Lãnh đạo NHNN: Các ngân hàng vẫn tiếp tục tham gia nhiều vào lĩnh vực rủi ro sẽ bị xem xét trừ hạn mức tín dụng
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều trên 20%. Nếu để họ tăng trưởng như vậy thì áp lực lạm phát rất lớn. Các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn, từ đó lãi suất cho vay tăng theo, nợ xấu cũng tăng.
Tại buổi Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 15/6, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mặc dù trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam kiểm soát được lạm phát chỉ ở mức 2,25% nhưng áp lực lạm phát trong thời gian tới là khá lớn vì nước ta có độ mở nền kinh tế lớn, nhập khẩu lớn nên khi giá dầu tăng cao sẽ tác động đến mặt bằng CPI.
Trên thế giới, nhiều Ngân hàng Trung Ương (NHTW) đã thắt chặt tiền tệ khi năm 2021 có 113 đợt tăng lãi suất và xu hướng thắt chặt nhanh hơn trong 5 tháng đầu năm 2022 (144 lượt tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu). "Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp, chúng ta đã cố gắng bình ổn mặt bằng lãi suất ở mức thấp, trong bối cảnh các NHTW trên thế giới tăng lãi suất. Duy trì mặt bằng lãi suất ổn định đã là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nhiều áp lực như vậy", ông Quang nói.
Theo lãnh đạo NHNN, áp lực lạm phát là một trong những lý do khiến cơ quan này cân nhắc trong việc giao "room" tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Số liệu thống kê 3 năm trở lại đây cho thấy, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều xấp xỉ trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Nếu để cho họ tăng trưởng như vậy thì áp lực lạm phát là rất lớn. Vì để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn, dẫn đến lãi suất cho vay cũng tăng theo, nợ xấu cũng tăng.
Chỉ thị 01 của NHNN hồi đầu năm cũng định hướng tín dụng năm nay tăng 14% nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. NHNN ưu tiên các NHTM có xếp hạng phân loại cao, quản trị tốt, đồng thời điều chỉnh tăng "room" cho các ngân hàng tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém.
Ngoài ra, có những điểm trừ tại TCTD mà NHNN thường xuyên có cảnh báo về việc tham gia cho vay lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, hay những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp lớn. Nếu tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tham gia nhiều vào lĩnh vực rủi ro này thì sẽ bị xem xét trừ hạn mức tín dụng.
Ông Quang cũng cho biết sẽ theo sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, xem xét nới "room" ở thời điểm phù hợp.
Về thông tin một số ngân hàng hết "room", khách hàng không vay được vốn, lãnh đạo NHNN cho biết, tăng trưởng đến tháng 6 còn khá xa hạn mức mà NHNN đã cấp cho các TCTD. Tuy nhiên, có thể một số trường hợp TCTD gần đạt giới hạn "room" thì có trạng thái phòng thủ, nâng cao khẩu vị rủi ro.
Từ 2011 đến nay, NHNN đã thực hiện xét hạn mức tín dụng và thường xuyên đánh giá cập nhật việc điều chỉnh room hàng năm cho các ngân hàng thương mại. Cơ quan đứng đầu ngành đã áp dụng cơ chế room tín dụng song song với các biện pháp khác như yêu cầu các TCTD tuân thủ quy định an toàn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Basel I, Basel II và đang hướng tới Basel III. Tuy nhiên, cho dù đưa vào các chuẩn mực quản trị rủi ro như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của chúng ta vẫn rất cao.
Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng bình quân của nước ta là trên 30%/năm, có năm tăng 53,8%, vượt xa khả năng quản trị và cân đối vốn của ngân hàng thương mại. Với bài học đó, NHNN nước phải đi song song cả "hai chân": vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng, giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của NHTM.