghệ thuật giám sát công việc của họ.

Một điểm nữa là Milan bấy giờ đã trở thành khu vực có tầm ảnh hưởng của Pháp, và người Pháp tôn thờ Leonardo. Vì vậy, ở Milan, ông hoàn toàn có thể cảm nhận được giá trị của bản thân và có khả năng thực hiện tất cả những nghiên cứu kỳ lạ.


Là một họa sĩ “nghiệp dư” , đóng góp quan trọng nhất của Leonardo da Vinci trong lĩnh vực hội họa là ông đã phát minh ra các kỹ thuật vẽ quan trọng, gồm “phương pháp làm mờ”“phương pháp phối cảnh không gian” của bản thân. Việc phát minh ra phương pháp “phối cảnh không gian” của riêng mình xuất phát từ nghiên cứu của ông về câu hỏi “Tại sao bầu trời lại có màu xanh”.

An nghỉ trong vòng tay của nhà vua

Mùa thu năm 1515, Leonardo 63 tuổi đến Bologna cùng một đội ngũ của Giáo hoàng. Mục đích chuyến đi là thể hiện thiện chí với người Pháp. Bởi chỉ vài tuần trước, vị quốc vương mới, 21 tuổi, đã nắm quyền điều hành Milan từ tay Sforza.

Đối mặt với việc người Pháp gây sức ép, Giáo hoàng phải cố gắng hòa hoãn với tân vương. Chính nhờ cuộc gặp gỡ này, Leonardo đã gặp được người bảo trợ cuối cùng trong đời và cũng là một trong những người bảo trợ yêu thích nhất của mình, Vua Francis I của Pháp.

Vua Francis cao ráo, hào phóng và nhân hậu. Mẹ của ông là người tràn đầy khao khát đối với văn hóa Ý. Dưới sự ảnh hưởng của bà, Francis tôn thờ thời kỳ Phục Hưng của Ý.

So với Ý, người Pháp khi đó chỉ đơn giản là những kẻ quê mùa. Giữa những vì sao sáng chói của thời Phục hưng, nước Pháp chỉ là một vùng ảm đạm. Vua Francis I rất mong muốn thay đổi tình trạng này, và ôm giữ tham vọng thiết lập một thời kỳ Phục Hưng như Ý ở Pháp. Hơn nữa, ông cũng là một người khao khát tìm kiếm tri thức và hứng thú với nhiều lĩnh vực.

Đối với Vua Francis I, giá trị lớn nhất của Leonardo không phải là tác phẩm của ông, mà là sự thông minh của ông. Vị vua trẻ tuổi khao khát kiến thức, và Leonardo có bộ não thông minh nhất thế giới vào thời điểm đó. Ông cũng có thể dạy cho nhà vua kiến thức trong hầu hết mọi lĩnh vực. Cặp thầy trò này giống với Alexander Đại đế và Aristotle từ 2.000 năm trước.


Tương tự, đối với Leonardo da Vinci, Vua Francis I cũng là một người bảo trợ hoàn hảo. Leonardo đã được trao tặng danh hiệu “Họa sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư trưởng của nhà vua” . Nhà vua ngưỡng mộ Leonardo vô điều kiện, và không bao giờ thôi quấn lấy ông, yêu cầu ông hoàn thành các bức tranh, hoàn toàn ủng hộ mọi sở thích của Da Vinci. Điều quan trọng nhất là nhà vua đã cho Da Vinci một ngôi nhà thoải mái và mức bổng lộc rất cao.

Vua Francis I đã tặng cho vị đại sư của mình một lâu đài nằm ở Thung lũng Loire: Lâu đài Château du Clos Lucé. Đoàn tùy tùng, học trò và bạn bè của Da Vinci đến thăm sẽ sống trong lâu đài này và mọi chi phí sẽ do hoàng gia chi trả. Ngày nay lâu đài này đã trở thành một điểm tham quan nổi tiếng.

Không chỉ vậy, gia đình hoàng gia còn cấp cho Da Vinci một khoản trợ cấp hàng năm trị giá 500.000 franc. Số tiền này đủ để ông có một cuộc sống vô cùng thoải mái, giàu sang và mãn nguyện. Đối với Da Vinci mà nói, đây chắc chắn là những những điều tốt đẹp nhất.

Nhưng cuộc sống của Da Vinci không mấy suôn sẻ, ông thường mắc kẹt trong những cảnh thay triều đổi đại. Trong những năm cuối đời, ông đã tự vẽ cho mình một bức chân dung tự họa rất nổi tiếng. Mặc dù trông già hơn nhiều so với tuổi thực của mình, nhưng hình ảnh của một nhà thông thái già từ đó đã đi vào lịch sử nghệ thuật.

Bức tranh được cho là tác phẩm tự họa của Leonardo da Vinci, lưu giữ tại Thư viện Hoàng gia Turin, Ý. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Ngày 2/5/1519, Leonardo sắp kết thúc cuộc đời hào hùng, đầy hiếu kỳ và ham khám phá của mình. Trong ghi chép của Vasari, ông viết: Vị vua trẻ bước vào phòng, sau khi cầu nguyện trước phút lâm chung của ông.

Leonardo vẫn còn tỉnh táo đã cố gắng ngồi dậy. Nhà vua nhẹ nhàng ôm lấy ông vào lòng. Vị đại sư thì thầm về căn bệnh và các triệu chứng của mình với nhà vua. Trên giường bệnh, nhà thông thái vẫn đang giải thích mối quan hệ phức tạp giữa bệnh suy tim và hệ thống mạch máu cho vị vua thông minh và tò mò.

Cuối cùng, Vasari viết rằng nhà vua đã nâng đầu Leonardo lên, đỡ lấy người ông và ban cho ông sự ân sủng cuối cùng. Ngài hy vọng rằng điều này sẽ làm giảm sự thống khổ của Leonardo. Với linh tính phi phàm, Leonardo nhận ra rằng việc tắt thở trong vòng tay của nhà vua là một vinh dự lớn lao. Vài phút sau, Leonardo 67 tuổi đã nhắm mắt thanh thản.

Bức tranh “François Ier reçoit les derniers soupirs de Léonard de Vinci” (Vua Francis I nhận được hơi thở cuối cùng của Leonardo Da Vinci), do họa sĩ Jean-Auguste-Dominique Ingres vẽ năm 1818. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Đoạn ghi chép này đã được mô tả bởi nhiều họa sĩ thế hệ sau. Bức nổi tiếng nhất là của Ingres, một bậc thầy học thuật người Pháp. Trong căn phòng sang trọng và tiện nghi, Leonardo nằm yên bình trong vòng tay của người bảo trợ đầy quyền lực và ưu ái ông nhất lúc bấy giờ.


Nhóm “Bình luận tranh sơn dầu phương Tây”
Dựa theo bài viết cùng tên đăng trên The Epoch Times
Tác giả: Lý Hạo
Thiên Cầm biên dịch

Nhìn lại một giai đoạn hưng suy của nghệ thuật nhân loại


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook