Lao dốc không phanh, ông lớn số 1 Việt Nam văng khỏi top 5, rồi bị mất top 10
Những khó khăn hiện tại cùng với triển vọng kém tươi sáng đã kéo ông lớn số 1 ngành sữa - Vinamilk rớt khỏi top 5 vốn hóa năm ngoái và tiếp tục rớt khỏi top 10. Một cổ phiếu “chơi là thắng” gây thất vọng cho nhiều người.
Lần đầu tiên trong 2 năm qua, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) rớt xuống ngưỡng 75.000 đồng/cp và trở thành cổ phiếu lớn hiếm hoi giảm mạnh trong một thị trường xu hướng tăng điểm. Đây là một kịch bản ít người nghĩ tới, đặc biệt khi Vinamilk được biết đến là doanh nghiệp đầu một ngành và ngược dòng phát triển ấn tượng số một trên thị trường chứng khoán trong cả thập kỷ.
Kể từ khi lên sàn năm 2006, cổ phiếu Vinamilk ghi nhận một quá trình đi lên không ngừng nghỉ, và ghi nhận ít nhất 10 năm đi ngược xu hướng giảm thị trường. Từ mức giá trên 3.000 đồng/cp (giá quy đổi, tương đương trên 50.000 đồng/cp khi chào sàn), cổ phiếu Vinamilk tăng liên tục và lên đỉnh cao trên 120.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) vào đầu 2018.
Năm 2007, chỉ số chứng khoán VN-Index của Việt Nam đạt đỉnh cao lịch sử 1.170 điểm và sau đó chìm vào khủng hoảng kéo dài cả thập kỷ, xuống mức 660-700 điểm.
Kể từ khi lên sàn năm 2006 cho đến đầu 2018, cổ phiếu Vinamilk đã tăng gần 40 lần, mang đến lợi nhuận to lớn và đều đặn cho các cổ đông tổ chức cũng như cá nhân.
Diễn biến cổ phiếu Vinamilk trái ngược hoàn toàn với diễn biến chỉ số VN-Index trong giai đoạn 2007-2017. Bỏ 10 đồng vào VN-Index trong 10 năm khi đó, các nhà đầu tư sẽ lỗ mất hơn 4 đồng. Nhưng nếu bỏ 10 đồng vào Vinamilk trong quãng thời gian này, các nhà đầu tư có gần 400 đồng.
Trên TTCK, câu chuyện đầu tư được tập trung vào việc đi tìm “những cổ phiếu Vinamilk” chứ không chú ý nhiều tới điểm số chung của thị trường. Đây là một việc làm cực kỳ khó vì Vinamilk là trường hợp hiếm có và việc kiểm soát cảm xúc trong đầu tư rất khó khăn. Nó lấn át việc phân tích đầu tư. Sự sai lệch về thời điểm đầu tư (timing) cũng khiến các nhà đầu tư thua lỗ.
Trái với sự hấp dẫn trong thập kỷ huy hoàng, cổ phiếu Vinamilk giờ đây được xem là một điều thất vọng to lớn đối với nhiều người khi mà giá cổ phiếu đi ngược một thị trường sôi động và tăng giá mạnh liệt 2 năm qua.
Trong khi các cổ phiếu blue-chips tăng giá một vài lần, cổ phiếu nhỏ thậm chí tăng vài chục lần thì Vinamilk giảm dần đều xuống vùng đáy trong 5 năm.
Từ mức giá đỉnh cao trên 120.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) vào đầu 2018, cổ phiếu VNM xuống mức 75.000 đồng/cp.
Trong những ngày vừa qua, Vinamilk rớt khỏi top 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán, với vốn hóa xuống ngang thời VN-Index 700 điểm, trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp giảm trong năm vừa qua và triển vọng không tơi sáng.
Hồi cuối tháng 5/2021, Vinamilk cũng đã văng khỏi top 5 vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Hàng loạt các cổ phiếu mới đã thay thế. Giới đầu tư chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của những cổ phiếu như Hòa Phát, Masan, Techcombank, VPBank, Novaland, Thế Giới Di Động…
Trong cả năm 2021, Vinamilk đứng ngoài mọi sóng tăng của thị trường chung. Trong khi VN-Index tăng trưởng thuộc hàng top thế giới với 36%, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần thậm chí hàng chục lần, thì Vinamilk vẫn đi xuống.
Động lực tăng trưởng của Vinamilk không có gì mới, thị trường trong nước khó mở rộng và có dấu hiệu bão hòa, trong khi đó chiến lược đẩy mạnh xuất không được báo cáo tích cực. Lợi nhuận 2022 dự kiến tiếp tục giảm, với mức lãi sẽ xuống mức thấp nhất 6 năm.
Trong nhiều năm liền, Vinamilk được định giá với mức P/E rất cao do kỳ vọng lớn. Nhưng giờ đây, động lực cho tăng trưởng đột phá không còn và triển vọng không sáng sủa là áp lực lớn đối với cổ phiếu này. Kể từ 2017 đến nay, lợi nhuận của VNM ổn định ở mức trên 10 nghìn tỷ đồng, không có nhiều đột phá.
Kiểm định lại ngưỡng 1.500 điểm
Theo BSC, sau 1 chuỗi phiên giao dịch thận trọng, dòng tiền đã đổ mạnh vào thị trường trong phiên 21/3. Phản ứng của thị trường trên thế giới bao gồm Việt Nam khá tích cực trước thông tin Fed chỉ nâng 25 điểm phần trăm thay vì 50 điểm. Khối ngoại mua ròng mạnh tại HoSE trong khi bán ròng nhẹ tại HNX. Thanh khoản tăng trở lại, dòng tiền lan tỏa vào nhóm ngành cũng như hiệu ứng các thông tin vĩ mô tiêu cực suy yếu đang khiến VN-Index trở nên khá tích cực.
Theo MBS, thị trường duy trì đà tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp sau tuần ETF cơ cấu danh mục và đáo hạn phái sinh. Dòng tiền dường như được cởi bỏ tâm lý thận trọng và hướng vào nhóm cổ phiếu bluechips, nổi bật là nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều cổ phiếu tăng trần. Chuỗi tăng của thị trường đang được sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu trụ, bên cạnh đó là việc khối ngoại quay đầu mua ròng mạnh mẽ.
Về kỹ thuật, VN-Index đã có phiên tăng thứ 5 liên tiếp, qua đó lấy lại các ngưỡng MA quan trọng như MA100 và MA50. Đà tăng hứa hẹn sẽ đưa chỉ số này re-test ngưỡng 1.510 điểm trong các phiên sắp tới. Bối cảnh chứng khoán thế giới cũng đã qua thời điểm khó khăn nhất, các thị trường đang trong đà hồi phục sau nhịp giảm mạnh vừa qua. Ở thị trường trong nước, sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản có thể là tín hiệu cho thấy nhóm cổ phiếu VN30 có nhiều khả năng sẽ hút dòng tiền trở lại.