Lập lại an ninh trật tự sau vụ hủy hoại tài sản của công ty cà phê
Không chỉ nhận ra sai lầm, người dân tại hai buôn Lang và Ea Mấp đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả và thống nhất với phương án sản xuất của doanh nghiệp.
Khởi tố, bắt 21 bị can hủy hoại tài sản của doanh nghiệp
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, giải quyết vụ việc một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở hai buôn Lang và Ea Mấp (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) tham gia hủy hoại tài sản của Công ty Cổ phần cà phê Ea Pốk. Đến nay, tình hình an ninh trật tự ở 2 buôn trên đã trở lại ổn định, yên bình.
Trước đó, vào sáng 28/5/2022, vụ việc phức tạp đã xảy ra ở buôn Lang (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar). Thời điểm này, một số đối tượng đã kích động, lôi kéo gần 300 người dân hai buôn Lang và Ea Mấp tập trung ở nhà cộng đồng rồi cùng nhau đi đập phá hàng rào, nhà ở công nhân và chặt cây cà phê ở vùng V40 của Công ty Cổ phần cà phê Ea Pốk.
Không chỉ hủy hoại tài sản, nhóm các đối tượng cầm đầu còn tổ chức xây 6 ngôi mộ giả để thực hiện âm mưu lu loa lên rằng khu vực này là đất của họ vì có mộ tổ tiên họ đã được chôn cất ở vùng đất V40 từ nhiều đời nay.
Vụ hủy hoại tài sản trên đã gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng của Công ty Cổ phần cà phê Ea Pốk. Thượng tá Lê Hồng Nhật, Phó Trưởng Công an huyện Cư M’gar cho hay, người dân đã nghe theo lời xúi giục của 6 đối tượng cầm đầu, tập trung đông người tại nhà văn hóa của buôn Lang, đánh kẻng, chuẩn bị băng rôn, kéo nhau dùng tay chân, gậy gộc, cưa lốc để đập phá, làm hư hỏng 2.700 m hàng rào của Công ty Cổ phần cà phê Ea Pốk ở trên vùng đất V40. Bên cạnh đó, làm hư hỏng một nhà ở của công nhân, một chòi gác, tổng thiệt hại là trên 406 triệu đồng.
Ngay sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra làm rõ vụ án. Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 2 vụ án, đồng thời khởi tố, bắt tạm giam 21 bị can, gọi hỏi làm việc với 31 người liên quan ở hai buôn Lang và Ea Mấp.
Người dân nhận ra sai lầm, tự nguyện khắc phục hậu quả
Cùng với việc nỗ lực điều tra, thời gian qua, lực lượng Công an huyện Cư M'gar đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể thị trấn Ea Pốk và Chi bộ, Ban tự quản hai buôn Lang và Ea Mấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân. Qua đó, góp phần giúp cho người dân trong 2 buôn hiểu được dự án trồng sầu riêng của Công ty Cổ phần cà phê Ea Pốk ở vùng đất V40 là hợp pháp, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, cảnh giác, không bị kẻ xấu kích động, xuyên tạc, lôi kéo đi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Đến nay, người dân hai buôn Lang và Ea Mấp đã không còn tụ tập, khiếu kiện đông người. Đồng thời, cùng nhau tổ chức phá dỡ 6 ngôi mộ giả để trả lại đất cho công ty. Không chỉ vậy, những người tham gia đập phá, hủy hoại tài sản trong vụ việc trước đó cũng đang tự nguyện quyên góp tiền để bồi thường, khắc phục hậu quả cho Công ty Cổ phần cà phê Ea Pốk.
Thượng tá Lê Hồng Nhật, Phó Trưởng Công an huyện Cư Mgar thông tin thêm, sau khi được cơ quan công an giáo dục, vận động, thuyết phục, chỉ rõ cho các bị can và thân nhân cùng một số người dân tham gia đập phá thì các bị can đã có sự chuyển biến về nhận thức. Những người vi phạm đã nhận thấy các hành vi vi phạm pháp luật của mình, đã có sự ăn năn, hối cải, tự nguyện đóng góp, bồi thường thiệt hại và làm việc với công ty đề nghị xây dựng lại hàng rào. Bên cạnh đó, tự tháo dỡ 6 ngôi mộ giả trên vùng đất V40 để trả lại đất cho công ty. Hiện, 46/46 hộ dân đã ký kết với công ty để chuyển đổi cây trồng, phối hợp với công ty trong phương án sản xuất kinh doanh.
Ông Huỳnh Trọng Phước, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Ea Pốk cho hay: “Nhờ sự nỗ lực tuyên truyền, vận động, giải thích của cơ quan Công an huyện, các lực lượng chức năng cùng các tổ chức đoàn thể, đến nay, bà con đã thấy được lỗi lầm của mình, làm đơn xin khắc phục hậu quả và tự nguyện dựng lại hàng rào. Bên cạnh đó, 45 hộ xây dựng mộ giả đã tự nguyện đập, tháo dỡ. Đến nay, cơ bản bà con đã quay trở lại, tiếp tục ký hợp đồng tiếp tục sản xuất, chăm sóc trên diện tích của vùng đất này. Ngoài ra, 46 hộ nhận khoán đã ký văn bản cam kết đồng thuận với chủ trương khi công ty chuyển đổi cây trồng”.
Khánh Ngọc