Lấy mẫu giám định ADN tại Tịnh thất Bồng Lai: Luật sư cho hay người lớn và trẻ em bị cưỡng chế
Ngày 24/9, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Long An công bố đã lấy xong mẫu xét nghiệm ADN của 23/28 người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Khi tiếp xúc được với luật sư, những người sống tại Tịnh thất Bồng Lai cho hay cuộc lấy mẫu niêm mạc miệng, tóc diễn ra bất ngờ và mang tính cưỡng chế.
Tối 24/9, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Long An cho biết cơ quan này đã có quyết định phục hồi giải quyết tin báo tố giác về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với ông Lê Tùng Vân và một số người sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (nơi được đặt tên là “Tịnh thất Bồng Lai”, sau đổi thành “Thiền Am bên bờ vũ trụ”).
Theo bản tin nói trên, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định trưng cầu giám định đối với 28 người tại Tịnh thất Bồng Lai, bao gồm cả trẻ em thời gian qua sinh sống tại đây.
Đến chiều cùng ngày, cơ quan này đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ADN đối với 23 người đang sống tại Tịnh thất Bồng Lai, trong đó có 10 trẻ em (lớn nhất là 8 tuổi, nhỏ nhất 14 tháng tuổi).
Đưa tin sớm hơn, báo Người Lao Động vào chiều tối 24/9 cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm ADN trẻ em và người lớn đang sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai diễn ra từ sáng 24/9, hoàn tất đối với 23 người vào chiều cùng ngày.
Giải thích về việc lấy mẫu xác định ADN nói trên, đại diện Cơ quan An ninh điều tra Công an Long An (không nêu danh tính) cho biết thời gian qua, có những tin báo, tố giác cho rằng những đứa trẻ ở “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là trẻ mồ côi mà có mối quan hệ huyết thống với những người lớn đang sinh sống cùng tại đây. Tin tố giác cho rằng nhóm người này đã giả mạo nuôi trẻ mồ côi để lừa gạt, nhận tài trợ, chiếm đoạt tài sản, báo Người Lao Động dẫn tin.
Tới sáng 25/9, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Long An vẫn chưa công bố thông tin về sự việc trên.
Trong ngày 24/9, tài khoản Facebook của các luật sư hỗ trợ pháp lý cho nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai đã phản ánh thông tin về cuộc lấy mẫu ADN tại nơi này.
Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay sáng 24/9, các luật sư nhận được tin khoảng 50 công an bất ngờ có mặt tại Tịnh thất Bồng Lai, nên đã bỏ ngang cuộc họp để tới hỗ trợ pháp lý cho nhóm người dân sống tại đây.
Sau 2 lần bị chốt do công an lập trên đường đi cản trở, các luật sư tiếp tục gặp khó khăn do cổng của Tịnh thất Bồng Lai bị công an đóng lại. Các luật sư phải đập cổng nhiều lần, yêu cầu mở để vào tiếp xúc thân chủ.
“Họ không gởi cho chúng tôi bất kỳ quyết định hoặc văn bản gì khác liên quan đến buổi làm việc sáng nay”, “3, 4 người ôm, bẻ tay, bóp họng buộc chúng tôi phải há miệng để lấy mẫu niêm mạc miệng. Bứt tóc chúng tôi” – luật sư Mạnh tường thuật lời của người của Tịnh thất Bồng Lai khi gặp được luật sư. Và việc này diễn ra đối với cả người lớn và trẻ em đang sống tại đây.
Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Bất nhất thông tin “tạm đình chỉ – tái điều tra ‘loạn luân, ‘;lừa đảo”
Từ khía cạnh pháp lý, các luật sư đặt nhiều câu hỏi về cơ sở pháp lý đối với sự việc diễn ra tại Tịnh thất Bồng Lai vào sáng 24/9, bao gồm việc Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An tự ý vào tư gia người dân mà không thông báo trước, không chuyển giao cho họ văn bản tố tụng liên quan; việc Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An “cưỡng chế bẻ trái tay, bóp họng để lấy mẫu niêm mạc miệng, bứt tóc người dân và trẻ em, trái với ý muốn của họ”; việc Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An chốt cổng ngăn không cho luật sự tiếp xúc với thân chủ của mình.
“Không có vụ án đã khởi tố, thì không thể có cơ sở pháp lý cho các hành vi xông vào tư gia, bẻ tay, bóp họng, bứt tóc người dân và chốt cổng ngăn cản luật sư tiếp xúc với thân chủ của mình…” – luật sư Mạnh nêu quan điểm.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Nếu làm không đúng thủ tục tố tụng thì kết quả đó liệu có được công nhận? Làm như vậy là vi phạm về thủ tục tố tụng, vi phạm quyền con người, đặc biệt với trẻ nhỏ, phụ nữ”.
Trước sự việc vừa xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai vào sáng 24/9, thông qua Facebook cá nhân, GS Nguyễn Văn Tuấn (Giáo sư Y khoa thuộc Đại học New South Wales, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Úc) nghi ngờ rằng việc lấy mẫu tóc và niêm mạc là nhằm mục đích chiết xuất DNA và làm xét nghiệm quan hệ huyết thống.
“Có rất nhiều câu hỏi về mục đích này. Họ có được sự đồng thuận của nạn nhân? Chắc chắn không, và vậy là vi phạm đạo đức khoa học rất nghiêm trọng.
Họ lấy bao nhiêu cọng tóc? Ai làm xét nghiệm, và phòng xét nghiệm có đạt chuẩn khoa học? Họ xét nghiệm bao nhiêu markers hay SNPs? Con số SNP xét nghiệm và số cọng tóc có ảnh hưởng đến độ chính xác. Ai giám sát họ làm đúng? Ai diễn giải kết quả xét nghiệm vốn là một vấn đề xác suất?
Và, nhiều câu hỏi khác nữa. Dù gì thì kết quả vẫn không thể sử dụng trước tòa (not admissible evidence).” – ông Tuấn viết.
Ngoài những dấu hỏi về mục đích, kỹ thuật xét nghiệm, vị chuyên gia y khoa nhấn mạnh “việc xem thường quy chuẩn đạo đức” trong trong sự việc trên “ là điều đáng quan tâm” .
Các luật sư cho hay sẽ sớm có các văn bản báo cáo các cơ quan trung ương về diễn biến “bất chấp pháp luật” đã xảy ra vào sáng 24/9, đồng thời sẽ có văn bản khiếu nại về những hành vi “đã không tuân thủ, không đảm bảo các quy định của pháp luật” đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tối ngày 21/7, sau hai ngày xét xử, TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù, ông Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù; ông Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù; bà Cao Thị Cúc 3 năm tù. Cả 6 người bị khép vào tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại Khoản 2, Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngày 28/7, ông Vân đã nộp đơn kháng cáo bản án 5 năm tù. Tính tới ngày 21/8, toàn bộ 5 người còn lại cũng nộp đơn kháng cáo. Các đơn được gửi đến TAND Long An. Ngoài 6 người đã bị đưa ra xét xử, tuyên án nói trên, còn bà Lê Thu Vân (SN 1957) bị Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An khởi tố bị can vào ngày 10/5/2022 cùng theo tội danh trên. Tới đêm ngày 27/7, bà Lê Thu Vân – người được cho là đang bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An truy nã đã liên hệ luật sư nhờ hướng dẫn và đưa ra công an trình diện. Tại thời điểm trên, bà Vân đang điều trị bệnh ung thư trực tràng, giai đoạn di căn. Bà Vân sau đó được chấp nhận tại ngoại theo đơn đề nghị của luật sư. Tại Tịnh thất Bồng Lai, bà Vân cùng các thành viên đảm nhận việc chăm sóc, dạy học cho những trẻ em sống tại đây, nấu ăn. |
Nguyễn Xuân
'Loạn' tội danh trong vụ Tịnh thất Bồng Lai
Mặc dù đang trong quá trình điều tra, vụ Tịnh thất Bồng Lai bị báo chí nhà nước công bố trong tình trạng "loạn" tội danh, "định" tội sớm.