Lật tẩy chiêu trò của 'kẻ mạo danh' ngân hàng Celsius

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 10:18:42

Celsius đã hút hàng triệu người bằng mức lãi suất 18% và giờ đang sắp phá sản.


Celsius Network trở thành một đơn vị cho vay tiền số với lời quảng bá rằng đây là nơi ít rủi ro hơn so với một ngân hàng nhưng lại mang về mức lợi nhuận tốt hơn cho khách hàng.

Tuy nhiên, tài liệu của các nhà đầu tư cho thấy rằng đơn vị này thậm chí còn rủi ro hơn cả một ngân hàng truyền thống.

Celsius phát hành những khoản vay rất lớn với khoản thế chấp rất nhỏ. Tài liệu cho thấy rằng Celsius có sự hỗ trợ rất nhỏ trong trường hợp suy thoái, khiến các khoản đầu tư ở đây sẽ rất khó thoát ra khi khách hàng thi nhau rút tiền. Celsius hiện không phản hồi bình luận về vấn đề này.

Celsius có tổng tài sản đạt 19 tỷ USD và nguồn vốn đạt 1 tỷ USD tính tới cuối mùa hè năm ngoái trước khi tiến hành vòng huy động vốn mới. Tỷ lệ tài sản trên vốn chủ sở hữu trung bình của tất cả các Ngân hàng bắc Mỹ trong chỉ số S&P 1500 Composite là 9:1, tức là chỉ bằng khoảng 1 nửa của Celsius.

Với các ngân hàng, tỷ lệ này là một điểm rất quan trọng: Các nhà đầu tư có thể nhìn vào đó và đánh giá rủi ro. Với những công ty hoạt động không được điều tiết như Celsius, "tỷ lệ 19:1 đặc biệt cao khiến một vài tài sản là các khoản đầu tư vào lĩnh vực tiền số vô cùng biến động", theo Eric Budish – một chuyên gia kinh tế tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Chicago. Những ngân hàng lớn thường có tỷ lệ gần với của Celsius nhưng họ có nhiều tài sản hơn và có thể được tiếp cận những khoản vay từ ngân hàng trung ương khi cần tiền mặt.

"Đó là một cấu trúc cực kỳ rủi ro", theo Budish. Ông liên hệ trường hợp này có gì đó giống với khủng hoảng tài chính năm 2008. "Thời đó liên quan tới nhà đất còn bây giờ hoàn toàn liên quan tới tiền số".

Công ty 5 năm tuổi này hiện là công ty tiền số nổi bật nhất đang chiến đấu để giành sự sống khi lĩnh vực này cực kỳ khó khăn giữa bối cảnh giá tiền số giảm mạnh. Tuần trước, Celsius đã nhờ đến tư vấn để xin lời khuyên về tiềm năng nộp đơn phá sản. Việc này tới sau khi ngày 12/6 công ty đã đóng băng mọi hoạt động rút tiền, với lý do là "điều kiện thị trường rất khó khăn".

Tuần này, tòa án đã ra lệnh giải thể quỹ đầu cơ Three Arrows Capital. Công ty môi giới tiền số Voyager Digital nói rằng Three Arrows đã vỡ nợ khi không thể trả lại các khoản vay với sự đặt cược lớn vào tiền số. Khoản vay này gồm 15.250 Bitcoin và 350 triệu USD USD Coin, trị giá khoảng 656 triệu USD dựa trên giá Bitcoin hiện tại. Quỹ này đã lỗ nặng sau sự sụp đổ của TerraUSD.

Tương lai của Celsius rất được quan tâm và nó gắn liền với thị trường. Với sự sụt giảm giá, các nhà đầu tư tiền số đang được yêu cầu đặt thêm thế chấp cho các khoản vay để ngăn thanh lý.

Được thành lập vào năm 2017 bởi CEO Alex Mashinsky, Celsius đã nổi lên trong bối cảnh bùng nổ tiền số để trở thành đơn vị cho vay tiền số lớn nhất với hơn 12 tỷ USD tiền gửi. Những khách hàng được thu hút bởi tỷ lệ lãi cao, trong khi đó các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng rót tiền không tiếc tay cho họ.

Không giống các ngân hàng, "chúng tôi có ít rủi ro hơn", Mashinsky nói trên kênh Youtube vào hồi tháng 8 năm ngoái. Mashinsky nói vào tháng trước rằng "bình thường khi khủng hoảng, mọi người chạy vào ngân hàng và rút tiền bởi họ sợ ngân hàng sẽ thất bại. Celsius chứng minh điều đó khác trong tiền số khi hoạt động của họ thậm chí còn tăng hơn".

Với tốc độ tăng trưởng mạnh, công ty đã huy động được 750 triệu USD vào mùa thu năm ngoái trong vòng gọi vốn dẫn đầu là nhà đầu tư WestCap và quỹ hưu trí Canada. Lượng vốn mới này định giá công ty ở mức 3 tỷ USD.

Điểm chính trong bài thuyết trình gọi vốn của Celsius là lợi nhuận tăng trưởng nhanh nhất của họ. Celsius đưa ra dự đoán cho các nhà đầu tư rằng lượng tiền gửi sẽ đạt 108 tỷ USD trong năm 2023 và doanh thu đạt 6,6 tỷ USD. Lợi nhuận cũng có thể đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2023, gấp 6 lần lợi nhuận dự kiến 2021.

Celsius cũng đi vay tiền từ những tổ chức khác gồm Tether International – công ty phát hành một stablecoin. Mùa hè năm ngoái, Celsius có khoản vay 1,1 tỷ USD từ Tether – công ty cũng là nhà đầu tư vào Celsius với 7,8% cổ phần tính tới mùa xuân năm ngoái.

Một người phát ngôn của Tether nói rằng không có mối liên hệ nào giữa khoản đầu tư của công ty vào Celsius và sự dự trữ cũng như ổn định của Tether. Bà nói thêm rằng họ không có bất kỳ khoản lỗ nào liên quan tới Tether mà không nói khi nào và tại sao họ lại rút lui khỏi khoản đầu tư.

Sự thu hút của Celsius với khách hàng gắn liền với mức lãi suất trên trời. Các khách hàng gửi tiền số tại Celsius sẽ được hưởng mức lãi 18,6% với các đồng tiền số và 7,1% với stablecoin. Mức này cao hơn rất nhiều mức 0,1% được cung cấp bởi nhiều tài khoản tiết kiệm ngân hàng.


Celsius phát hành những khoản vay rất lớn với khoản thế chấp rất nhỏ.


Giống như một ngân hàng, Celsius có thể trả lãi cho các khách hàng phần lớn bằng việc kiếm tiền thông qua việc cho đơn vị khác vay ở mức lãi cao hơn.

Một trong những hoạt động đó là cho những công ty tài chính tiền số khác vay gồm Galaxy Digital và công ty Genesis. Celsius dự kiến vào tháng 5/2021 rằng mảng cho vay doanh nghiệp có thể mang về doanh thu 290 triệu USD trong năm đó, chiếm hơn ¼ tổng doanh thu.

Trong khi các ngân hàng lớn thông thường được yêu cầu phải để một lượng tài sản của họ trong danh mục như tiền và trái phiếu có thể thanh khoản nhanh chóng. Celsius có tỷ lệ lớn tài sản của họ gắn với các khoản đầu tư vào sản phẩm tài chính vốn rất khó hoặc không thể rút ra nhanh chóng.

Nhiều khoản đầu tư này đã hoàn thành thông qua một kỹ thuật gọi là "staking" tiền số - hành động giữ và khóa một lượng coin nhất định để nhận được phần thưởng từ chúng. Lượng coin này có thể được khóa trong ví hoặc các nút của một dự án Blockchain trong một khoảng thời gian.

Một trong những khoản đầu tư như vậy của Celsius là Kynthetix – mang về cho Celsius 23% lợi nhuận hàng năm, mặc dù Celsius phải gửi tiền trong khoản đầu tư này khoảng 1 năm. Celsius sở hữu 90 triệu USD token của Synthetix tính tới tháng 5.

Một khoản đầu tư lớn khác của họ liên quan tới ether. Celsisus gần đây đã đặt 470 triệu USD vào ether – một sản phẩm đầu tư của Lido Finance khiến Celsisus không thể nhanh chóng thoái lui.

Những khoản đầu tư khác của Celsisus gồm chi nhánh đào Bitcoin. Tuy nhiên, giá Bitcoin giảm đã ăn mòn lợi nhuận các thợ đào trong những tháng gần đây.

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.


Nguồn: WSJ


Vân Đàm

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook