Lãnh 18 năm tù về tội lừa đảo, một giám đốc liên tục kêu oan

Chia sẻ Facebook
09/05/2022 19:13:15

Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chiều 9-5, TAND TP.HCM đã tuyên xử Nguyễn Trọng Dũng (59 tuổi, tổng giám đốc Công ty Tân Việt) 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Dũng (đứng) nghe tòa tuyên án - Ảnh: ĐAN THUẦN


Theo cáo trạng, thông qua mối quan hệ quen biết với ông Nguyễn Văn Quyết, Dũng đưa ra thông tin được ông Quách Ngọc Long ủy quyền, đại diện liên hệ các cơ quan thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khiếu nại phần đất có diện tích 44.880m 2 tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.


Sau khi đưa cho ông Quyết xem các tài liệu liên quan, ngày 16-2-2017, Công ty Tân Việt do Dũng làm tổng giám đốc (bên A) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với ông Quyết (bên B), về việc góp vốn làm thủ tục pháp lý để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).


Nội dung hợp đồng thể hiện ông Quyết góp 10 tỷ đồng vào Công ty Tân Việt, sau khi ra giấy CNQSDĐ thì liên doanh 2 bên A và B sẽ nhận được 8.500m 2 đất tại đỉa chỉ trên. Hai bên thống nhất sau khi có giấy CNQSDĐ sẽ bán hết số đất trên, tiền thu được sẽ trừ chi phí và chia 50 - 50.

Ngay sau khi ký hợp đồng, ông Quyết giao 1 tỉ cho Dũng để giải quyết công việc, còn lại ngay sau khi có thông báo nhận quyết định trả lại đất của UBND tỉnh Bình Dương thì ông Quyết sẽ giao tiếp 9 tỉ đồng cho Dũng.


Hồ sơ vụ án thể hiện ngày 5-5-2017, ông Quyết và Dũng ký phụ lục hợp đồng với nội dung: "Dũng cam kết ngày 5-5-2017 lấy quyết định của UBND tỉnh Bình Dương và sau 45 ngày, Dũng sẽ tách 6.000m 2 /44.800m 2 cho ông Quyết đứng tên sở hữu. Toàn bộ số tiền 10 tỉ đồng Dũng nhận từ ông Quyết sẽ là chi phí lo thủ tục…".

Sau đó, ông Quyết tiếp tục chuyển cho Dũng 9 tỉ đồng tiền mặt cho Dũng tại nhà ở phường Tân Quy, quận 7.

Giao tiền xong, Quyết không liên lạc được với Dũng. Qua tìm hiểu, ông Quyết nhận thấy Dũng không liên lạc với các cơ quan thẩm quyền Bình Dương để thực hiện các nội dung hợp đồng nên tố cáo Dũng ra Công an TP.HCM.

Tại CQĐT, Dũng khai có ký hợp đồng với ông Quyết như trên và có nhận 1 tỉ đồng. Liên quan đến phụ lục hợp đồng ký ngày 5-5-2017 với ông Quyết thì bị can phủ nhận, khẳng định mình không nhận 9 tỉ đồng.

Liên quan đến việc thực hiện khiếu nại theo ủy quyền với ông Long, Dũng khai không tự thực hiện mà ký hợp đồng khoán việc và chuyển 700 triệu đồng cho ông Phạm Văn Luông (55 tuổi, quê Hải Dương) để thực hiện. Luật sư của Dũng cũng cung cấp bản chính hợp đồng này cho CQĐT.

CQĐT xác minh nơi Luông đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng Luông không có mặt, không rõ nơi ở. Do đó chưa làm rõ được vai trò trong vụ án.

Tại phiên tòa ngày 17-1-2022, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND TP.HCM điều tra làm rõ các vấn đề gồm:

Có hay không việc bị cáo nhận 9 tỉ đồng tại nhà ông Quyết; Số tiền 1 tỉ đồng Dũng nhận rồi giao cho người tên Luông; Các lời khai của bị cáo, bị hại và người liên quan cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn; Chưa xác minh, làm rõ vai trò của người tên Luông; Quy trình thu thập chứng cứ chưa phù hợp.

Tuy nhiên Viện kiểm sát vẫn bảo lưu quan điểm truy tố trước đó.

Tại phiên tòa hôm nay 9-5, Dũng vẫn tiếp tục kêu oan, cho rằng phụ lục hợp đồng là giả mạo. Các luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX việc bị cáo đưa ra nhiều luận cứ bào chữa và đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội.


Theo HĐXX, từ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, quá trình xét xử cho thấy bị cáo khai bị oan sai là không có cơ sở. CQĐT đã xác minh các nội dung liên quan hành vi phạm tội của bị cáo.

HĐXX cho rằng quan hệ của bị cáo với người tên Luông là mối quan hệ dân sự khác, không liên quan vụ án này.

Do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, cựu chủ tịch Công ty chứng khoán SME cùng 9 đồng phạm đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo khách hàng, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng.

Chia sẻ Facebook