Làng nghề mộc Đông Giao

Chia sẻ Facebook
15/09/2023 07:24:24

Có 97% số hộ gia đình làm nghề mộc, với 3.000 người làm trong đó có 1.000 thợ giỏi, làng nghề Đông Giao nổi tiếng về nghề mộc với những bàn tay chạm khắc tinh xảo.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

(Ảnh: Thi, Shutterstock)

Làng mộc Đông Giao

Làng Đông Giao nay thuộc xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là một làng nghề truyền thống nổi tiếng về chạm khắc gỗ. Làng có 3 thôn là Sở, Chay và Đông Tiến.


Nói về sự khéo léo của người thợ làng Đông Giao, Trần Đạm Trai đã mô tả trong “Hải Dương phong vật phúc khảo thích” là:


Vẩy mũi chàng nên hình long phượng
Thợ Đông Giao mẫu dạng đâu hơn.

Nghề mộc nơi đây bắt đầu từ thế kỷ 17, ban đầu là các sản phẩm như bàn thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… được làm hoàn toàn thủ công.

Sau đấy làng nghề ngày càng phát triển, làm thêm nhiều sản phẩm đa dạng như tượng, đồ mỹ nghệ, tranh thiên nhiên, muông thú v.v… Các sản phẩm của làng rất được ưa chuộng, tiếng tăm vang khắp từ miền bắc đến miền trung.

Xây dựng Kinh thành Huế

Sau khi đánh bại Tây Sơn lập ra nhà Nguyễn, vua Gia Long và Minh Mạng chú trọng xây dựng kinh thành Huế, nhiều thợ khéo cả nước được tập trung xây dựng Kinh thành. Danh tiếng làng nghề Đông Giao đã bay đến Kinh đô, nhiều thợ của làng được mời đến xây dựng Kinh thành. Tài năng của những người thợ Đông Giao đã làm mê hoặc Triều đình Huế.

Kinh thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, hoàn tất vào năm 1832 thời vua Minh Mạng. Sau khi hoàn tất xây dựng Kinh thành, một số người thợ Đông Giao ở lại Huế lập làng và tiếp tục phát triển nghề truyền thống trên vùng đất này. Làng mới được đặt tên là Đông Tiến (lấy tên thôn Đông Tiến thuộc làng Đông Giao).

Thợ khéo làng Đông Giao

Để thành thợ khéo, ngoài có năng khiếu cần phải được chỉ dạy bài bản. Người thợ phải vừa cần cù học và thực hành một thời gian dài mới dần có thể lành nghề, tạo ra những sản phẩm có hồn. Những sản phẩm chạm khắc đòi hỏi người thợ phải làm tỉ mỉ hàng tháng mới hoàn thành sản phẩm.

Có những sản phẩm đường nét nhỏ đòi hỏi phải có sự tinh xảo, vì thế mà phải đục rất nhỏ. Một người thợ cần phải sử dụng thành thạo khoảng 40 chiếc đục với mũi đục khác nhau cho các sản phẩm khác khác nhau. Những điều này đòi hỏi người thợ Đông Giao phải cần cù, chịu khó và rất tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm vừa lòng khách hàng.

Người thợ ở Đông Giao sử dụng thành thạo khoảng 40 đục. (Ảnh: Tạp chí công thương)

Làng văn hóa với nhiều di tích

Đông Giao không chỉ là một làng nghề, đây là làng văn hóa với nhiều di tích như đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ, với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, các công trình văn hóa đều được bảo vệ và tôn tạo.

Đình làng được xây dựng vào năm 1738, phía trước Đình có bia đá lớn ghi lại quá trình xây dựng Đình cùng tên những người tham gia xây dựng.

Ở trong Đình làng có khám thờ với đôi long mã lớn gần bằng ngựa thật được chạm khắc công phu tinh tế bởi các nghệ nhân của làng. Đình có bàn thờ để thờ cụ Vũ Xuân Ngôn – được các dòng họ trong làng nhất trí tôn làm cụ tổ làng nghề vào năm 1992.

Làng nghề Đông Giao ngày nay

Ngày nay dòng họ Vũ Xuân vẫn kế thừa được nghề mộc từ cụ tổ Vũ Xuân Ngôn, nhiều người gắn bó với nghề và thành danh, như nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thép là chủ Doanh nghiệp tư nhân mỹ nghệ Xuân Thép.

Không chỉ có Doanh nghiệp Xuân Thép, ở Đông Giao còn có các doanh nghiệp tư nhân khác cùng nhiều cơ sở sản xuất. Sản phẩm của làng được xuất khẩu ra nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, châu Âu, châu Mỹ.

Dù là làng nghề có tiếng, nhưng vào thời điểm khó khăn do dịch covid 19, có đến 1/3 trong số 582 hộ làm nghề mộc phải tạm dừng hoạt động.

(Ảnh: Thi, Shutterstock)

Ngày nay ở làng Đông Giao có 97% hộ gia đình có người làm nghề mộc với khoảng 3.000 người làm, trong đó có 1.000 thợ chính có tay nghề cao, còn lại là thợ phụ và làm các công việc như đóng gói và phân phối quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Có 40% cơ sở áp dụng máy móc để thực hiện các công việc nặng nhọc, ô nhiễm như chế biến gỗ, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm… Tuy nhiên vẫn không thể thiếu bàn tay tỉ mỉ của người thợ nhằm thổi hồn vào tác phẩm.

Hiện nay ở Đông Giao đã đưa máy móc vào sản xuất. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook