Lãnh đạo TP.HCM khảo sát tiềm năng du lịch ở 'nóc nhà của tỉnh Gia Lai'

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 00:11:26

Trong chuyến khảo sát sản phẩm du lịch đến các tỉnh Tây Nguyên (từ ngày 9 đến 12-6), đoàn công tác TP.HCM do Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng dẫn đầu đã tham quan Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng, huyện Mang Yang, Gia Lai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch (bìa trái) giới thiệu về các loại thực vật trong rừng Kon Ka Kinh


Chuyến khảo sát đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng được thực hiện dựa trên sự gợi ý của bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, và chính nữ phó chủ tịch tỉnh trở thành "hướng dẫn viên" cho chuyến trekking vào khu rừng này.


Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Kon Ka Kinh không chỉ là một khu rừng nơi cung cấp nguồn thực phẩm với các loại rau, lá thuốc quý mà còn gắn với những sự thiêng liêng người Ba Na bản địa. Như cây đa cổng trời hơn 300 tuổi là nơi người Ba Na thường gửi gắm những mong ước của mình khi đi quanh cây đa để cầu khấn một điều gì cho gia đình.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng của khu vực Tây Nguyên, có mức độ đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú cuối cùng của một số loài ở cấp độ toàn cầu.

Sự đa dạng của Kon Ka Kinh thể hiện qua cảnh vật xen lẫn với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, cao vài chục mét chĩa thẳng lên trời xanh là những thảm thực vật xanh biếc, những bông hoa đủ hình thù, màu sắc và thường thay đổi màu phụ thuộc vào độ cao, mật độ ánh sáng nơi chúng sinh sống.

Các du khách TP.HCM trong đó chủ yếu là đoàn doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cơ quan quản lý du lịch… đã thực sự bị cảnh đẹp núi rừng Kon Ka Kinh chinh phục với các trải nghiệm đi bộ ngắm động vật bán hoang dã, tận mắt quan sát quần thể cây đa cổ thụ với khoảng 30 cây đa vài trăm tuổi, trong đó cây đa lớn nhất gần 700 tuổi.

Cảm giác đi giữa núi rừng với những đoạn trekking là cây đa khổng lồ xen kẽ rừng thông 3 lá, 5 lá… sau đó thưởng thức bữa trưa gà nướng, cơm lam ngay bên cạnh con suối mát với du khách đến từ TP.HCM là cảm giác rất mới mẻ và lý thú.

Hiện du khách có thể tìm kiếm tour trải nghiệm phù hợp với nhu cầu cá nhân ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh với các loại hình như: tham quan những điều kỳ thú chỉ có ở rừng nguyên sinh, du lịch sinh thái kết hợp nghe diễn giải môi trường tự nhiên...

Hấp dẫn nhất là các loại hình thể thao leo núi, đạp xe qua những đường mòn dưới tán rừng, đi bộ xuyên rừng kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa. Đội ngũ hướng dẫn viên của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cũng là những nhà sinh vật học có thể giải đáp các thắc mắc hoặc kể cho du khách nhiều câu chuyện hấp dẫn về đời sống bí ẩn của cây, của động vật đặc hữu dưới tán rừng già.


Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng phát triển được các tour du lịch vào rừng, về với thiên nhiên không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả tiềm năng thiên nhiên sẵn có mà còn lồng ghép, tăng nhận thức cho du khách về ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Đường vào khu vực có cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi

Thảm thực vật đa dạng ở Kon Ka Kinh khiến du khách choáng ngợp

Để vào cụm cây đa hàng trăm tuổi, du khách sẽ băng qua một rừng thông 3 lá và 5 lá hết sức thơ mộng

Trên đường đi trekking, du khách dễ dàng bắt gặp những cây đa cổ thụ và rễ cây không ngừng thay đổi

Rễ một thân cây đa hơn 300 tuổi. Khi phát triển đến một mức nào đó, thân cây đa không phát triển nữa mà rễ cây sẽ tiếp tục làm điều đó

Một hiện tượng rễ cây đa ôm lấy cây khác để phát triển

Phút dừng chân của hai nữ phó chủ tịch dưới một gốc đa cổ thụ

Cuối đoạn đường trekking, du khách sẽ thấy một con suối nhỏ, đây là nơi đoàn dừng chân để thưởng thức bữa trưa

Cá lóc nướng trong khi du khách dừng chân, lội suối mát

Hôm nay bữa trưa có món cơm lam nướng, thịt heo và gà nướng

Tên gọi Kon Ka Kinh còn được hiểu là "đỉnh núi cao nhất" với 1.748m so với mực nước biển, được mệnh danh là "nóc nhà của tỉnh Gia Lai". Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng, hệ thực vật được ghi nhận ở nơi đây là 1.022 loài, thuộc 568 chi và 158 hệ thực vật bậc cao.

Các loài thực vật này tổ hợp thành các kiểu thảm thực vật rừng chính bao gồm kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp và kiểu rừng kín hỗn giao lá kim và lá rộng với 2.000 ha, có rất nhiều cây pơmu và chỉ thấy duy nhất ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.

Trong những năm qua, du lịch vườn Long Khánh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân.

Chia sẻ Facebook