Lăng kính chứng khoán 5/7: Quán tính hồi phục của thị trường vẫn còn
Nhà đầu tư nên chủ động lên kế hoạch giao dịch lướt sóng ngắn hạn với tỉ trọng cổ phiếu từ 30 – 40% và hạn chế mua đuổi cổ phiếu tại các vùng kháng cự mạnh.
Mặc dù vẫn còn sự phân hoá nhưng bên mua chiếm ưu thế đã khiến thị trường tăng mạnh trong phiên chiều, dòng tiền sôi đổi gia nhập thị trường phút cuối.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7 VN-Index tăng 6,5 điểm, tương đương 0,58% lên 1.132 điểm. Toàn sàn có 283 mã tăng, 120 mã giảm và 82 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 2,16 điểm, tương đương 0,95% lên 228,76 điểm. Toàn sàn có 114 mã tăng, 57 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm về 85,53 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 19 mã tăng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh của toàn thị trường đạt 17.431 tỷ đồng, tăng 38% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 35% về 14.641 tỷ đồng. Tại nhóm VN30 nhà đầu tư sang tay 5.696 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch tuy vẫn ở dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, nhưng có tín hiệu gia tăng so với các phiên trước đó, hàm ý dòng tiền có dấu hiệu gia nhập trở lại.
Nhìn chung, thị trường đang có cơ hội tiếp diễn xu hướng phục hồi ngắn hạn sau phiên tăng 4/7. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các vị thế giao dịch lướt sóng, với ưu tiên là cổ phiếu có cơ bản tốt, dự báo kết quả kinh doanh quý II/2023 tăng trưởng, và đang thu hút được dòng tiền.
Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, sau khi chạm MA20, VN-Index tạo nến xanh tăng điểm phục hồi vượt lên trên khu vực 1.130. Ở khung đồ thị ngày, tuy 2 chỉ báo MACD và RSI đã hướng lên tích cực trở lại nhưng vẫn đang ở vùng cao và vẫn có xác suất tạo phân kì âm 3 đoạn nếu lực cầu không gia tăng tích cực giúp chỉ số chung vượt thuyết phục qua mốc 1.140.
Chứng khoán Rồng Việt: VN-Index đóng cửa sát mức cao nhất phiên, cho thấy động lực và quán tính hồi phục của thị trường vẫn còn. Vùng hỗ trợ được nâng lên quanh mốc 1.125 điểm của VN-Index và thị trường có thể hướng tới kiểm tra lại vùng đỉnh cũ quanh 1.140 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá nỗ lực của dòng tiền. Tạm thời vẫn có thể nắm giữ các cổ phiếu đang có tín hiệu kỹ thuật tốt từ nền tích lũy. Tuy nhiên, đối với những cổ phiếu vẫn đang chịu áp lực bán từ vùng cản và có diễn biến không tốt trong thời gian gần đây, vẫn nên cân nhắc chốt lời hoặc giảm tỉ trọng để cân đối lại danh mục.
Tin vắn chứng khoán
- Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật 2 kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2023 khi Việt Nam phấn đấu GDP cả năm tăng 6-6.5%. Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý 3 đạt 6,8%, quý 4 đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý 3 đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8.9%. Nhìn lại kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế tháng 6 tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I.
- Hàng loạt đồng tiền châu Á liên tục mất giá trước USD, làm dấy lên quan ngại rằng các ngân hàng trung ương trong khu vực lại phải can thiệp vào thị trường ngoại hối. Chưa tới một năm sau cú sốc tỉ giá diễn ra vào cuối năm 2022, nhiều đồng tiền châu Á lại một lần nữa rơi vào tình trạng tương tự khi tỉ giá giảm sâu.
Đáng chú ý nhất là đồng yên. Tỉ giá yên/USD vào cuối ngày giao dịch 3/7 trên thị trường châu Á đã giảm xuống còn 144.834 yên đổi 1 USD. Trước đó, tỉ giá có lúc còn vượt mốc 145 yên đổi 1 USD. Như vậy, đồng yên đã mất 13% giá trị kể từ ngày 15/1/2023 .