Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM nêu lý do vì sao nguồn cung các dự án thấp

Chia sẻ Facebook
27/04/2023 20:19:27

Liên quan đến vấn đề thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ảnh hưởng đến nguồn cung, tại hội thảo "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế", lãnh đạo Sở Xây đã nêu một số nguyên nhân chính.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM nêu lý do vì sao nguồn cung các dự án thấp

Liên quan đến vấn đề thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ảnh hưởng đến nguồn cung, tại hội thảo "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế", lãnh đạo Sở Xây đã nêu một số nguyên nhân chính.

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng phát triển nhà ở và thị trường BĐS – Sở Xây dựng TPHCM nêu dẫn chứng số liệu năm 2021, TPHCM có 4 dự án mới được phép chấp thuận chủ trương đầu tư, 4 dự án được điều chỉnh. Năm 2022 lần lượt có 2 dự án mới được phép chấp thuận chủ trương đầu tư, 7 dự án được điều chỉnh. Quý 1/2023, cấp mới 1 dự án và điều chỉnh 1 dự án. Như vậy dự án được cấp mới rất ít.

Đối với việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án nhà ở, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2021 đến hết quý 1/2023 có 5 dự án được UBND thành phố chấp thuận chủ trương nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án nhà ở, với tổng quy mô 72 ha.

Đây là hai thủ tục để khai sinh ra các dự án nhà ở, tạo nguồn cung sắp tới đối với nhà ở trong tương lai. Bức tranh chung tình hình dự án bất động sản thông qua các thủ tục để thấy vì sao nguồn cung các dự án thấp, ông Hồ cho biết.

Ảnh: Tuấn Trần

Về các giải pháp để thực hiện, trong thời gian qua, thành phố đã tháo gỡ một số điểm nghẽn, đặc biệt là 5 dự án cho phép mở bán với quy mô 5,552 căn thời gian qua. Thực tế đây này là giải pháp tình thế, cho tháo gỡ nút thắt để doanh nghiệp khơi thông dòng vốn, tuy nhiên vấn đề pháp lý dự án vẫn phải xem xét.

Theo đại diện Sở Xây dựng, đây vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ, cần phải tháo gỡ các thủ tục và vướng mắc pháp lý thì hàng loạt dự án mới được tháo gỡ. “Còn giải pháp hiện nay, chúng ta vẫn cho nhà đầu tư huy động nguồn lực xã hội nhưng pháp lý vẫn phải tiếp tục hoàn chỉnh thì chưa phải là giải pháp căn cơ, mà cần phải đi từ cái gốc là các vướng mắc pháp lý trong từng dự án, theo từng cơ chế pháp lý, theo từng nhóm vấn đề để từ đó tháo gỡ được hàng loạt dự án”, ông Hồ nêu quan điểm.

Ông Hồ đúc kết một số giải pháp định hướng thời gian tới. Thứ nhất, liên quan tới cải cách thủ tục hành chính đi kèm tháo gỡ vướng mắc trong các thủ tục đầu tư dự án. Lãnh đạo Sở cùng tham gia góp ý các Luật mà Quốc hội đang xem xét gồm Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai. Việc góp ý sửa đổi này làm sao để các luật thật sự tháo gỡ được các vướng mắc trong thời gian qua, chứ không phải là chỉ mở ra những việc thực hiện thời gian tới.

Theo ông Hồ, đây là vướng mắc tồn tại nhiều năm cũ nhưng luật đôi khi áp dụng chỉ mở ra đối với dự án thực hiện trong tương lai. Chỗ này là quá trình chuyển tiếp xử lý, khi các quy định luật mới được ban hành cần phải được nghiên cứu và đánh giá tác động, để làm sao khi ra quy định này nó không tác động, hoặc không hồi tố hoặc phải tháo gỡ được hiện tại thì mới thực sự tháo gỡ cho các dự án.

Thứ hai là quy hoạch, một công tác đang vướng rất nhiều. Hiện TPHCM đang thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung toàn thành phố. Như vậy, đối với tất cả dự án, ngay cả dự án an sinh xã hội như dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, dự án di dời nhà trên kênh rạch, hiện nay ngay cả Nhà nước làm cũng vướng vào đồ án quy hoạch phân khu cần điều chỉnh. Mà muốn điều chỉnh thì phải nới quy mô dân số, hạ tầng kỹ thuật. Do đó thành phố phải đẩy nhanh việc nghiên cứu, lập, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thì mới tháo gỡ được nút thắt quy hoạch cho dự án, đặc biệt là dự án của Nhà nước và tư nhân, ông Hồ cho hay.

Thứ ba là tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận, bao gồm cấp giấy chứng nhận cho người dân đã mua nhà ở trong các dự án nhưng chưa cấp giấy. Hiện nay HĐND thành phố cũng đang giám sát việc cấp giấy chứng nhận này. Bên cạnh đó là việc cấp giấy chứng nhận cho các chủ đầu tư dự án với các thủ tục về đất đai, tính tiền sử dụng đất, thủ tục thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh, thủ tục giao đất…

Thứ tư là đưa nguồn lực đất đai, sắp xếp, xử lý các loại đất để đưa vào thực hiện các dự án an sinh xã hội của thành phố; đưa nguồn lực đầu tư công vào phát triển các dự án phục vụ các đối tượng bị tác động lớn trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Theo ông Hồ, đầu tư công vào lĩnh vực nhà ở xã hội là một yêu cầu tất yếu hiện nay, và đây cũng là sự khẳng định của Nhà nước đối với chính sách chung rằng Nhà nước cũng tiên phong đi làm nhà ở xã hội để giải quyết cho các đối tượng của thành phố, như vậy các doanh nghiệp thấy cùng đồng hành theo.

Đại diện Sở Xây dựng cho hay, HĐND TP đã thông qua chương trình phát triển nhà ở, trong đó có gói ngân sách 3,770 tỷ đồng để thực hiện đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách đến năm 2025. Hiện Sở đang tham mưu một số dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để triển khai trên địa bàn quận 12, Bình Thạnh và TP Thủ Đức.

Liên quan tới thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hiện nay cần tháo gỡ, ông Hồ cho biết, trước đây các dự án nhà ở thực hiện các thủ tục đầu tư theo Luật nhà ở, nhưng hiện nay khi Luật đầu tư đã ban hành thì việc thực hiện các thủ tục này áp dựng theo Luật đầu tư. Do đó, khi điều chỉnh dự án, dẫn đến kéo dài trong thời gian qua.

Thu Minh

Chia sẻ Facebook