Lập kế hoạch kinh doanh năm 2023: Doanh nghiệp gặp nhiều bài toán khó

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 11:35:37

Đơn hàng giảm, việc làm không đủ cho lao động, nếu doanh nghiệp không khéo thu xếp, đảm bảo chi trả thu nhập sẽ mất lao động, khi thị trường phục hồi trở lại sẽ thiếu nguồn lực cho sản xuất.

Với đặc thù sử dụng nhiều lao động, hai ngành dệt may và da giày sợ nhất phải cắt giảm lao động, bởi khi sản xuất phục hồi sẽ không kiếm đâu ra người. Nhưng do lâm vào thế khó, với các doanh nghiệp quy mô lớn mà đơn hàng giảm sâu cũng khó điều phối lao động, đành chọn phương án cho nghỉ việc.

Ảnh minh họa


DOANH NGHIỆP THIẾU ĐƠN HÀNG

Là doanh nghiệp dệt may có uy tín trên thị trường xuất khẩu, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc, Tổng Công ty May 10 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lượng đơn hàng đạt kết quả tích cực cả về xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nửa cuối năm, lạm phát tăng một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm.

Nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho mặt hàng may mặc giảm. Theo một khảo sát, có tới 40% người dân Mỹ cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng quần áo.

"Từ tháng 7,8 thông tin về thị trường xuất khẩu "lạnh" đột ngột khiến đơn hàng giảm sút. Thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng hết quý 4 và sẽ kéo dài sang quý 1, quý 2 năm 2023. ông Việt lo ngại.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp thành viên đang đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%, các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý 1/2023 cũng ít đi.

"EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam đang có xu hướng giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023", bà Xuân chia sẻ.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10/2022, do S&P Global công bố cho thấy thực trạng không mấy sáng sủa về ngành sản xuất, xuất khẩu. Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới thấp nhất trong hơn một năm.

Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

"Mặc dù điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh tăng trưởng đơn hàng mới yếu hơn. Dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu về tình trạng suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam, khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều kém nhất trong 13 tháng" báo cáo nêu rõ.


HÀNG TRĂM NGHÌN LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG

Theo báo cáo của Ban Quan hệ lao động (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng).

Trong đó có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%); 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tình trạng nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, một phần trong lĩnh vực dệt may, da giày bị giảm đơn đặt hàng nên phải sa thải lao động là việc làm bất khả kháng.

"Sau thời gian mới hồi phục lại nền kinh tế, người lao động bắt đầu trở lại làm việc, doanh nghiệp đã kỳ vọng người lao động tăng ca để tạo ra sản phẩm, chất lượng tốt hơn để bù đắp lại thời kỳ khó khăn trước đây. Tuy nhiên, tình hình biến động đơn hàng đang xảy ra khá lớn, một lực lượng lao động đang chịu ảnh hưởng từ chính sự sụt giảm các đơn hàng này." ông Trần Thanh Hải lý giải.


NHỮNG KỊCH BẢN ỨNG PHÓ?

Ông Thân Đức Việt cho biết, theo quy luật, tháng 11 hàng năm, doanh nghiệp thường xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho những năm tiếp theo với 3 kịch bản. Tuy vậy, việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 là bài toán khó.

"Năm nay chúng tôi phải xây dựng 9 kịch bản với những biến động thị trường, biến động lao động, biến động tỷ giá, biến động lãi suất….để rơi vào trường hợp nào thì có giải pháp ứng phó ngay lập tức. Trong tất cả các kịch bản, quan trọng nhất vẫn làm tốt duy trì việc cho người lao động để đảm bảo an sinh cho người lao động, từ đó giữ được nguồn lao động", ông Việt nêu.

Về chiến lược kinh doanh, theo ông Việt, bên cạnh thị trường truyền thống, doanh nghiệp sẽ tập trung vào thị trường mới và thị trường nội địa giảm bớt áp lực cho xuất khẩu.

"Chúng tôi tập trung vào các dòng hàng ít cạnh tranh như thời trang cao cấp hơn, có số lượng đơn hàng nhỏ hơn, yêu cầu giao hàng nhanh hơn. Cùng với đó, chúng cũng tập vào công tác tổ chức sản xuất, tìm mọi cách nâng cao năng suất, quản lý chặt định mức kinh tế kĩ thuật để giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm" Ông Việt nêu rõ.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, với đặc thù sử dụng nhiều lao động, da giày sợ nhất phải cắt giảm lao động, bởi khi sản xuất phục hồi sẽ không kiếm đâu ra người. Nhưng do lâm vào thế khó, với các doanh nghiệp quy mô lớn mà đơn hàng giảm sâu cũng khó điều phối lao động, đành chọn phương án cho nghỉ việc. Doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn thì cố giữ chân lao động.

"Thị trường trầm lắng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để có thể chủ động tổ chức sản xuất ngay khi có các tín hiệu khởi sắc", bà Phan Thị Thanh chia sẻ.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Lao động Việt Nam VCCI cho biết, trước mắt, bên cạnh điều tiết lại lực lượng lao động, doanh nghiệp cùng cũng cần tích cực tìm kiếm thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, làm đẹp mẫu mã để có khả năng chinh phục được các thị trường khó tính hơn.

Hiện, các cơ quan quản lý cũng đã và đang tích cực tìm kiếm và tích lan tỏa các hình ảnh, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt với khách hàng thế giới.

"Chúng tôi cùng Bộ Công Thương phát động chương trình hàng Việt Nam chinh phục khách hàng Việt Nam và khách hàng thế giới sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tôi tin rằng những khó khăn chỉ là tạm thời, trong thời gian tới sẽ được xử lý bài bản và hiệu quả" ông Phòng nhìn nhận.

Chia sẻ Facebook