Lão nông giành giải nhất cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về thương binh, liệt sĩ
Sau 50 năm miệt mài viết kịch bản như một tác giả không chuyên mà hầu hết đều về đề tài thương binh, liệt sĩ, những đồng đội của mình, lão nông Đỗ Lan vừa giành được giải nhất cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thương binh, liệt sĩ.
Cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) tổ chức để kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh , liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022). Lễ trao giải được tổ chức ngày 25-5 tại Hà Nội.
Ông Đỗ Lan đã có 5 năm tham gia quân ngũ, sau phục viên về làng ở xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Từng theo học khoa chèo Trường trung cấp Sân khấu điện ảnh những năm đầu 1970, sau này tuy không theo nghề sân khấu chuyên nghiệp nhưng ông Đỗ Lan vẫn miệt mài sáng tác kịch bản suốt 50 năm qua.
Bình quân mỗi năm ông viết 1 kịch bản, đến nay gia tài kịch bản của ông có khoảng 50 kịch bản sân khấu, trong đó chỉ có 2 kịch bản là không viết về đề tài thương binh, liệt sĩ, về các đồng đội từng vào sinh ra tử với ông ở chiến trường miền Nam.
Không chỉ tri ân đồng đội bằng việc miệt mài viết về họ, mà ông Lan còn dành nhiều năm đi tìm đồng đội, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Chính câu chuyện về một anh hùng, liệt sĩ của quê hương xã Liên Hiệp mà ông nghe được trong một chuyến đi tìm đồng đội năm 2009 đã trở thành chất liệu cho vở kịch được trao giải nhất cuộc thi này.
Đó là kịch bản có tên Bên đài tưởng niệm ông viết hồi tháng 3, sau khi ông bị COVID-19.
Kịch bản mượn chính câu chuyện về một nhân vật anh hùng, một liệt sĩ của xã Liên Hiệp quê hương ông là liệt sĩ Lê Hiền Lịch, và chuyện ngày nay ở chính xã này.
Chiến sĩ Lê Hiền Lịch - một người con ưu tú của xã Liên Hiệp - được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ, động viên khi anh lập công xuất sắc tại mặt trận đường 9 - Nam Lào năm 1971.
Vì chiến công này, Lê Hiền Lịch đã được Nhà nước cử đi du học ở Liên Xô, nhưng ông đã chọn tiếp tục ở lại chiến đấu bên đồng đội của mình. Ông hy sinh 3 tháng sau đó.
Ngoài giải nhất dành cho ông Đỗ Lan, ban tổ chức còn trao 2 giải nhì (tác phẩm Món quà lớn nhất của tác giả Trần Kim Khôi, tác phẩm Khi người lính trở về của tác giả Nguyễn Thị Nguyên);
3 giải ba (tác phẩm Kỷ vật để lại của tác giả Ngô Xuân Thông, Chuyện tình của thầy giáo thương binh của tác giả Ninh Đức Hậu, Bút Trường Sơn của tác giả Đào Chí Ngụ); và 10 giải khuyến khích, 1 giải tập thể.
Đại diện Cục Văn hóa cơ sở cho biết, sau cuộc thi này, cục sẽ cho in các tác phẩm được giải, gửi về các sở văn hóa - thể thao và du lịch, các phòng văn hóa, nhà hát để các đơn vị có thể lựa chọn để dựng vở cho đoàn mình.
Trong dòng chảy bộn bề của sự kiện, hầu hết các cuộc thi văn chương đang dần suy giảm độ hấp dẫn với cả người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, Văn học tuổi 20 là một ngoại lệ.