Lễ tiết khác biệt khi sinh con trai con gái của cổ nhân
Thời xưa, để nhận thức rõ sự khác biệt giữa nam và nữ, cổ nhân đã có những lễ tiết, tập tục khác biệt ngay khi con sinh ra đời. Thuận theo năm tháng trôi qua, những lễ tiết, tập tục đó đã trở thành nét văn hóa truyền thống quan trọng thể hiện ra đời sống tinh thần, tín ngưỡng của cổ nhân.
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)
Người xưa tin rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có tồn tại trong nó thuộc tính âm và dương. Cho nên con người và sự vật cần thuận theo thuộc tính của mình thì hoàn cảnh mới có thể cân bằng, hài hòa và yên ổn. Văn hóa truyền thống cho rằng một âm một dương chính là đạo. Bởi vì có trời đất cho nên có âm dương, có nam có nữ. Đây cũng là nền tảng để phân chia trật tự trong xã hội. Phẩm chất riêng cấu thành nên nam và nữ là khác nhau. Nam tử chú trọng đến khí dương cương, sự mạnh mẽ, cứng rắn, nam tính. Nữ tử chú trọng đến vẻ đẹp của sự âm nhu, hiền dịu, nữ tính. Trái là dương, phải là âm, bởi vậy mới có cách nói “nam tả nữ hữu”.
Trong “Lễ Ký” viết rằng: “Tử sinh. Nam tử thiết hồ vu môn tả, nữ tử thiết thuế vu môn hữu” , ý tứ chính là nếu trong nhà sinh được con trai thì ở bên trái cửa sẽ treo một cây cung, nếu trong nhà sinh được con gái thì ở bên phải cửa sẽ treo một chiếc khăn tay. Người ngoài chỉ cần nhìn vào cửa là có thể biết ngay nhà đó sinh con trai hay con gái. Đây là sự khác biệt trong lễ tiết giữa nam và nữ ngay khi con được sinh ra. Trong gia đình sinh được con trai, treo lên bên trái cửa một cây cung là ngụ ý cho sự mạnh mẽ, nam tính. Còn khi sinh được cô con gái thì treo bên phải cửa một chiếc khăn tay là tượng trưng cho vẻ đẹp âm nhu, mềm mại của phụ nữ.
Sách “Hậu Hán Thư” viết: “Sinh nữ như thử, do khủng kì hổ”, nghĩa là sinh được một cô con gái thì cha mẹ hy vọng con có thể ôn nhu khiêm thuận, còn nếu người con gái đó dữ tợn như hổ là điều cha mẹ e sợ. Trong đó cũng viết: “Sinh nam như lang, do khủng kì uông” , nghĩa là được người con trai thì hy vọng con lớn lên phải mạnh mẽ, chỉ e sợ con lớn lên yếu đuối, nhu nhược.
Thời cổ đại, những người có thân phận địa vị cao đều sẽ đeo một miếng ngọc trên thân mình. Cho nên, bắt đầu từ thời Tây Chu, nhà ai sinh được con trai thì đều sẽ cho đứa trẻ cầm ngọc, hy vọng đứa trẻ lớn lên sẽ có địa vị cao quý như vương hầu. Bởi vậy, cổ nhân có cách gọi “lộng chương chi hỉ” khi sinh con trai.
Còn khi sinh con gái, cổ nhân lại có cách nói “lộng ngõa chi hỉ”, “ngõa” ở đây là dụng cụ dệt vải thời xưa. Thời cổ đại, phụ nữ đều chăm chỉ dệt vải, đàn ông cày ruộng. Để cân nhắc một người phụ nữ có hiền đức hay không thì phải xem người phụ nữ đó có giỏi việc nhà hay không. Vì vậy, khi trong nhà sinh được con gái, người lớn cho trẻ chơi dụng cụ dệt vải là hy vọng con gái lớn lên sẽ trở thành cô gái hiền thục có phẩm đức, giỏi việc nhà, biết thêu thùa dệt vải.
“Lễ xuất ra từ tục, tục hóa thành lễ” , về việc sinh con trai con gái, trong dân gian còn có rất nhiều phong tục để phân biệt. Ở một số vùng, khi trong nhà sinh được con gái, người lớn sẽ trồng hai cây chương. Đến thời điểm con gái đi lấy chồng, người nhà sẽ chặt hai cây này xuống và làm thành hai chiếc hòm và cho của hồi môn là tơ lụa vào trong đó. Trong tiếng Hán, hai chữ tơ lụa phát âm gần giống với hai chữ “tư thủ” nghĩa là nương tựa vào nhau, nên người ta làm như vậy là để cầu mong cuộc hôn nhân của con gái được đầm ấm hạnh phúc.
Ngoài ra, có nơi hễ gia đình nào sinh được con gái thì người thân sẽ chọn ra vài vò rượu ngon nhất, dán kín miệng vò, đem chôn xuống đất. Đợi cho tới khi đứa con gái lớn lên rồi xuất giá thì họ mới lấy rượu làm quà đãi khách. Loại rượu này tên là “Nữ nhi hồng”. Ý nghĩa của việc làm này là thể hiện sự trân quý con như báu vật cất kỹ.
Hết thảy những lễ tiết, tập tục khác biệt giữa nam và nữ của cổ nhân, ngay từ khi sinh con cho đến lúc lập gia thất, đều là để nói lên rằng “nam nữ hữu biệt” và con người không nên làm rối loạn điều này. Ngày nay, phụ nữ không chỉ quán xuyến việc nhà mà còn đảm đương công việc ngoài xã hội. Tuy vậy, giữa vợ chồng có chủ phụ, có trong ngoài, có ân có tình, cùng hỗ trợ cho nhau thì mới có thể xây dựng được một gia đình hòa thuận đầm ấm lâu dài.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Vị thế của người vợ trong xã hội xưa không hề thấp kém
Mời xem video :