Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 11:12:25

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank, gần 85.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ đáo hạn trong quý 4 này.

Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings đánh giá là "không đáng ngại", bởi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng tiếp tục phát hành trái phiếu theo quy định mới.

Khoảng 142.000 tỷ đồng trái phiếu được doanh nghiệp phát hành chủ động mua lại trước hạn trong 3 quý đầu năm nay. Còn sang quý 4, áp lực trả nợ với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã giảm hơn 9% nhờ hoạt động mua lại trước hạn và thương thảo với nhà đầu tư.


"Tổ chức phát hành đang có nhiều tiền mặt, họ đang chờ các cơ hội. Thay vì mở rộng đầu tư trong giai đoạn tới, họ lại mua lại trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo", ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết.


"Tổ chức phát hành cố gắng thương thảo với nhà đầu tư, thực hiện các biện pháp hoãn, giãn nợ với, thậm chí hàng đổi hàng để thông tin với nhà đầu tư và tạo niềm tin", ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings, cho hay.

(Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)


Về phần phát hành mới, trong tháng 10, chỉ có duy nhất đợt chào bán thành công của công ty khoáng sản với giá trị hơn 200 tỷ đồng. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong ngắn hạn đây là cơ hội cho nhà đầu tư sàng lọc và lựa chọn.


"Trước đây tiền nào cũng vào được, người nào cũng tham gia được nhưng rủi ro lớn. Bây giờ thực hiện đúng tinh thần nội hàm Nghị định 65 của Chính phủ thì không lo sai phạm, nhất là với nhà đầu tư thứ cấp sẽ có sự yên tâm hơn", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đánh giá.


Trước đây, do coi trái phiếu doanh nghiệp như gửi tiết kiệm lãi suất cao nên nhiều nhà đầu tư cá nhân mua lại thông qua trung gian là công ty chứng khoán và ngân hàng. Tuy nhiên Nghị định 65 mới có hiệu lực sẽ điều chỉnh lại đối tượng được tham gia và phân loại nhà đầu tư ngay từ đầu.


"Đối tượng cũ không tham gia vào nữa, nhu cầu có thể giảm đi một chút, tuy nhiên trong trung và dài hạn, sẽ có nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức sẽ tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, thông tin.


Tỷ lệ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân hiện là khoảng 30%, sẽ được điều chỉnh về ngưỡng dưới 5% như tại nhiều nước trên thế giới. Đó cũng là lúc các tổ chức tài chính tham gia sâu hơn vào thị trường vốn của Việt Nam.


"Chúng tôi đánh giá thị trường vốn tại Việt Nam đang hoạt động tốt, trong đó là việc tạo điều kiện thuận lợi cho vốn ngoại tiếp cận. Chúng tôi đã làm việc với Chính phủ để đưa ra các đề xuất làm sao có thể nâng cao được xếp hạng tín dụng, như vậy sẽ tạo điều kiện tăng vốn đầu tư trong nước, chuyển giao công nghệ", ông Bill Winters, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, nói.


Với nhà đầu tư cá nhân, nếu vẫn ưa thích trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, hoàn toàn có thể mua các đợt phát hành ra công chúng, hoặc sở hữu các chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu được phát hành theo các tiêu chuẩn mới cao hơn, an toàn hơn bởi các tổ chức tài chính chuyên nghiệp.

Các tin đồn thất thiệt sẽ ảnh hưởng tới thị trường doanh nghiệp, vì vậy các nhà đầu tư cần đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên những thông tin chính xác.

Chia sẻ Facebook