Lễ này, đi xem chiếc giày gốm Bát Tràng, nét cổ kim đồng quyện
Vẻ đẹp ấn tượng từ thời trang, từ biểu tượng văn hóa, đến cả yếu tố lịch sử, nghề thủ công, cùng kỹ thuật tinh anh, sáng tạo của người thợ gốm, tác thành bộ sưu tập những chiếc giày gốm Bát Tràng, quen nhưng rất lạ.
Trên bản đồ gốm Việt cổ, Bát Tràng là một địa chỉ đỏ, nổi danh với những sản phẩm gốm được dân gian truyền tụng qua nhiều thế hệ, tiêu biểu có các dòng gốm men rạn, gốm men lam, gốm men trắng ngà, gốm hoa lam… cùng những kỹ thuật tạo hình đa dạng, từ đồ thờ tự, gia dụng, đến cả gốm kiến trúc, trang trí.
Thế nên, để định hình một dòng gốm Bát Tràng mang đậm hơi thở thời đại, nhưng vẫn phảng phất trong đó những dấu ấn đặc trưng của kỹ nghệ gốm Bát Tràng, thực là mục đích kiếm tìm của nhiều người thợ gốm, nhưng trước cái bóng quá lớn của gốm cổ Bát Tràng, để gốm đương đại đạt mức độ thành công như tiền nhân xưa, khó không khác mò kim đáy bể.
12 tác phẩm cùng một tạo hình chiếc giày
Bộ sưu tập 12 chiếc giày gốm Bát Tràng, vừa được ra mắt công chúng tại Hà Nội là một trong những điểm sáng ấn tượng khi người tác tạo đã thành công trong việc nối kết, không chỉ những giá trị về kỹ thuật tạo hình, men thuốc, đặc trưng Bát Tràng, mà còn đẩy tác phẩm lên một giá trị to lớn hơn, đó là kết nối nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông qua nét - sắc gốm.
Bộ sưu tập 12 chiếc giày do cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng - người làng gốm Bát Tràng - thể hiện, với cảm hứng đến từ vẻ đẹp thời trang của xứ sở mang hình chiếc ủng. Thật khó để hình dung những chiếc giày gốm Bát Tràng của nghệ nhân Vũ Thắng lại tạo nên sự kết nối thú vị hình ảnh nơi kinh đô thời trang Ý, cho đến dáng hình chiếc ủng của đất nước xa xôi tận trời Âu.
Trong nghệ thuật chế tác gốm, xưa nay tồn tại nhiều khái niệm gốm gia dụng, thờ tự, trang trí, nghệ thuật đương đại có những sáng tạo với gốm pháp lam, gốm thêu, nhưng gốm thời trang vẫn còn là gì đó thật mơ hồ.
Chỉ với 12 tác phẩm cùng một tạo hình chiếc giày, nghệ nhân Vũ Thắng đã biểu đạt tính thời trang, với kiêu sa, quý phái, đài các, sang trọng, lịch lãm từ cảm hứng chuyến ngao du nơi xứ xở hình chiếc ủng, chuyển tải hết vào gốm.
Lại nói thêm, gốm Việt, xưa nay vẫn được nhắc đến những chi tiết, nổi bật là yếu tố giản mộc, dung dị, gần gũi, thế nên để gốm Việt "thoát" khỏi ranh giới ấy, hòa nhập ăn ý với phong cách thời trang xa xỉ của đất nước hàng đầu lĩnh vực này, không chỉ là thử thách, mà còn là chuyện gần như không tưởng.
Nhưng khi 12 chiếc giày gốm trình làng, dáng ống cao, gót nhọn đài các… kỹ thuật tạo hình cốt gốm (bốt cổ cao), thể hiện rõ tính thủ công, đặc biệt là sự khéo léo vận dụng các phương cách vuốt, đắp cho cốt thai, với tỉ lệ thực sự gây ấn tượng mạnh.
Sắc men của gốm
Lấy tạo hình nền tảng là chiếc giày ống cổ cao mang dấu ấn thời trang, phong cách Âu, người nghệ sĩ gốm đã gửi gắm lên cốt gốm ấy những chi tiết, khi là hoa văn, khi là phụ kiện, khi là sắc màu của men thuốc… với những đề tài trang trí, điểm xuyết, rất Á Đông, rất Việt.
Nhìn qua tổng thể bộ sưu tập 12 chiếc giày, ngoài kiểu dáng ấn tượng, sắc men của gốm cũng là chi tiết không thể bỏ qua, bởi nghệ nhân thể hiện, hẳn rất chủ ý khi phô diễn hàng loạt gam màu đâu đó thân quen trong dải màu gốm Việt cổ - kim, từ hoa nâu của phong cách gốm cổ Lý - Trần, cho đến hoa lam, xanh ve, nâu, cùng lối phối màu dựa theo hỏa biến có kiểm soát, tạo cho từng tác phẩm sở hữu vẻ đẹp vốn có được biểu lộ ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng đồng thời mang chiều sâu của không gian đến độ bí ẩn, dễ khiến cứ phải nấn ná, dò tìm, khám phá trong miên man sâu thẳm ấy lớp lớp hình họa, sắc màu, khi tả thực, khi trừu tượng qua những lớp - nét dưới men.
Nói về khả năng thể hiện, cố nghệ nhân Vũ Thắng được biết đến với những biệt tài xử lý men thuốc, cùng kỹ thuật khắc chìm tô men, kỹ thuật chồng men.
Ông cũng là một họa sĩ, thế nên trong các tác phẩm gốm ông thể hiện, không khó để nhận ra chất họa được ứng dụng rõ nét, không nổi trội, hào nhoáng bề ngoài, mà đằm thắm, dịu dàng đầy tinh tế.
Sự phối kết của kỹ thuật, của sắc màu, của cảm xúc, cùng đường nét khắc - họa đậm yếu tố thủ công, truyền thống, đã níu giữ hồn Việt, tinh thần Việt không bị đi quá xa, vượt khỏi ranh giới vốn có để nối kết, hòa nhịp hoàn hảo với chất phóng khoáng, bay bổng, kiêu sa từ hình ảnh đôi bốt trong nghệ thuật thời trang nơi xứ sở hình chiếc ủng.
Nếu như chất Âu thể hiện qua cảm quan từ thị giác, yếu tố Việt lại được biểu đạt qua từng chi tiết nhỏ. Người yêu gốm Việt cổ từ thời Lý - Trần, với niên đại cách đây cả ngàn năm tuổi, vẫn thấy ở đôi giày gốm Bát Tràng nét quen.
Đó là kỹ thuật khắc vạch, tô men của gốm cổ với nền trắng hoa nâu hay nền nâu hoa trắng, được nghệ nhân Vũ Thắng ứng biến nhịp nhàng vào tạo hình đôi giày.
Những đề tài trang trí từ long hí thủy, cá chép vượt vũ môn, hoa điểu, long giáng, lan thạch, bách hoa, thủy ba… rất dân gian, rất Việt cổ, đều được ứng dụng tài tình vào cốt gốm, khiến cho người xem dễ thấy ngay nét quen trong đề tài trang trí, nhưng lạ ở tạo hình.
Sự quen mà lạ ấy của bộ sưu tập giày gốm Bát Tràng, không chỉ tạo khác biệt khi đề cập đến gốm Bát Tràng, mà ở chiều sâu xa hơn, đó là sự hội tụ các yếu tố văn hóa, lịch sử, không gian, thời gian, hợp thành chỉnh thể.
Và rồi chuyển tải những khái niệm (gốm thời trang, gốm đương đại), chuyển tải nghề thủ công (chế tác gốm, khảm bạc, chạm đồng), chuyển tải chất liệu truyền thống Việt (đài sen, kén tằm, hạt sen, sơn mài)… đồng thời trở thành cầu nối văn hóa xuyên biên giới, chỉ qua những chiếc giày.
Sự đồng quyện kim - cổ, Á - Âu tài tình ấy, thực sự tạo cho bộ sưu tập những chiếc giày gốm Bát Tràng của nghệ nhân Vũ Thắng một chấm phá mới, đầy sáng tạo nhưng vẫn dựa trên nền tảng của văn hóa, nghề nghiệp, chất liệu, kỹ thuật… đậm nét dân gian, truyền thống.
Triển lãm "Chiếc giày gốm Bát tràng và Cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý" diễn ra tại Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 10-4 đến 3-5-2022.
Mâm cỗ tết của người Bát Tràng cũng giống như mâm cỗ tết ở nhiều nơi, có xôi, chè kho, bánh chưng. Thế nhưng chính các món tưởng chừng quen thuộc, khó phân biệt căn cước vùng miền đó vẫn đọng lại sự sành ăn hiếm có của dân Bát Tràng.