Lãnh đạo Kyrgyzstan kêu gọi bình tĩnh sau cuộc xung đột với Tajikistan
Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã kêu gọi người dân nước này tin tưởng vào quân đội và các đối tác chiến lược.
Đồng thời, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov cho biết không cần lực lượng tình nguyện ở khu vực biên giới với Tajikistan sau các cuộc đụng độ gây chết người tại đây vào tuần trước.
Ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ ngày 14/9 đến ngày 16/9 trong các cuộc giao tranh sử dụng xe tăng, máy bay chiến đấu và pháo tên lửa tại khu vực tranh chấp ở biên giới tỉnh Batken của Kyrgyzstan.
"Chúng tôi tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan theo một cách hoàn toàn hòa bình", ông Japarov nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày quốc tang. "Một điểm khác mà tôi muốn đề cập, tôi kêu gọi sự bình tĩnh giữa những người đàn ông và thanh niên sẵn sàng đến Batken. Chúng ta có những binh sỹ dũng cảm và đủ lực lượng để đẩy lùi những kẻ xâm phạm biên giới của chúng ta".
Ông Japarov đề nghị Kyrgyzstan không tin vào "những kẻ khiêu khích, những người phỉ báng các đối tác chiến lược của chúng ta, các quốc gia thân thiện và các dân tộc có cùng quan điểm với chúng ta".
Các hãng thông tấn Nga đưa tin, Kyrgyzstan và Tajikistan đã đồng ý rút thêm khí tài và lực lượng quân sự khỏi khu vực biên giới, trích một tuyên bố từ người đứng đầu vùng Sogdiyskaya của Tajikistan. Cả hai bên cũng đã đồng ý tiếp tục giải quyết xung đột biên giới .
Các nhà chức trách Kyrgyzstan cho biết, ngày 19/9, họ đã đàm phán để trả tự do cho 4 lính biên phòng đã bị quân Tajikistan bắt giữ trong cuộc xung đột.
Ngày 19/9, Bộ Ngoại giao Tajikistan khẳng định, chìa khóa để giải quyết xung đột nằm ở các cuộc đàm phán, và nhắc lại quan điểm rằng Kyrgyzstan đã xúi giục giao tranh.
Những vấn đề biên giới ở Trung Á phần lớn bắt nguồn từ thời Liên Xô cũ, khi Moscow cố gắng phân chia khu vực giữa những nhóm và khu định cư thường nằm giữa các dân tộc khác.
Đã có hơn 230 sự cố biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan trong 20 năm qua. Và tâm điểm của cuộc xung đột mới nhất là (tranh chấp) một khu vực rộng 2.000 km² (772 dặm vuông).
Hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Kyrgyzstan và Tajikistan đều là đồng minh với Moscow và các căn cứ quân sự của Nga đều đóng tại hai nước này. Nga đã tránh đứng về bên nào trong cuộc xung đột và kêu gọi các bên giải quyết một cách hòa bình.
Nga và Tajikistan nhất trí tăng cường hợp tác bảo vệ biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan nhằm ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn từ tình trạng bất ổn ở quốc gia Nam Á láng giềng này.