Lệnh động viên quân có thể khiến kinh tế Nga tiến gần hơn đến “vực thẳm”
Lệnh tổng động viên một phần gần đây của Tổng thống Nga Putin đã khiến lượng lớn người lao động Nga bị kéo vào phục vụ quân đội hoặc bỏ trốn.
Lệnh tổng động viên một phần gần đây của Tổng thống Nga Putin đã khiến số lượng lớn người lao động Nga bị kéo vào phục vụ quân đội hoặc bỏ trốn khỏi nước Nga. Có phân tích chỉ ra hậu quả kinh tế đối với Nga có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Huy động quân tác động thế nào đối với doanh nghiệp Nga?
Ngày 28/9, tờ WSJ có bài đăng nói rằng bóng đen của cơn bão kinh tế phủ lên nước Nga ngày càng dày khi ông Putin ra lệnh cung cấp thêm nguồn tài chính cho cuộc chiến ở Ukraine. Có phân tích chỉ ra quyết định vận động 300.000 người tham gia quân ngũ của Điện Kremlin sẽ đòi hỏi không nhỏ kinh phí trang bị, huấn luyện và chi trả cho lực lượng tiếp viện mới. Lệnh tổng động viên này còn làm ảnh hưởng đến các công ty tư nhân của Nga vì người lao động bị kéo vào phục vụ quân đội và nhiều người bỏ trốn khỏi đất nước để chống lại mệnh lệnh.
Sau khi ông Putin áp đặt lệnh điều động hôm 21/9, lượng lớn người Nga tìm mọi cách để có được vé máy bay bỏ trốn khỏi đất nước. Hãng tin Reuters cho biết giá vé một chiều đi từ Moscow đến nước ngoài gần đây đã tăng lên hơn 5.000 USD, ngoài ra còn có làn sóng người rời khỏi Nga bằng xe hơi trên đường bộ.
WSJ cho biết tuy không có bằng chứng rằng nền kinh tế Nga sắp sụp đổ, nhưng các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư ở nước này đang hoảng sợ trước lệnh điều động quân sự. Thị trường chứng khoán Nga, phần lớn giới hạn đối với các nhà đầu tư trong nước, đã lao dốc sau khi lệnh này được công bố. Nhiều nhà hoạt động và nhà phân tích cho rằng mệnh lệnh của ông Putin mở ra cánh cửa cho một đợt huy động quân sự lớn hơn.
Ông Mihail Markin – người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty logistics Major Cargo Service có trụ sở tại Moscow cho biết: “Thực sự là không thể tính toán được. Nếu công ty 1000 người có 5 người phải đi thì khác, nhưng nếu đi mất một nửa thì sao? Nếu không tuyển dụng được người làm, ai biết doanh nghiệp sẽ thế nào?”.
Giới doanh nghiệp ở Nga đang cố gắng phân loại các trường hợp nhân viên có thể phải nhập ngũ, cũng như cách có thể nhằm giảm thiểu con số đó. Hôm thứ Bảy, giám đốc điều hành của một nhà máy sản xuất thực phẩm ở miền trung nước Nga cho biết ông đã nhận được một mẫu đơn trống từ chính quyền địa phương, yêu cầu điền thông tin về những nhân viên có thể đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự. Biểu mẫu được WSJ thu thập cho thấy yêu cầu cung cấp thông tin như tên nhân viên, địa chỉ, quân hàm, tình trạng dự bị, tình trạng gia đình và vai trò công việc.
Tại công ty Major Cargo Service, các đơn vận chuyển hàng hóa hiện tại vẫn đang đúng tiến độ, nhưng ít khách hàng hơn liên hệ với công ty để thảo luận về công việc kinh doanh mới. Ông Malkin cho biết ưu tiên số một mà khách hàng của công ty cần hiện nay là đánh giá rủi ro của việc luân chuyển nhân viên vào nhập ngũ.
Cú sốc kinh tế có thể kéo dài hàng thập kỷ
WSJ chỉ ra rằng cũng như vấn đề Nga đang gặp thất bại trên chiến trường Ukraine, chi phí và sự phức tạp của việc tuyển quân nhân mới đã làm lung lay niềm tin của người Nga.
Ông Janis Kluge, một chuyên gia về vấn đề nước Nga tại Viện Quốc tế và An ninh Đức cho biết: “Việc huy động quân sự là thanh gươm của Damocles (sword of Damocles) đang treo trên đầu mọi người Nga. Vấn đề sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng chi tiêu của người Nga.”
Tâm trạng lo lắng đó đã làm dấy lên làn sóng những người đàn ông trong độ tuổi lao động di cư khỏi nước Nga – nơi vốn đã chứng kiến xu thế chảy máu chất xám đáng kể vào đầu năm nay.
Giáo sư Maxim Mironov về tài chính tại Trường Kinh doanh IE ở Madrid (Tây Ban Nha) cho biết: “Nhiều người đang tìm mọi cách có thể để rời khỏi nước Nga. Họ chủ yếu là những người lao động có trình độ chuyên môn cao. Do đó lệnh điều động [quân sự] không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh Nga kéo dài sang năm, mà còn có thể là hàng chục năm.”
Sau cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine bắt đầu ngày 24/2, vào cuối tháng Ba hãng tin AP đưa tin trích dẫn ước tính của Hiệp hội Liên lạc Điện tử Nga (Russian Association for Electronic Communications). Trong đó nói rằng trong 5 tuần đầu tiên sau khi bắt đầu cuộc chiến Nga – Ukraine, đã có tới 70.000 tài năng công nghệ bỏ trốn khỏi nước Nga.
Không ít người trong thành phần ưu tú này đã xin được thị thực của EU và đã chuyển đến các nước châu Âu như Ba Lan, Latvia và Lithuania. Một số đi đến các nước mà người Nga có thể được nhập cảnh miễn thị thực, chẳng hạn như Armenia, Georgia và các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.
Thêm “cú hích” làm tăng gánh nặng cho kinh tế Nga
Theo WSJ , các vấn đề kinh tế của Nga một phần là do hiệu ứng boomerang trong các chính sách của chính nước này. Hiệu ứng boomerang đề cập đến hậu quả thiệt hại do một cá nhân gây ra.
Giá năng lượng cao gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine ban đầu đã tạo ra doanh thu khổng lồ cho Nga. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong 7 tháng đầu năm nay, khoảng 45% tổng thu ngân sách của Liên bang Nga đến từ dầu khí.
Nhưng giá năng lượng quá cao đã cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dẫn đến nhu cầu dầu mỏ nhìn chung sụt giảm. Dầu thô Brent đã giảm gần 1/3 so với mức cao nhất trong tháng Sáu, xuống dưới 85 USD/thùng. Mức chiết khấu đối với dầu thô của Nga đã đạt khoảng 20 USD, Nga đang phải bán dầu với mức giá rẻ để cân bằng ngân sách.
Ngoài ra, đồng rúp mạnh sẽ làm giảm giá trị xuất khẩu dầu, làm phức tạp thêm các vấn đề đối với Điện Kremlin.
Trước khi có lệnh tổng động viên một phần, dữ liệu chính thức của Nga cho thấy chính phủ Nga đã rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách lớn trong tháng Tám: 8 tháng đầu năm nay thặng dư ngân sách của Nga đã giảm chỉ còn 137 tỷ rúp (2,3 tỷ USD), trong khi thặng dư ngân sách trong 7 tháng đầu năm còn ở mức khoảng 481 tỷ rúp.
Các nhà phân tích và các công ty theo dõi tuyến vận tải tàu cho biết xuất khẩu và giá dầu của Nga đều giảm trong những tuần gần đây. Thực trạng sụt giảm này có thể là do nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và các lệnh trừng phạt của EU đối với nhiên liệu Nga sắp có hiệu lực vào tháng 12 tới.
Nhà phân tích cấp cao Neil Crosby của công ty OilX cho biết, do lưu lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm nên xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm từ hơn 4,8 triệu thùng/ngày trong tháng Tám xuống 4,5 triệu thùng trong tháng Chín. Trước đó sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thì 3 nước trên đã mua rất nhiều dầu thô của Nga.
Capital Economics ước tính tổng doanh thu xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga từ khoảng 340 tỷ USD năm nay sẽ giảm một nửa xuống còn 170 tỷ USD vào năm 2023, mức giám này cao hơn 2 lần ngân sách quốc phòng của Nga vào năm ngoái.
Ngoài ra các nước phương Tây cũng chuẩn bị tăng cường thêm biện pháp trừng phạt sau hàng loạt biện pháp chưa từng có trước đó đã thúc đẩy đối với Moscow. Nhóm G7 đang thiết lập giới hạn giá dầu của Nga. Giáo sư Mironov nhận định: “Việc huy động (quân đội) là một đòn nghiêm trọng khác đối với nền kinh tế Nga, đặc biệt là do tình trạng bất ổn gia tăng. Trong khi nguồn thu từ dầu và khí đốt đang ngày càng sụt giảm mạnh”.
Trương Đình, Epoch Times
Ít nhất 200.000 người Nga đã rời đất nước sau lệnh động viên của ông Putin Ít nhất 200.000 người Nga đã nhanh chóng rời khỏi đất nước sau khi Tổng thống Putin phát lệnh động viên