Lawrence Wong - cựu thư ký và người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long
Ông Lawrence Wong, người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, được đánh giá có năng lực và dễ gần. Có lần trước Quốc hội Singapore, ông nghẹn ngào rơi nước mắt khi bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên chống dịch.
Theo tạp chí Nikkei , ông Lawrence Wong từng là một công chức bình thường ít được biết đến, sau đó trở thành chính trị gia. Nhưng giờ đây, người đàn ông có cha là quản lý bán hàng và mẹ là giáo viên này nhiều khả năng trở thành thủ tướng thứ tư của Singapore.
Cuộc tìm kiếm người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long dường như đã kết thúc vào tối 14-4, khi ông Lý công bố ông Wong sẽ lãnh đạo nhóm "thế hệ thứ tư" hay "4G" của Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền Singapore. Đến ngày 16-4, ông Lý cho biết ông Wong sẽ kế nhiệm ông, trở thành lãnh đạo mới của đảo quốc sư tử.
Điều này đánh dấu vị bộ trưởng tài chính 49 tuổi trở thành người kế nhiệm rõ ràng của ông Lý. Các chuyên gia cho rằng sự thể hiện của ông Wong trong vai trò đồng chủ nhiệm lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19 của Singapore thời gian qua, cùng với hình ảnh dễ gần của ông khiến ông trở nên khác biệt so với các ứng cử viên khác khi PAP tìm cách thu hút nhóm cử tri trẻ hơn.
"Tôi biết ơn sự tin tưởng và tín nhiệm của các đồng nghiệp, những người đã chọn tôi lãnh đạo họ" - ông Wong viết trên tài khoản Facebook của ông trong tuần này.
Không giống Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long - con trai của cố thủ tướng Lý Quang Diệu (thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore), ông Wong không xuất thân từ gia tộc chính trị. Ông Wong từng nói với báo Straits Times (Singapore) rằng gia đình ông chỉ là một gia đình bình thường.
Ông Wong sẽ là thủ tướng thứ hai có xuất thân như vậy sau thủ tướng Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống), người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu, trở thành thủ tướng thứ hai của Singapore từ năm 1990 - 2004.
Ông Wong đã đi du học tại Mỹ nhờ học bổng chính phủ, và bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò công chức vào năm 1997. Sau đó ông trở thành lãnh đạo Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA), và cũng là thư ký riêng của ông Lý Hiển Long.
Năm 2011, ông Wong được bầu vào Quốc hội Singapore lần đầu tiên và hai tuần sau đó được trao chức vụ chính trị đầu tiên - Quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng. Ông đã tái đắc cử đại biểu quốc hội trong cả hai cuộc bầu cử năm 2015 và 2020, đồng thời dần thăng tiến và được giao một số vị trí bộ trưởng (trong Bộ Văn hóa, cộng đồng và thanh niên; Bộ Phát triển quốc gia; Bộ Giáo dục; và gần nhất là Bộ Tài chính).
Tuy nhiên, ông Wong đã trở nên nổi bật hơn nhiều vào năm 2020, sau khi ông được bổ nhiệm làm đồng chủ nhiệm lực lượng đặc nhiệm (gồm nhiều bộ) của Chính phủ Singapore nhằm ứng phó COVID-19. Các cuộc họp báo trên truyền hình đã giúp ông xuất hiện trước công chúng nhiều hơn.
Ông cũng được biết đến là người có nhiều cảm xúc. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Singapore vào tháng 3-2020, ông đã nghẹn ngào rơi nước mắt khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những nhân viên tuyến đầu trong đại dịch COVID-19.
Bà Meredith Weiss, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New York, nhận định ông Wong đã xây dựng một hình ảnh "không chỉ có năng lực mà còn dễ gần và có tình có lý".
"Và tôi nghĩ rằng vai trò của ông Wong trong lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19, cùng với các vị trí ông từng đảm nhiệm ở mảng giáo dục, tài chính và các vai trò khác trong quá khứ, đã có lợi cho ông ấy" - bà Meredith Weiss nói thêm.
Tuy nhiên, giáo sư Weiss nhận định, sắp tới việc thuyết phục người dân Singapore tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo của PAP sẽ không dễ dàng, khi các cử tri mong muốn điều mới mẻ.
Phó giáo sư Michael Barr tại Đại học Flinders của Úc cho rằng ông Wong sẽ khó thoát khỏi chiếc bóng quá lớn của ông Lý Hiển Long trong một thời gian dài.
"Tôi kỳ vọng ông Wong có đủ năng lực, ít nhất là trong việc điều hành. Ông ấy thậm chí có thể giỏi chính trị. Chúng ta cứ chờ xem. Nhưng tôi cho rằng sẽ không có bất kỳ sáng kiến táo bạo mới nào" - ông Michael Barr nói.
Ông Lý Hiển Long đã giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Singapore hơn 17 năm qua. Và PAP - đã nắm quyền tại Singapore kể từ khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965 - đang tìm kiếm một người có khả năng lèo lái chính phủ trong bối cảnh các điều kiện chính trị trong và ngoài nước đang thay đổi.
Việc Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo ông Wong sẽ kế nhiệm ông diễn ra trong bối cảnh Singapore sắp tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng vào cuối năm nay và xa hơn nữa. PAP dự kiến tổ chức cuộc bỏ phiếu nội bộ để bầu ra các thành viên của cơ quan ra quyết định trung ương PAP và đây có thể là giây phút để đưa ông Wong lên vị trí cao hơn trong PAP.
Ngày 16-4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xác nhận Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong sẽ kế nhiệm ông để trở thành lãnh đạo Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền, tương lai có thể là lãnh đạo của Singapore.