Lệnh cấm xuất khẩu gali của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới Mỹ?

Chia sẻ Facebook
17/07/2023 17:36:26

Gali từ lâu đã là một nguyên liệu thiết yếu trong các hệ thống phòng thủ tiên tiến và chuỗi cung ứng quân sự Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 3/7 tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến gali và germani từ ngày 1/8 nhằm bảo vệ “an ninh và lợi ích quốc gia”.

Động thái này được coi là sự trả đũa đối với các lệnh trừng phạt do Mỹ hậu thuẫn đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Với biện pháp hạn chế này, các công ty sẽ cần có sự cho phép của Bắc Kinh để xuất khẩu các kim loại chiến lược. Nếu vi phạm, họ có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc cáo buộc hình sự.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây của Bắc Kinh có thể có tác động hạn chế đối với chuỗi cung ứng của Lầu Năm Góc vì các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ sẽ tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế.


Vật liệu thiết yếu

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là đối với gali, có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ vào thời điểm Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc bằng quân sự.

Gali được sử dụng rộng rãi trong các vi điện tử tiên tiến, từ chất bán dẫn đến đèn LED và từ lâu đã trở thành vật liệu thiết yếu trong các hệ thống phòng thủ tiên tiến cũng như chuỗi cung ứng quân sự của Mỹ. Kim loại này chủ yếu được sử dụng trong các radar năng lượng cao của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.

Các radar mới nhất dành cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cũng tích hợp Galli nitride (GaN), một hợp chất của Gali và là một trong những vật liệu cơ bản nhất để chế tạo các mô-đun thu phát trên radar. Ảnh: Global Times

Theo ông Eugene Gholz, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame ở Indiana, Mỹ cho biết, mục tiêu của Bắc Kinh là phá vỡ chuỗi cung ứng quốc phòng bằng cách chống lại việc kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn, đồng thời coi “nỗi sợ bị tổn thương” của Washington là một cơ hội để tăng đòn bẩy chống lại nước này.

Mỹ không có bất kỳ hoạt động sản xuất gali trong nước nào và chỉ dựa vào nhập khẩu, điều này khiến Washington cần phải đảm bảo gali trong chuỗi cung ứng quốc phòng của mình, Cơ quan khảo sát Địa chất Mỹ cho biết.

Sau tin tức về việc kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh, Lầu Năm Góc tuyên bố họ nắm giữ một kho dự trữ chiến lược germani nhưng không có kho dự trữ gali.

Khoảng 53% kim loại nhập khẩu ở Mỹ đến từ Trung Quốc trong giai đoạn 2018 – 2021. Trung Quốc chiếm tới hơn 95% sản lượng gali của thế giới vào năm 2020 và 2021. Điều này có nghĩa Mỹ và các nước phương Tây khó có thể tránh sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc mà không phải trả chi phí đáng kể.


Tác động hạn chế

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố các biện pháp hạn chế mới, Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch này, đồng thời cáo buộc Trung Quốc gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ song phương vốn đã có nhiều vấn đề kinh tế và an ninh.

“Những hành động này nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mỹ sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác để giải quyết vấn đề này và xây dựng khả năng phục hồi trong các chuỗi cung ứng quan trọng”, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố gửi qua email.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc mặc dù dự kiến gây ra sự thay đổi trong thương mại gali toàn cầu, nhưng ảnh hưởng của nó trong chuỗi cung ứng quốc phòng sẽ bị hạn chế khi Washington tìm thấy các nguồn thay thế, ông Gholz cho biết.

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu gali và germani, 2 kim loại chủ chốt để sản xuất chất bán dẫn, làm leo thang cuộc chiến thương mại công nghệ về quyền tiếp cận vi mạch với châu Âu và Mỹ. Ảnh: CNBC

Ông Bradley Martin, giám đốc Viện nghiên cứu chuỗi cung ứng an ninh quốc gia và nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, cũng đồng ý với quan điểm này.

“Các công ty, ngành công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp của Mỹ và các bên tham gia có thể sẽ nói rằng: “Chúng ta phải tìm một chất thay thế cho gali và chúng ta phải thiết lập nguồn cung ứng thích hợp của riêng mình”, ông Martin nhận định.

Ông Dak Hardwick, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế tại Hiệp hội Công nghiệp Hàng không vũ trụ Mỹ cho biết, các hạn chế xuất khẩu có thể sẽ có ít tác động trong ngắn hạn đối với các công ty quốc phòng, những công ty có xu hướng mua trước nguyên vật liệu cho các hệ thống quan trọng.


Ông Hardwick cho biết Lầu Năm Góc cuối cùng sẽ phải tìm các nguồn thay thế cho gali và germani, “cho dù đó là khai thác trực tiếp, sản xuất trực tiếp, tinh chế hoặc sản xuất trực tiếp hay từ chương trình tái chế từ thiết bị lỗi thời”, đồng thời nói thêm rằng các hạn chế có thể thúc đẩy các nhà lập pháp Mỹ tăng cường đầu tư vào các khoáng chất quan trọng .


Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Reuters, Global Times)

Chia sẻ Facebook