Lật tẩy thủ đoạn báo “lệnh bắt giữ”, ép dân chuyển hàng trăm triệu
Đối tượng đã giả mạo cơ quan chức năng, thông báo về một lệnh bắt khiến cho người dân sợ hãi phải chuyển tiền.
Thủ đoạn cũ, nhiều người vẫn mắc bẫy
Ngày 27/12, Thượng tá Đào Văn Khôi, Phó trưởng Công an huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cho biết, công an vừa kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo với số tiền lớn.
Theo đó, sáng 26/12, bà L.T.H (SN 1957), công dân xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0795.320.983 với nội dung thông báo bà H. đã có lệnh bắt của cơ quan điều tra Tp. Hà Nội vì liên quan đến tội phạm rửa tiền.
Sau đó, đối tượng yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ số tiền từ 3 sổ tiết kiệm có trị giá 571 triệu đồng qua ngân hàng để phục vụ mục đích phong tỏa tài khoản ngân hàng. Nghĩ mình là người phạm tội, nên bà H. đã đi đến ngân hàng để chuẩn bị chuyển tiền cho các đối tượng.
Rất may, trong quá trình mang 3 sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút tiền, bà H. chợt nhớ ra đã được lực lượng Công an xã Nghĩa Phúc tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao nên đã tỉnh táo đi vào trụ sở để trình báo.
Tại trụ sở Công an xã Nghĩa Phúc, cán bộ công an xã đã trực tiếp dùng máy điện thoại của bà H. (khi các đối tượng đang liên lạc) để tiếp tục cuộc trò chuyện. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã nhanh chóng làm rõ các đối tượng lừa đảo.
Lúc này bà H. mới “hoàn hồn”. Bà H. cho biết đây là số tiền của các con đi làm ăn xa gửi về để tôi làm sổ tiết kiệm. “Tôi xin cảm ơn Công an xã Nghĩa Phúc đã tư vấn và giúp đỡ tôi không bị kẻ gian lừa mất số tiền 571 triệu đồng”, bà H. nói.
Theo Phó trưởng Công an huyện Tân Kỳ, qua nắm tình hình cơ sở, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Loại tội phạm này có nhiều chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh , trật tự địa phương.
Trước thực tế trên, đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Tân Kỳ đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn đến tận các khu dân cư, nhà người dân để tuyên truyền, phát hơn 240.000 cảnh báo 16 thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.
Công an huyện Tân Kỳ cũng đã tổ chức buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về an ninh mạng tại trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Tân Kỳ. Tại đây, học sinh và giáo viên được phát tờ rơi và cảnh báo các thủ đoạn của tội phạm qua không gian mạng, từ đó có thêm kiến thức để phòng tránh cũng như phổ biến cho người thân cảnh giác tránh “tiền mất tật mang”.
Cảnh bảo một số phương thức, lừa đảo
Theo thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An , thời gian gần đây nổi lên một số thủ đoạn của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng Internet, mạng viễn thông cần thông báo, khuyến cáo, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân cảnh giác.
Thứ nhất là thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, nhất là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án...
Chúng liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân, sau đó, sử dụng các thông tin đó làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an để đe dọa nạn nhân (thường thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền), yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.
Thứ hai là thủ đoạn tuyển “Cộng tác viên online” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã sử dụng “mồi nhử” hấp dẫn như: Mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng (những kẻ lừa đảo gọi là làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối với sản phẩm), việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản Ngân hàng do đối tượng cung cấp…
Từ thực tế những mánh khóe lừa đảo ngày càng tinh vi trong khi nạn nhân vẫn là những người nhẹ dạ cả tin. Vì vậy, người dân cần nêu cao cảnh giác, trước các cuộc gọi từ số máy lạ cần bình tĩnh để kiểm chứng, tránh việc bị mất tiền oan.