Lazada, Shopee, Tiki,… không phải nộp thuế thay người bán
Theo Nghị định 91, các sàn thương mại điện tử phải cung cấp cho cơ quan thuế thông tin người bán, doanh thu,... thay vì nộp thuế thay họ.
Theo Nghị định 91 vừa được ban hành, các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,… phải cung cấp cho cơ quan thuế thông tin người bán trên sàn, doanh thu, mã số thuế, v.v… và không cần phải nộp thuế thay những đơn vị kinh doanh này.
Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 91/2022, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 126 quy định Luật Quản lý thuế.
Theo quy định trên, chủ sở hữu sàn thương mai điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo,… sẽ không phải nộp thay thuế cho người bán hàng trên nền tảng.
Thay vào đó, chủ sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin người bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn với nội dung gồm: tên người bán; mã số thuế, mã số định danh cá nhân (hoặc chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu); địa chỉ, điện thoại; doanh thu qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Các thông tin trên cần được cung cấp định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu cơ quan này công bố.
Từ năm ngoái, Bộ Tài chính nêu phương án tất cả sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế, song nhận được nhiều ý kiến phản biện từ giới trong ngành.
Hiệp hội thương mại điện tử từng phản biện đề xuất này do lo ngại chủ sở hữu sàn thương mại điện tử không đủ năng lực để khai và nộp thuế thay cho người bán.
Ngoài ra, việc này cũng sẽ làm tăng chi phí cho các sàn khi phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Sau đó, tiếp thu một số ý kiến từ doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia các sàn thương mại điện tử thành hai loại, hoặc là sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến hoặc không.
Trong đó, những sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki… vẫn được bộ đề xuất phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn.
Sàn thương mại điện tử phát triển mạnh thời gian qua, với khoảng 100 sàn đang hoạt động, số cá nhân kinh doanh trên sàn lên tới hàng trăm nghìn người.
Tổng cục Thuế kiểm tra thực tế tại 3 sàn thương mại điện tử lớn cho thấy, năm 2020, Shopee có khoảng 210.000 cá nhân kinh doanh, Tiki có hơn 8.800 cá nhân kinh doanh, Voso có hơn 3.210 người…
Liên quan đến Shopee, việc kinh doanh của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này gặp phải nhiều khó khăn, thể hiện qua việc cắt giảm nhân sự hàng loạt ở nhiều nước.
Theo báo chí đưa tin, từ đầu năm đến nay, Shopee tiếp tục cắt giảm chi phí trên toàn cầu. Tại thị trường Đông Nam Á, công ty đã tăng các khoản phí liên quan đến giao dịch như hoa hồng, phí thanh toán, cước phí, và liên tiếp đóng cửa các trang web ở Pháp, Ấn Độ và Tây Ban Nha.
Có thông tin rằng Shopee sẽ tiếp tục thu hẹp tại Việt Nam, đóng cửa tại Chile, Colombia và Mexico, đồng thời rút hoàn toàn khỏi thị trường Argentina.
Ngoài ra, sau đợt sa thải lớn trước đây ở Trung Quốc, gần đây các nhân viên của Shopee tại Đài Loan cũng được thông báo về việc cắt giảm nhân viên.
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Từ Khâm Hoàng, chuyên gia tài chính và kinh tế, chỉ ra rằng việc miễn phí vận chuyển và trợ cấp vốn của Shopee, phản ánh lối tư duy về việc mở rộng thị trường vốn của Trung Quốc trong quá khứ.
Họ cho rằng mình có đủ vốn, vẫn có thể tiếp tục kinh doanh dù thua lỗ. Đợi đến khi hạ gục đối thủ cạnh tranh và độc chiếm thị trường, họ có thể từ từ xoay chuyển lợi nhuận của mình.
“Nhưng lối suy nghĩ này đã qua” , ông Từ Khâm Hoàng cho biết. Shopee dần rút khỏi thị trường đa quốc gia, vì nguồn vốn phía sau đã không thể bù lỗ.
Đức Minh
Vì sao Shopee rút khỏi thị trường nhiều nước? Sàn thương mại điện tử Shopee tiếp tục cắt giảm chi phí trên toàn cầu trong năm nay.