Lệnh cấm vận của EU đối với Nga có thể tạo ra trật tự thế giới mới về năng lượng - ai đang âm thầm hưởng lợi?

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 23:08:34

Giá dầu leo thang kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra và tiếp tục kéo dài đà tăng. Mới đây, EU đã quyết định “tẩy chay” dầu của Nga, nỗ lực này có thể sẽ gây tổn hại về kinh tế đối với Nga nhưng có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn nữa, gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu và góp phần làm giàu thêm cho các công ty năng lượng.


Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga có thể mang lại một cú hích mới cho nền kinh tế thế giới, vẽ lại dòng chảy dầu trên thế giới. Không chỉ vậy nó còn mang lại cho Trung Quốc và Ấn Độ những thương vụ béo bở và làm giàu cho các nhà sản xuất như Ả Rập Xê-út.

Châu Âu, Mỹ và phần còn lại của thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi giá dầu, thậm chí ảnh hưởng lớn vì giá dầu đã leo thang trong nhiều tháng trở lại đây. Giá dầu có thể còn tăng cao hơn nữa khi châu Âu sẽ chọn mua năng lượng từ các nhà cung cấp khác. Các công ty châu Âu sẽ phải lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm nguồn cung cho loại dầu mà họ có thể dễ dàng chế biến như dầu của Nga. Một số loại nhiên liệu như dầu diesel có thể sẽ bị thiếu hụt - loại nhiên liệu này vốn rất quan trọng với xe tải và các thiết bị nông nghiệp.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết, cuộc săn lùng nguồn cung dầu mới của châu Âu và sự tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới của Nga, sẽ không để bất kì quốc gia nào trên thế giới bị ảnh hưởng. Tuy nhiên việc xác định tác động đối với từng quốc gia hay doanh nghiệp là rất khó bởi các nhà lãnh đạo sẽ phản ứng theo những cách khác nhau.

Trật tự thế giới mới về năng lượng

Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ tránh được những gánh nặng của việc giá dầu tăng cao bởi Nga đang bán cho họ một mức giá ưu đãi chưa từng có. Trong vài tháng vừa qua, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Ấn Độ, bỏ xa các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới khác như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ấn Độ có một số nhà máy lọc dầu lớn có thể kiếm được nguồn lợi nhuận dồi dào bằng cách lọc dầu thô của Nga thành dầu diesel và các nhiên liệu khác có sức tiêu thụ cao trên khắp thế giới.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo phương Tây đang nung nấu mục đích làm suy yếu kinh tế của Nga bằng cách sẽ từ chối dầu từ Nga, khiến quốc gia này có thể bị thiệt hại hàng tỷ USD. Họ hy vọng các động thái này sẽ buộc các nhà sản xuất dầu của Nga phải đóng cửa các nhà máy của họ bởi tại Nga không có nhiều nơi để có thể chứa dầu, trong khi lại có nhiều người mua mới. Kế hoạch này được đánh giá rất nguy hiểm và có thể thất bại. Nếu giá dầu tiếp tục tăng, những gì Nga thu về từ dầu mỏ sẽ không bị giảm nhiều.

Các nhà sản xuất dầu khác như Ả Rập Xê-út và các công ty dầu phương Tây như Exxon Mobil, BP, Shell và Chevron có thể được hời vì giá dầu tăng cao. Nhưng mặt trái là người tiêu dùng trên toàn cầu cũng như các doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho nhiên liệu và hàng hóa được vận chuyển bằng xe tải hay xe lửa.

Ông Robert McNally, cố vấn năng lượng của cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết: "Đó là một bước ngoặt lớn mang tính lịch sử. "Điều này sẽ định hình lại không chỉ các mối quan hệ thương mại mà còn cả các mối quan hệ chính trị và địa chính trị".

Các quan chức EU vẫn chưa công bố chi tiết về những hành động của họ nhằm ngăn chặn xuất khẩu dầu của Nga nhưng cho biết các lệnh cấm đó sẽ có hiệu lực trong nhiều tháng. Điều này có ý nghĩa để cho châu Âu có thời gian chuẩn bị, nhưng song song với đó cũng sẽ tạo cho Nga thời gian để tìm ra các giải pháp thay thế. Rất khó để biết được bên nào sẽ thích nghi tốt hơn với thực tế mới này.

Theo chia sẻ trước đó từ giới chức châu Âu, EU sẽ cấm vận dầu thô của Nga và những nhiên liệu tinh chế như dầu diesel, vốn chiếm 2/3 sản lượng nhập khẩu từ Nga. Lệnh cấm này sẽ được gỡ bỏ dần trong 6 tháng tới đối với dầu thô và 8 tháng đối với dầu diesel và các loại nhiên liệu tinh chế khác. Bên cạnh đó, Đức và Ba Lan đã cam kết sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga bằng đường ống, đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ có thể giảm nhập khẩu dầu của Nga khoảng 3,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Các công ty châu Âu sẽ không còn được phép bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga ở bất cứ đâu, lệnh cấm này cũng sẽ được xóa bỏ dần trong vài tháng tới. Rất nhiều công ty bảo hiểm lớn nhất có trụ sở tại châu Âu nên động thái đó có thể làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển năng lượng của Nga, mặc dù các công ty bảo hiểm ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Nga có thể thực hiện một số hoạt động kinh doanh đó.

Trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, một nửa lượng sản lượng dầu xuất khẩu của Nga chảy đến châu Âu, chiếm 10 tỷ USD giao dịch mỗi tháng. Sản lượng này đã giảm phần nào trong vài tháng qua, khi Mỹ và Anh đều đã cấm vận dầu của Nga.

Điều gì sẽ xảy ra?

Một số nhà phân tích về năng lượng cho biết những nỗ lực mới của châu Âu có thể giúp họ gỡ rối khỏi nguồn năng lượng của Nga và hạn chế những đòn bẩy chính trị của ông Putin với các nước phương Tây.

Ông Meghan L. O’Sullivan, Giám đốc địa chính trị của dự án năng lượng tại Trường Harvard’s Kennedy cho biết: "Sẽ có rất nhiều tác động địa chính trị, lệnh cấm này sẽ thu hút Mỹ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế năng lượng trên toàn cầu, và sẽ củng cố mối quan hệ năng lượng giữa Nga và Trung Quốc".

Một niềm hy vọng khác của phương Tây là các động thái này sẽ làm giảm vị thế của Nga trong ngành năng lượng toàn cầu. Mặc dù đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường khác, nhìn chung xuất khẩu dầu của Nga cũng sẽ bị suy giảm. Do đó Nga sẽ phải đóng cửa các giếng khoan mà họ sẽ không dễ dàng khởi động lại ở các mỏ khắc nghiệt ở Bắc Cực.

Tuy nhiên lệnh cấm vận mới này là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các quốc gia có thể dễ dàng thay thế nguồn năng lượng của Nga. Còn với các quốc gia như Hungary, không dễ dàng gì để phá vỡ sự phụ thuộc của họ vào Nga hoặc họ cũng không muốn làm như vậy. Đó là lí do tại sao 800.000 thùng dầu mỗi ngày của Nga đến châu Âu bằng đường ống không bị cấm vận cho đến thời điểm hiện tại.

Châu Âu cũng quyết định bỏ dần các hạn chế đối với các hợp đồng bảo hiểm cho các chuyến tàu chở dầu của Nga vì tầm quan trọng của ngành vận tải biển đến Hy Lạp và Síp.

Một số chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng những thỏa hiệp như vậy có thể làm giảm hiệu quả những nỗ lực của châu Âu.

Ông David Goldwuyn, quan chức năng lượng hàng đầu của Bộ Ngoại giao đã bày tỏ: "Tại sao lại phải chờ đợi 6 tháng? Trong khi các biện pháp trừng phạt đã được xây dựng ngay bây giờ, những gì có thể thấy là dầu thô và sản phẩm khác của Nga sẽ chảy đến các thị trường khác, đó là bước đầu tiên cần thiết".

Bất chấp lệnh cấm vận dầu mỏ, châu Âu có thể vẫn sẽ phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga trong một thời gian, có thể là vài năm. Điều đó có thể duy trì một số đòn bẩy của ông Putin, đặc biệt nếu nhu cầu khí đốt tăng đột biến trong mùa đông lạnh giá. Các nhà lãnh đạo châu Âu có ít lựa chọn thay thế hơn cho khí đốt của Nga vì các nhà cung cấp nhiên liệu lớn khác như Mỹ, Úc hay Qatar không thể mở rộng xuất khẩu nhanh chóng.

Nga cũng có những quân bài khác của riêng mình và có thể làm giảm hiệu quả của lệnh cấm vận của châu Âu.

Trung Quốc là một thị trường đang phát triển của Nga, họ đã tăng những chuyến tàu chở dầu của Nga trong những tháng gần đây thông qua các đường ống hoạt động hết công suất. Ả Rập Xê-út và Iran có thể thua lỗ từ việc Nga tăng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, những người bán ở Trung Đông này sẽ buộc phải giảm giá để cạnh tranh với dầu thô của Nga đang được chiết khấu mạnh.

Tiến sĩ O’Sullivan cho biết mối quan hệ giữa Nga, Ả Rập Xê-út và các thành viên khác của liên minh OPEC+ có thể trở nên phức tạp hơn khi họ đang cạnh tranh để xây dựng và duy trì thị phần của họ ở Trung Quốc".

Ai đang hưởng lợi nhiều nhất?

Nhìn một cách tổng thể, ngay cả khi các mối quan hệ thương mại trong năng lượng đang bị xáo trộn, các nhà sản xuất dầu lớn như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều được hưởng lợi. Theo Tạp chí Kinh tế và Dầu khí Trung ương, doanh thu xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê Út đang tăng cao và có thể lập kỷ lục trong năm nay, đẩy thặng dư thương mại của vương quốc này lên hơn 250 tỷ USD.

Đối với Ấn Độ, nước này cũng được hưởng lợi nhờ các nhà máy lọc dầu lớn của họ có thể chế biến dầu thô của Nga, chế biến thành dầu diesel và có thể bán sang châu Âu, ngay cả khi nguyên liệu thô đến từ Nga.

Các nhà phân tích tại RBC Capital Markets cho biết trong một báo cáo gần đây rằng Ấn Độ đang trở thành trung tâm lọc dầu lớn cho châu Âu.

Tuy nhiên, việc mua dầu diesel từ Ấn Độ sẽ làm tăng chi phí ở châu Âu vì nhiên liệu vận chuyển từ Ấn Độ đắt hơn so với vận chuyển từ các nhà máy lọc dầu của Nga. Các nhà phân tích của RBC cho biết: "Hậu quả không lường trước là châu Âu đang nhập khẩu lạm phát vào chính công dân của mình".

Hiện nay Ấn Độ đang nhận khoảng 600.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga, tăng từ 90.000 thùng/ngày vào năm ngoái, khi Nga còn là nhà cung cấp tương đối nhỏ, tuy nhiên hiện nay đã trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai cho Ấn Độ sau Iraq.

Ấn Độ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục mua hàng từ Nga nếu các lệnh cấm vận của EU và làm các chuyến hàng của các công ty châu Âu tăng chi phí quá nhiều. Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của RBC, cho biết: "Ấn Độ là người chiến thắng, miễn là họ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp".


Theo NY Times

Chia sẻ Facebook