Lẩu cù lao - món đặc sản trong các tiệc cưới của người miền Tây giúp một quán ăn tại Sài Gòn hút hàng trăm lượt khách tìm tới mỗi ngày!
Tiệm lẩu Cù Lao đang thu hút đông khách với menu phục vụ cực kỳ đặc biệt - các món người dân miền Tây thường đãi trong đám cưới xưa.
Đám cưới là một trong những dịp mà đặc trưng ẩm thực của từng vùng miền được thể hiện rõ ràng nhất. Ở miền Tây, người ta thường nghe nói đến các món ăn có phần ưa ngọt, nhưng không thể không công nhận các món ở vùng sông nước Nam Bộ này đều đậm đà, đặc sắc. Đặc biệt, ở miền Tây các món chúng ta thường biết như chả giò, gỏi cuốn,... đều được biến hoá theo một công thức rất riêng, từ khâu thay đổi nguyên liệu đến cách chế biến, nêm nếm.
Nằm ngay đầu con đường Nguyễn Xí giao với Phạm Văn Đồng, Quận Bình Thạnh - Tiệm Lẩu Cù Lao hiện đang được rất nhiều dân "sành ăn" ghé đến vì điểm đặc biệt từ mô hình phục vụ các món trong đám hỏi, đám cưới miền Tây ngày xưa đến hương vị thơm ngon, đậm đà của ẩm thực vùng sông nước.
“ĂN ĐÁM CƯỚI” MIỀN TÂY ĐÚNG NGHĨA
NGAY TẠI SÀI GÒN
Một người yêu thích nấu ăn khá buồn tay buồn chân khi phải ngồi văn phòng, Diễm My - chủ tiệm lẩu này đã có một quyết định khá liều lĩnh khi nghỉ công việc đã duy trì ổn định 4-5 năm nay để chuyển hướng sang kinh doanh ẩm thực.
"Ban đầu mình vì thích ăn lẩu mắm nên mới bày ra bán lẩu mắm, sau này kết hợp thêm món lẩu thứ hai là lẩu cù lao - chính vì không chỉ mình mà có rất nhiều người miền Tây thèm ăn lẩu cù lao nhưng đợi đến dịp đám cưới thì không biết chừng nào. Lẩu Thái sinh sau đẻ muộn chỉ để mọi người đến có món quen thuộc để gọi, ai ngờ lại được chuộng nhất ở tiệm."
Các món ăn của quán hầu hết đều được chuẩn bị sẵn, được bọc lại cẩn thận và chỉ cần khách ngồi vào bàn là có người bưng ra phục vụ giống hệt cách người miền Tây đi ăn cưới.
Vì muốn giữ những gì đặc trưng nhất của một nồi lẩu miền Tây đúng nghĩa, chủ quán chọn dùng nồi cù lao nấu lẩu thay các bếp ga hay bếp cồn chúng ta vẫn thường thấy bây giờ. Dẫu tốn nhiều chi phí hơn cũng như công đoạn làm đỏ than, bày biện đồ ăn, phục vụ có mất thêm thời gian, Diễm My vẫn giữ quan điểm của mình.
Nồi cù lao đặc trưng dùng để nấu các món lẩu thời xưa
Sau khi đã châm nước lèo và đốt than, nhân viên sẽ bưng cả một cái lẩu cù lao ra phục vụ cho khách.
"Khách hàng khi đến chờ ăn lẩu sẽ thường hay hỏi có món gì ăn trước để dậy vị trong miệng không, mình mới nghĩ ra các món phụ được dọn trong đám cưới miền Tây trước khi lên lẩu chính là gì và nấu cho mọi người ăn trước".
Món bì cuốn vừa mềm mềm của bánh tráng, vừa giòn của rau củ, vừa dai của bì, thính chấm cùng nước mắm cay ngọt cực bắt vị
Món gỏi ngó sen tôm thịt thấm đẫm gia vị thường thấy trong dãy đầu của thực đơn đám cưới
Đã có rất nhiều Food Reviewer, Tiktoker đến ăn và đăng tải trải nghiệm "đi ăn đám cưới" tại quán. Phần lớn ngoài nổi lẩu độc lạ mọi người còn ấn tượng bởi món chả giò. Đúng chất miền Tây, trong chả giò đám xưa sẽ có khoai môn, khác hoàn toàn với chả giò ở miền Bắc hay miền Trung.
Nhân vật chính của quán là ba món lẩu: lẩu cù lao, lẩu mắm, lẩu Thái. Đựng trong chiếc nồi tròn đứng cao có quai, ở giữa là một ống nhôm rỗng nhô lên chứa than, sức nóng từ trung tâm này sẽ làm phần nước dùng, thịt, tôm, cá... đang bao quanh sôi ùng ục. Dùng chiếc mui khuấy đều, phần đồ ăn đầy ắp trong nồi phải được ăn vơi đi mới có chỗ để bỏ thêm rau.
Sài Gòn đang độ mùa mưa, tan làm ngồi trước chiếc nồi nghi ngút khói, húp miếng lẩu ấm bụng kèm miếng lòng heo chấm mắm ớt cay thì sướng phải biết.
MỖI NGÀY "GIA CHỦ" NÀY PHẢI ĐÃI HƠN NGHÌN NGƯỜI ĐẾN "ĂN ĐÁM CƯỚI"
Chỉ riêng món lẩu, Tiệm Lẩu Cù Lao phục vụ tới 600 nồi lẩu với số lượng hàng ngàn khách mỗi đêm, cứ thỉnh thoảng lại phải ngưng nhận khách giữa chừng vì mặt bằng trước và trong quán có đến 200 chỗ ngồi vẫn không đủ. "Vào khung giờ cao điểm, quán mình buộc phải miễn cưỡng báo khách một lát quay lại sau hoặc thông cảm xếp hàng chờ".
Lòng heo được quán sơ chế rất sạch sẽ và cũng là một trong những "topping" không thể thiếu trong món lẩu cù lao tại đây.
Diễm My rất muốn mở rộng thêm thực đơn, bổ sung các món khác trong đám cưới miền Tây để đồng hương ghé đến đỡ nhớ đồ ăn quê. Thêm nữa My muốn để mọi người có cơ hội biết được ẩm thực của vùng sông nước, nhưng vì các món được chế biến khá kì công nên vẫn chưa thể triển khai.
"Riêng lẩu cù lao đã phải chuẩn bị gần 20 nguyên liệu trong nồi. Bì cuốn thì phải có tôm, thịt heo khìa, thính, đậu phộng, bì heo, bắp cải, rau thơm, cà rốt xắt nhỏ... Phải sơ chế riêng từng thứ một, trộn đều và cuốn chắc tay từng cái, sau đó cắt thành từng khúc vừa đũa. Để chuẩn bị 3 món ăn kèm và 3 món lẩu phục vụ khách, đứng bếp phải cả hai mươi người chuẩn bị từ 7 giờ sáng, miệt mài đến 2 giờ trưa."
Tiệm Lẩu Cù Lao không phải là nơi duy nhất bán các món ăn miền Tây ở Sài Gòn nhưng lượng khách ghé đến khủng như vậy, chấp nhận xếp hàng chờ để được thưởng thức là có lý do.
Ai mà có ngờ bên trong nồi lẩu này có đến hơn 20 loại nguyên liệu khác nhau để làm nên.
Lúc này quán mới mở cửa nhưng lượt khách đến quán đã tương tối. Vào khoảng sau 6h chiều thì quán lúc nào cũng gần như là "full bàn".
"Chắc bởi vì toàn bộ người đứng bếp là người trong gia đình mình, và là người miền Tây, nên ngoài cái tâm cho từng thứ mình nấu còn là kinh nghiệm nấu món "ruột" thường ngày ở quê. Về nguyên liệu, mắm mình sẽ nhập trực tiếp từ quê lên, gia vị sẽ dùng từ thiên nhiên như ở nhà ông bà hay nấu chứ không mua phụ gia hay loại nào khác".
"Mình luôn lắng nghe góp ý của khách tới dùng. Trong quá trình nấu, mình cải biến từ từ để hợp với khẩu vị chung của số đông, từ đó mới ra công thức chuẩn. Mình chưa bao giờ có ý nghĩ khi hết nguyên liệu hay nước dùng đã ninh hầm sẵn cho buổi bán ngày hôm đó thì sẽ nấu qua loa thêm để tham nhận khách nữa."
Mọi người đều hoàn toàn hài lòng khi được thưởng thức hoàn toàn từ món đầu đến món cuối của một đám cưới miền Tây với mức giá bình dân đến không thể ngờ. Mỗi nồi lẩu đầy ắp đồ ăn không đủ chỗ chứa dĩa rau hay dĩa tôm mực đi kèm chỉ có giá 159 nghìn, các món phụ từ 39 nghìn. Nếu đến đây ăn theo nhóm 4 người, mỗi người chưa trả đến 100 nghìn cho một bữa no căng ngon miệng.
Nhiều người con miền Tây khi được ăn món quê nhà ngay tại đất khách, đều chia sẻ cảm giác gần gũi, nguyên vẹn hệt như đang ăn ở quê. Dân nơi khác thì bị chinh phục bởi đồ ăn miền Tây ngay từ lần đầu thưởng thức. Phải nói Tiệm Lẩu Cù Lao khá thành công khi đem được hương vị miền Tây thổi đến giữa lòng Sài Gòn - nơi hội tụ đa dạng ẩm thực.
Theo Bích Loan
Trí Thức Trẻ