Lắp điều hoà cho tằm nhả tơ, mang lại năng suất cao

Chia sẻ Facebook
22/04/2023 21:02:51

Do thời tiết Nghệ An khắc nghiệt nên người dân đã lắp điều hoà trong phòng nuôi tằm. Việc chuyển phương thức nuôi này, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Theo người dân làng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có từ lâu đời. Những năm 1990, nghề nuôi dâu tằm phát triển mạnh mẽ với khoảng 150ha trồng dâu. Tuy nhiên, sau này, diện tích trồng dâu nuôi tằm ngày càng thu hẹp bởi đầu ra gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm tằm và kén không ổn định, bị các thương lái ép giá. Vì vậy, hầu hết người dân không còn mặn mà với nghề trồng dâu nuôi tằm, làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Năm 2020, nằm trong quy hoạch vùng, UBND huyện Nam Đàn có đề án khôi phục làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Khánh Sơn. HTX dâu tằm Đồng Tiến ra đời từ đó. Tháng 8/2020, HTX được giao đất để trồng dâu nuôi tằm, khôi phục làng nghề.  Ngày xưa dâu được người dân ươm bằng thân cây, tuy nhiên, giờ đây, cây dâu được ươm từ hạt và một lần trồng có thể cho thu hoạch liên tục từ 15-20 năm.

Anh Đinh Văn Thắng, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp dâu tằm Đồng Tiến cho biết, HTX được giao đất khoảng 20ha. Giống dâu HTX sử dụng được lấy từ Viện tơ tằm Trung ương, sau 2 năm thử nghiêm giống cây dâu phát triển tốt. Giống dâu mới cho lá nhiều, xanh, to gấp 4 lần giống dâu truyền thống, là nguồn thức ăn tốt cho tằm. Con giống cũng được nhập từ nước ngoài về.

Ông Đinh Văn Đường, SN 1966 là người có kinh nghiệm lâu năm trong nuôi tằm nên được phân công chăm sóc tằm "em bé" . Theo ông Đường, tằm là loài giống khó nuôi, chúng chỉ ăn loại lá khô ráo, không ăn lá dâu dính nước mưa, sương... Nếu ăn những lá này sẽ khiến tằm đau bụng.

Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm là 25 - 30 độ C, độ ẩm 85. Nếu nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng của tằm, dễ phát sinh bệnh, năng suất kén giảm. Đối với tằm "trẻ em", ngoài việc lắp điều hoà còn phải có thêm một máy tạo hơi ẩm ở trong phòng. Trong phòng còn có một chiếc máy đo nhiệt độ và độ ẩm. Mặc dù, chi phí trong việc nuôi tằm có đội lên nhưng lại mang lại năng suất cao.

Việc nuôi tằm "em bé" cũng rất kỳ công, bởi người nuôi phải thái nhỏ lá dâu và đòi hỏi phải có kỷ thuật cao.

Nếu việc nuôi tằm đạt đúng quy trình giúp tằm khỏe mạnh không bị bệnh và sinh trưởng tốt. Đặc biệt là loại dâu không sử dụng được các loại thuốc sinh học bởi loài tằm rất "nhạy cảm".

Nhiệt độ điều hoà ở phòng nuôi tằm lớn phải đạt được 27 độ C. Đây là nhiệt độ thích hợp để tằm phát triển tốt. Theo anh Thắng, thời tiết ở Nghệ An khắc nghiệt, nắng mưa thất thường nếu áp dụng kỹ thuật nuôi truyền thống thì tằm dễ mắc bệnh.

Chị Hà Thị Tình, SN 1970, người có kinh nghiệm nuôi tằm 20 năm cho biết: "Cha ông ta thường có câu "nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng" để nói lên sự vất vả của nghề nuôi tằm. Tuy nhiên, khi hiểu được đặc tính loài tằm này thì chỉ cần cho ăn đúng quy trình thì rất dễ chăm và đạt hiệu quả cao. Giờ nuôi tằm theo công nghệ mới nên người nuôi tằm cũng đỡ vất vả hơn nhiều".


Việc lắp điều hòa không chỉ giúp tằm sinh trưởng tốt, năng suất cao  mà còn nâng cao chất lượng kén, tằm nhả được nhiều tơ hơn.

Anh Thắng cho biết, sau khi tằm chín, nhả hết tơ, làm kén thì tiến hành gỡ kén, ươm tơ và nhập hàng cho các nhà máy ở Lâm Đồng.


"Các thành viên Hợp tác xã đều được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn, khử trùng theo mô hình khéo kín để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã xuất bán 6-7 tạ kén cho các nhà máy. Thu nhập từ trồng dâu cao gấp 2-3 lần trồng lúa, ngô. Hiện tại, hợp tác xã có 5 lao động chính  thức mỗi tháng thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng và khoảng 20 lao động thời vụ. Hiện tại, HTX đang thuyết phục người dân sản xuất để cung ứng cho HTX", anh Thắng cho biết.

Đặc biệt, ngoài kén tằm là sản phẩm chính, nghề nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như: nhộng tằm, phân tằm. Nhộng sẽ đươc cung ứng thực phẩm cho các chợ đầu mối và nhà hàng trên địa bàn. Nhộng tằm là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao.


Việc nuôi tằm lấy kén với mô hình khép kín, tập trung ở HTX dâu tằm Đồng Tiến bước đầu đã thành công và đang hứa hẹn mở ra triển vọng mới trong việc tạo công ăn việc làm lao động địa phương có công việc ổn định, tạo thêm những sản phẩm mới,… Tiềm năng đất đai ở khu vực ven sông Lam còn dồi dào, có thể chuyển đổi cây trồng khác sang trồng dâu để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chia sẻ Facebook