Lăng kính chứng khoán 3/10: Thị trường đang có nhịp hồi kỹ thuật
Nhà đầu tư nên quan sát diễn biến của thị trường, tránh bán tháo cổ phiếu trong hoảng loạn và chỉ hạ tỉ trọng cổ phiếu tại những nhịp hồi kỹ thuật của thị trường.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán PSI: Đồ thị kỹ thuật của VN-Index là một cây nến Doji cho thấy lực cầu và lực mua đang khá giằng co. Thanh khoản tiếp tục giảm và ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng từ giới đầu tư. Hiện tại, vùng điểm kháng cự của chỉ số VN-Index là vùng 1.160 – 1.175 điểm ứng với đường trung bình động MA100 ngày và MA10 ngày.
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index chỉ còn giữ mức tăng nhẹ trên tham chiếu sau khi mất đà trong phiên cho thấy bên bán vẫn kiểm soát thị trường. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm, nhà đầu tư lớn vẫn đứng ngoài thị trường để chờ vùng giá hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, điểm số vẫn nằm dưới neckline của mô hình 2 đỉnh khiến rủi ro thủng nền đi ngang ngắn hạn chưa bị loại trừ. Nhà đầu tư đã mua thăm dò các mã thuộc các nhóm khuyến nghị có thể chốt lời ngắn hạn, hoặc đưa mức dừng lỗ lên điểm hòa vốn.
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp hơn bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý tâm lý giao dịch đang khá thận trọng.
Tuy nhiên, chỉ số giữ được đóng cửa trên MA5, cùng với RSI giữ trạng thái hướng lên, cho thấy đà phục hồi có dấu hiệu cải thiện và nhịp hồi kỹ thuật có thể còn tiếp diễn với kháng cự mục tiêu quanh ngưỡng 1.170 điểm (vùng cân bằng đáy tháng 8).
Nhìn chung, thị trường đang tiếp diễn đợt hồi phục kỹ thuật sau phiên tăng 2/10. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc thực hiện các vị thế giao dịch lướt sóng T+ với tỉ trọng nhỏ. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, dự báo kinh doanh quý 3 tăng trưởng và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Tin vắn chứng khoán
- Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PM) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8. Với kết quả này, chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài là mạnh và đáng kể hơn so với tháng 8. Mặc dù nhu cầu tiếp tục tăng, các nhà sản xuất cho biết số lượng đơn đặt hàng mới nhận được vẫn còn ở mức khiêm tốn, từ đó khiến sản lượng giảm. Sản lượng giảm nhẹ sau khi tăng trong tháng 8, và cho đến nay sản lượng đã giảm sáu trong bảy tháng qua.
- Tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ. Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Trung Quốc – Hồng Kông mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái .