Lăng kính chứng khoán: Thanh khoản bị vắt kiệt, áp lực bán tiếp diễn
Nhà đầu tư chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, hạn chế bắt đáy kể cả khi VN-Index bật nảy trong phiên, nên đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn.
Tại các nhóm ngành còn không xuất hiện lực kéo như phiên trước, thanh khoản mất hút cho thấy nhà đầu tư đang tỏ ra bi quan trước diễn biến thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, VN-Index giảm đến 14,1 điểm, tương đương 1,34% xuống 1.039,56 điểm. Toàn sàn chỉ có 98 mã tăng, còn lại 311 mã giảm, 56 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,98 điểm, tương đương 0,95% xuống 207,32 điểm. Toàn sàn có 55 mã tăng, 112 mã giảm và 51 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,66 điểm về 76,73 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 26 mã giảm giá.
Thanh khoản như bị vắt kiệt sức với tổng giá trị khớp lệnh đạt 7.565 tỷ đồng, giảm 45% so với phiên hôm qua, riêng sàn HoSE chỉ có 6.547 tỷ đồng được giao dịch, giảm đến 46%. Tại nhóm VN30 thanh khoản đạt 2.330 tỷ đồng.
Áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu chững lại
Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần với nến đỏ giảm điểm thể hiện sự thất bại của nỗ lực phục hồi. Xét về khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI đều đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực cho thấy áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Nếu thanh khoản bán chủ động tiếp tục gia tăng thì xác suất VN-Index giảm về vùng 1.000 điểm là cần được tính đến.
Bên cạnh đó, tại khung đồ thị tuần việc VN-Index tiến sát về dải mây dày ichimoku cho thấy việc bứt phá trở lại của thị trường sẽ càng khó khăn hơn. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, hạn chế bắt đáy ngay cả khi VN-Index bật nảy trong phiên khi chạm các vùng hỗ trợ. Tại thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn, ít nhất là từ 3 – 5 phiên tích lũy tích cực trở lại.
Lực cầu ở vùng giá hiện tại khá yếu, dễ bị dập tắt
Chứng khoán BOS: VN-Index nới rộng đà giảm hơn 14 điểm với gánh nặng từ nhóm cổ phiếu VN30. Về kỹ thuật, VN-Index tiếp tục giảm điểm dù có phiên hồi phục mạnh chiều qua kèm theo mức thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy lực cầu thực sự ở vùng giá hiện tại khá yếu và dễ bị dập tắt.
Mặc dù hiện tượng bán tháo chưa xảy ra nhưng các tín hiệu đường MA tiếp tục hướng xuống ủng hộ xu hướng giảm vẫn đang được duy trì. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì trạng thái tiền mặt cao, chưa tham gia bắt đáy.
Dòng tiền đang thận trọng
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp. Khối lượng giao dịch sụt giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền đang thận trọng. Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa dưới MA5 và 20 hướng xuống, cho thấy chỉ số vẫn đang nằm trong đợt giảm ngắn hạn.
Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật khác đang nghiêng về hướng tiêu cực, khi đường MACD tiếp tục hướng xuống dưới Signal và RSI hướng xuống vùng 42, cho thấy áp lực giảm đang mạnh lên. Trong trường hợp, chỉ số không thể giữ được trên vùng hỗ trợ gần quanh MA100 thì chỉ số có thể cần thêm một nhịp giảm về lại quanh vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm.
Nhìn chung, thị trường có thể tiếp tục chịu sức ép điều chỉnh về vùng hỗ trợ sâu hơn sau phiên giảm 24/2. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp nhằm tạo dư địa để tái gia nhập trở lại khi thị trường xuất hiện cơ hội mới.
Rủi ro chỉ số tiếp tục điều chỉnh là vẫn còn
Chứng khoán TPS: VN-Index kết phiên với cây nến rút chân với bóng nến dưới dài (long lower shadow) xuất hiện tại vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm (đường SMA 100 ngày và ngưỡng Fibonacci Retracement 38,2%) cho thấy lực mua một lần nữa trở lại đầy mạnh mẽ tại đây.
Tuy nhiên, áp lực giảm điểm là vẫn còn khi các phiên giảm điểm này đang đi kèm với thanh khoản được duy trì ở mức cao (trên mức trung bình 20 phiên). Thêm vào đó, việc chỉ báo Relative Strength Index (RSI) và MACD duy trì đà giảm phản ánh rủi ro chỉ số tiếp tục điều chỉnh là vẫn còn .