Lấy lại niềm tin
Trong khi chờ những thay đổi hợp lý hơn thì kỳ thi tốt nghiệp năm nay vẫn phải hướng đến sự trung thực, khách quan...
"Đã hơn 20 năm cô tiễn học trò ra trường, nhưng chưa lứa học trò nào để lại trong cô nhiều xúc cảm như các em. Ba năm học thì đến hai năm học online, vừa học vừa phòng chống dịch, chúng ta như những chiến binh dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn để làm nên chiến thắng". Dòng thư của cô hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội dành cho học trò của mình trước kỳ thi quan trọng đong đầy cảm xúc.
Những học sinh bước vào trường thi hôm nay đã trải qua ba năm cuối cấp thật đặc biệt. Từ buổi đầu học online đầy lo lắng đến chỗ thích nghi, học qua mạng cũng tiếp thu kiến thức khá tốt, là hành trình không ít khó khăn. Vượt qua những thử thách "chưa từng có", có lẽ điều các em nhận về không chỉ là kiến thức mà còn là những trải nghiệm để biết trân trọng giá trị cuộc sống hơn, suy nghĩ trưởng thành hơn.
Ngay trước ngày thi, hình ảnh các thầy cô băng rừng, vượt núi, mất cả nửa ngày di chuyển đến điểm thi xa hàng trăm cây số đã khiến bao người cảm động. Có những thầy cô ê ẩm sau chuyến đi nhớ đời trên con đường mới rải toàn đá đến vùng biên giới Ea Súp vẫn nở nụ cười tươi rói tâm sự không quản ngại gì, chỉ mong muốn kỳ thi "đánh giá khách quan, công bằng năng lực của học sinh sau 12 năm đèn sách".
Cũng những ngày này, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng các thứ trưởng lại dẫn đầu các "cánh quân" đi kiểm tra thi cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều đoàn kiểm tra cũng đã được lập ra để đến các địa phương từ trước, trong kỳ thi tốt nghiệp. Tất cả để hướng tới kỳ thi nghiêm túc, lấy lại niềm tin sau những tai tiếng - mà mới nhất là sai sót về đề thi sinh vừa được phơi bày.
Bộ và ngành giáo dục rất nỗ lực cho một kỳ thi chất lượng và công bằng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần thay đổi.
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục còn ngổn ngang nhiều việc phải làm, từ đổi mới giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa đến giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo… Mấy năm vừa qua, chiến lược dài hơi cho giáo dục ra sao, nâng chất đào tạo nhân lực thế nào, liệu bộ đã có câu trả lời hay còn mải chạy theo lo cho kỳ thi lớn? Dồn hết sức vào một kỳ thi hết cấp nhưng năm nào cũng thấp thỏm lo lắng, từ học sinh, phụ huynh cho đến chính Bộ GD-ĐT và các địa phương.
Sang chấn từ vụ gian lận tiêu cực hàng loạt tỉnh miền núi phía Bắc chưa kịp lắng thì ngay kỳ thi 2021 có môn thi lộ sai sót, có dấu hiệu đề thi không được bảo mật, có những thầy cô đã vướng vòng lao lý. Kỳ thi tốt nghiệp với nhiệm vụ chính là đánh dấu kết thúc bậc học phổ thông nên trả về địa phương. Chưa kể, kết quả kỳ thi suốt nhiều năm còn dùng dằng để trường đại học kết hợp tuyển sinh, nay nhiều trường cũng tính lối đi khác vì đề không còn tính phân hóa cao, không phù hợp dùng cho xét tuyển…
Trong khi chờ những thay đổi hợp lý hơn thì kỳ thi tốt nghiệp năm nay vẫn phải hướng đến sự trung thực, khách quan. Nếu không bịt lỗ hổng, không nâng cao trách nhiệm, lại để xảy ra gian lận, chúng ta sẽ có lỗi với lứa thí sinh vừa ngấm trải trọn hai năm học online cũng như những thầy cô băng rừng vượt núi đến trường thi chỉ để lo cho sự nghiêm túc, công bằng. Mong rằng nỗ lực của ngành giáo dục cũng như kỳ vọng của cả xã hội sẽ được đền đáp xứng đáng, để "học thật, thi thật, nhân tài thật" không chỉ là khẩu hiệu xa vời.
Chiều nay 6-7, tại 2.243 điểm thi trên cả nước, hơn 1 triệu thí sinh đã tập trung để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi.