Lấy nông dân làm trung tâm để phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ

Chia sẻ Facebook
18/05/2022 23:46:36

Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đang phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân trong phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản.

Bộ sản phẩm vi sinh giúp người chăn nuôi giảm 20% chi phí và vẫn tăng lợi nhuận - Ảnh: CHÍ TUỆ


Ngày 18-5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ, sản phẩm tiêu biểu.


Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết trong giai đoạn 2019 - 2021, hoạt động khoa học và công nghệ của học viện đã đạt được thành tích đáng khích lệ, số lượng đề tài tăng. Số lượng các tiến bộ kỹ thuật/bằng sáng chế/giải pháp hữu ích tăng mạnh, đặc biệt là các công bố quốc tế (tăng 10%).


Trong đó có một số sản phẩm công nghệ và sản phẩm tiêu biểu của các nhà khoa học của học viện như sản phẩm khoa học công nghệ của Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) có tên VNUA - Biotic, VNUA - Mios V và VNUA - Aqua.


PGS.TS Nguyễn Thị Minh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - người chịu trách nhiệm triển khai đề tài nghiên cứu - cho biết tính năng vượt trội của bộ sản phẩm VNUA - Biotic, VNUA - Mios V và VNUA - Aqua là khi nông dân theo cả chu trình chăn nuôi sẽ giúp nâng cao hệ số tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi nên giảm được lượng thức ăn tiêu thụ mà vật nuôi vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, đồng thời giảm được phát thải.

"Qua thực tế triển khai cho thấy, việc sử dụng bộ chế phẩm vi sinh này giúp nông dân giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng, thay thế được hoàn toàn cho hóa chất và chất kháng sinh thường dùng. Tính trung bình chi phí đầu vào sẽ giảm được 200.000 - 300.000 đồng/con heo, 20.000 đồng/con gà.

Mặt khác còn giảm 95% mùi trong môi trường chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi, dễ có sự đồng thuận của người dân quanh khu vực chăn nuôi.

Không những thế, chất lượng thịt, trứng, sữa cũng tăng lên, đạt tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu do không có tồn dư kháng sinh phòng bệnh, đồng thời chất thải chăn nuôi được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng", bà Minh nói.

Theo bà Minh, hướng nghiên cứu của viện là lấy người nông dân làm trung tâm để phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất, để các sản phẩm khoa học công nghệ lan tỏa sâu rộng và hỗ trợ nông dân tiếp cận với các tiến bộ mới.

Ông Đặng Đức Đắc, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tùng Dương (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cho biết việc đưa các chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào chăn nuôi, điều dễ nhận thấy nhất là trại gà không còn mùi hôi, không khí rất sạch.

Không những thế, đàn gà luôn khỏe mạnh, chất lượng thịt, trứng thơm ngon vì hợp tác xã đã dùng chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất.

"Tính theo chi phí đầu vào, sử dụng các chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong chăn nuôi giúp chúng tôi giảm được 20% chi phí, trung bình lợi nhuận tăng khoảng 20.000 - 25.000 đồng/con gà, chưa kể còn tăng lợi nhuận từ thịt trứng có chất lượng tốt hơn", ông Đắc cho biết.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá bán heo, gà không tăng, thậm chí còn giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp không tăng giá thêm để chia sẻ cùng nông dân.

Chia sẻ Facebook