Lãnh đạo CTD: Công ty hoàn toàn có khả năng thanh toán trái phiếu, bác bỏ số nợ xấu 2,600 tỷ
Chiều 16/01, CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) tổ chức buổi đối thoại cùng cổ đông, ban lãnh đạo đã giải đáp nhiều thắc mắc và tin đồn gần đây liên quan tới Công ty.
Lãnh đạo CTD: Công ty hoàn toàn có khả năng thanh toán trái phiếu, bác bỏ số nợ xấu 2,600 tỷ
Công ty hoàn toàn có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu
Trong buổi đối thoại, ban lãnh đạo và HĐQT đã nhận được câu hỏi về việc mua lại trái phiếu của Công ty, liệu có sai phạm nào không, trước câu hỏi này, bà Cao Thị Mai Lê - Kế toán trưởng CTD cho biết, trong năm 2022 Công ty đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu và không có sai phạm gì. Gần đây thị trường trái phiếu có cuộc khủng hoảng làm trái chủ lo ngại nên một số trái chủ đề xuất mua lại theo quy định phát hành.
Bổ sung thêm, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT CTD khẳng định, Công ty hoàn toàn có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán hay mua lại trái phiếu trước hạn khi các trái chủ thay đổi quyết định nắm giữ. Việc phát hành trái phiếu của CTD được thực hiện phù hợp với quy định của Việt Nam và được các đơn vị chuyên nghiệp tư vấn. Đợt phát hành của Công ty có số lượng đăng ký vượt nhiều lần số phát hành cho thấy rất nhiều người muốn cho Công ty vay tiền.
Trước đó, HĐQT CTD đã thông qua quyết định về việc mua lại trước hạn số trái phiếu trị giá 25 tỷ đồng của lô trái phiếu CTD122015. Thời gian mua lại trước hạn vào 06/01/2023, giao dịch được thực hiện thỏa thuận trong phiên sáng từ 9h - 11h30.
Đây là lô trái phiếu 500 tỷ đồng được CTD phát hành ra công chúng vào tháng 01/2022, kỳ hạn 3 năm. Lãi suất cố định 9.5%/năm được trả định kỳ 6 tháng/lần. Việc mua lại trước hạn này do trái chủ là 2 quỹ đầu tư trái phiếu yêu cầu.
Làm rõ về vấn đề này, CTD cho biết Công ty chỉ thực hiện mua lại số lượng trái phiếu nêu trên do 2 trái chủ đã gửi yêu cầu đúng hạn theo quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, CTD nắm gần 416 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Về phần nợ vay tài chính, Công ty ghi nhận gần 939 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 525 tỷ đồng vay nợ dài hạn, chiếm 8.2% cơ cấu nguồn vốn. Vay nợ tài chính chiếm 15.3% nợ phải trả. Trong đó, Công ty có khoản vay dài hạn từ trái phiếu với giá trị 500 tỷ đồng.
Bác bỏ con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng
Chia sẻ về vấn đề nợ xấu của Công ty, bà Cao Thị Mai Lê - kế toán trưởng CTD cho biết, hầu hết dự án CTD tham gia đều có giá trị rất lớn, vài ngàn tỷ đồng/dự án, do đó việc thanh toán cần nhiều thời gian. Điều đó giải thích vì sao khoản trích lập dự phòng rất lớn. “Tuy nhiên, tin đồn nợ xấu 2,600 tỷ đồng là không chính xác”, bà khẳng định.
Cũng theo bà Lê, CTD đã thành lập hội đồng thu hồi nợ, năm rồi đã triển khai ban quản trị rủi ro. “Chúng tôi vẫn định kỳ đánh giá nợ xấu, sau đó dựa trên quy trình nội bộ, kết hợp bộ phận kiểm toán để trích lập dự phòng. Hầu như CTD đã trích lập đầy đủ", bà Lê nói và cho biết năm 2023, CTD vẫn tiếp tục tuân thủ quy định, theo nguyên tắc thận trọng và minh bạch. “Số liệu vẫn đang được xem xét, đánh giá, nhưng nếu tình hình tốt lên thì con số sẽ không nhiều”.
Trấn an thêm với cổ đông, Tổng Giám đốc Võ Hoàng Lâm cho biết CTD thực thi đường lối minh bạch, bất kỳ rủi ro nào cũng được đánh giá để trích lập, chỉ sau khi thu hồi được công nợ thì mới hoàn nhập dự phòng. Điều này giúp tình hình tài chính của công ty rõ ràng để ban điều hành thực hiện kế hoạch năm.
Chủ tịch Bolat Duisenov nói rộng hơn cho biết lãnh đạo CTD liên tục nhìn vào các khoản phải thu, khách hàng và tình hình thanh toán của các dự án. “Tới thời điểm này, chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu nào về việc sẽ bị mất tiền từ các khoản phải thu. Về quản trị rủi ro, chúng tôi sẽ thắt chặt hơn nữa, làm tốt hơn nữa, có thêm nhiều bước đánh giá trước khi quyết định tham gia vào một dự án nào”.
Cũng theo ông Bolat, để hạn chế tình trạng khách hàng chậm trả, chiếm dụng vốn của nhà thầu, CTD đã xác định phát triển các nhóm khách hàng ít nguy cơ. Nhóm thứ nhất là những chủ đầu tư đã từng hợp tác với CTD. Nhóm thứ 2 là các dự án FDI. Nhóm thứ 3 là các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh như: Vingroup, Sun Group, BIM Group, Ecopark, Doji Land…
Về các dự án của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát mà CTD từng tham gia thi công, ông Bolat cho biết, Tân Hoàng Minh vốn là một khách hàng lớn của CTD, nhưng vì biến cố bất ngờ, CTD đang phải trích lập dự phòng 480 tỷ đồng cho các dự án của công ty này.
Với Vạn Thịnh Phát, trước kia, CTD từng được giao dự án IFC Sai Gon One Tower. CTD đã khởi công nhưng sau đó xảy ra bất đồng với chủ đầu tư trong cách làm việc nên đã rút khỏi dự án. Chi phí bỏ ra trong dự án này được nói là “rất tối thiểu”. Chủ tịch CTD cũng khẳng định hiện tại CTD không tham gia bất kỳ dự án nào của tập đoàn FLC.
Chia sẻ tại sự kiến, ông Võ Hoàng Lâm - Tổng Giám đốc CTD cho biết, Công ty có khoảng 65 dự án đang thực hiện, ước tính năm 2022 tổng doanh thu đạt khoảng 14,500 tỷ đồng, thực hiện 77% kế hoạch. Riêng kế hoạch 2023, Công ty đưa ra các số liệu thận trọng và dự kiến doanh thu sẽ tăng 10 - 20% so với kế hoạch năm trước.
Chí Kiên