Lao vào “bắt đỉnh” giá đất, nhà đầu tư “chết” vì cơn sốt
Nguồn cung trên thị trường khan hiếm nhưng lượng cầu lại tăng đột biến. Trong đó, đông đảo nhà đầu tư mới, bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất kinh doanh để đi kinh doanh đất. Tuy nhiên, lao vào cuộc chơi không ai ai cũng nguyên vẹn bước ra.
Thấy nhiều người giàu nhanh từ bất động sản, từ giữa năm 2020, anh Thái Tài (Hà Nội) và 2 người bạn tạo ra một quỹ đầu tư bất động sản. Sau khi tìm hiểu, nhóm anh Sơn đã quyết mua một lô đất nền tại một dự án khu nhà ở tại TP. Hải Dương với giá gần 2 tỷ đồng.
"Thời điểm đó, dự án chưa xong hạ tầng, việc mua bán bằng hợp đồng góp vốn. Môi giới tư vấn cho chúng tôi là số lô đất suất ngoại giao rất ít và giá thời điểm này cũng rẻ. Khi đủ điều kiện chuyển nhượng, chắc chắn giá sẽ lên cao", anh Tài nhận định sau khi mua.
Anh Tài và cả nhóm đã đóng tới 95% giá trị của lô đất nền. Nhưng tới tháng 6/2021, dự án cũng không hoàn thiện được pháp lý và thị trường cũng không sôi động gì thêm. Do số tiền góp quỹ đa phần là vay ngân hàng và phải trả lãi hàng tháng, cả nhóm quyết "đẩy hàng", nhưng "trầy trật" suốt 5 tháng mới bán được do liên tục bùng phát các đợt dịch Covid-19.
"Sau gần 1 năm, tôi bán lô đất cao hơn lúc mua là 50 triệu đồng. Số tiền này so với tiền lãi ngân hàng phải trả thì âm khoảng 50 triệu đồng chưa kể công sức bỏ ra", anh Sơn nói.
Cũng theo anh Tài, sau khi thu hồi quỹ, anh lại về Thanh Hóa, Nam Định để đầu tư vào phân khúc đất nền nhưng không thành công. "Mình tới khi thị trường đang lúc sôi động thì thường không mua được giá rẻ nữa. Đi xem nhiều cũng mệt mỏi, cuối cùng cũng ngậm ngùi giải tán quỹ để trả ngân hàng, bỏ ý nghĩ đầu tư", anh Tài nói.
Tương tự, 2 năm gần đây, trào lưu bỏ phố về quê hoặc bỏ phố về rừng khiến đất nông thôn vùng ven, đất rừng cũng tăng giá nhanh. Tuy nhiên, có lẽ mọi chuyện không đơn giản và "dễ ăn" như vậy.
Đang mắc kẹt tại mảnh đất rừng hơn 2 ha tại Minh Phú (huyện Sóc Sơn), chị Kim Anh (Hà Nội) cho biết, giữa năm 2019 chị cùng vài người bạn tới khu vực này mua đất để làm homestay. Nhân viên môi giới nói loại đất rừng không sổ đỏ với giá bán từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2 đang được nhiều người ưa chuộng và săn tìm nhất.
Đất rừng cũng là loại đất được người dân rao bán công khai, bởi nhà đầu tư mua về và vẫn có trách nhiệm trông coi rừng, không xây dựng công trình to lớn, kiên cố. Đặc biệt, rất nhiều người làm homestay và không bị phạt.
"Đúng là thấy giá rất rẻ và những lời môi giới nói có lý nên tôi mua mảnh rừng chưa đầy 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi mua bán xong xuôi, lúc bắt tay chuẩn bị làm homestay, tôi và bạn bè tá hỏa khi xin phép cải tạo con đường đất bằng phẳng, cùng xây dựng một căn nhà 100 m2 trên mảnh rừng là rất khó, cộng với cả tốn kém chi phí. Cuối cùng kế hoạch làm dự án chậm lại, đến lúc làm xong thì dịch bệnh ập đến, homestay cũng đóng cửa, thanh khoản cũng khó khăn", chị Kim Anh kể.
Thị trường "sốt nóng", nhiều nhà đầu tư bất động sản F0 lao vào đầu tư. Điểm chung cũng là tử huyệt của nhiều nhà đầu tư là theo bầy đàn, lao vào cơn "sốt đất" khi thị trường đã ở đỉnh… và kết quả là nếm "trái đắng".
Bàn luận về sự "tỉnh táo trong cơn sốt đất", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) - thừa nhận, thời gian qua khi thị trường địa ốc xảy ra sốt đất có nhiều nhà đầu tư F0 đổ tiền mua nhà đất. Việc họ mắc bẫy tâm lý đám đông trong cơn "sốt đất" là điều dễ hiểu vì thường thì F0 thiếu kiến thức, non kinh nghiệm.
Anh Quang - chủ sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, có nhóm đối tượng đứng đằng sau cơn "sốt đất" để thổi giá tăng chóng mặt và chỉ có họ được hưởng lợi từ những biến động này. Cứ 100 người tham gia thị trường khi sốt đất diễn ra thì có đến 80 người chạy theo đám đông, đa phần là tay ngang. Nhà đầu tư F0 mua tài sản lần đầu sập bẫy sốt đất (tương đương 80%). Chỉ có 20 người đứng đằng sau các cơn sốt đất hưởng lợi từ sự tăng giá bất động sản phi mã, chiếm tỷ trọng 20%.
Các đối tượng đứng đằng sau tạo ra cơn "sốt đất" thường hoạt động có tổ chức, bố trí cò mồi nhắm vào tâm lý mua nhanh bán nhanh kiếm lời "khủng". Hành vi của đa số nhà đầu tư F0 trong cơn "sốt đất" là chạy theo đám đông, cầm cố nhà cửa, rút hết tiền tiết kiệm, vay mượn nhiều nơi để mua đất giá cao với kỳ vọng lãi lớn trong thời gian ngắn. Song đa phần những người này đã, đang và sẽ "chết" trong cơn "sốt đất".