Lăng kính chứng khoán 26/4: Áp lực chốt lời trước kỳ nghỉ lễ

Chia sẻ Facebook
26/04/2023 09:43:33

Nhà đầu tư nên chủ động bán giảm những mã cổ phiếu đã giảm dưới vùng hỗ trợ, gia tăng tỉ trọng tiền mặt và chỉ giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý từ 20 – 30%.


Có lẽ tâm lý nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ lễ dài đã mạnh hơn khi dòng tiền vào thị trường quá yếu cùng lực bán gia tăng ở phiên chiều đã làm thị trường về vùng 1.03x.


Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index giảm 6,51 điểm, tương đương 0,63% xuống 1.034,85 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 247 mã giảm và 58 mã đứng giá.


HNX-Index giảm 2,07 điểm, tương đương 1% về 204,69 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm, tương đương 0,12% đạt 77,99 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức giảm sâu nhất 9,13 điểm với 27 mã giảm giá.


Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 11.707 tỷ đồng, tăng 9,5% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 9.416 tỷ đồng, tăng 3% so với phiên trước. Nhóm VN30 được sang tay 3.502 tỷ đồng.


Nhận định đầu tư


Chứng khoán VCBS: Xét về khung đồ thị ngày, chỉ báo MA20 đã dần đi xuống, kèm theo đó là sự gia tăng của 2 chỉ báo DI – và ADX cho thấy rủi ro của thị trường trong ngắn hạn đã tăng lên.


Chứng khoán TVSI: VN-Index tiếp tục một phiên giảm điểm với mẫu nến dạng Marubozu đi kèm giá đóng cửa thấp nhất ngày cho thấy đà giảm chiếm hoàn toàn ưu thế. Việc giảm điểm vẫn đi kèm thanh khoản ở mức thấp, cho thấy tín hiệu bán tháo không diễn ra. Xu hướng ngắn hạn hiện tại vẫn tiếp tục là sideway down và chỉ số đang hướng xuống vùng hỗ trợ dưới của khung đi ngang tích lũy nhiều tuần ở quanh khu vực 1.015 – 1.030 điểm.


Với áp lực nghỉ lễ sắp tới, TVSI cho rằng thị trường sẽ đi ngang và giảm điểm nhưng vẫn kỳ vọng có phiên phục hồi để kiểm tra lại vùng cân bằng trước đó đã để mất. TVSI cho rằng nhà đầu tư nên hạn chế mua mới mà nên tập trung xử lý danh mục trước đó nếu có nhịp hồi phục trở lại


Chứng khoán TPS: VN-Index tiếp tục nới dài nhịp điều chỉnh khi lực cầu tại mức hỗ trợ 1.040 điểm đã không đủ hấp thụ áp lực bán. Cùng với đó, thanh khoản của thị trường vẫn không có sự cải thiện đáng kể và biến động dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất chứng tỏ vùng 1.030-1.040 điểm vẫn chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo dòng tiền mới tham gia.


Hiện tại, việc rơi khỏi trendline tăng bắt đầu từ tháng 12/2022 đã khiến VN-Index đã đánh mất kênh giá tăng ngắn hạn và chỉ số nhiều khả năng sẽ rơi về vùng hỗ trợ quanh mức 1.020 điểm (2 đáy liền kề tháng 2 và 3/2023).


Tin vắn chứng khoán


- Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 65,2% về số dự án và tăng 11,1% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.


Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tính đến 20/4, tổng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư mới đã tăng mạnh trở lại sau 3 tháng đầu năm giảm nhẹ. Cụ thể, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 65,2% về số dự án và tăng 11,1% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.


Luỹ kế đến 20/4, Việt Nam có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.


- Trong bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của NHNN cho biết, tính đến 28/2 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 859.394 tỷ đồng, tăng 7,4% so với thời điểm 31/12/2022 và tăng 9.6% so với thời điểm 31/3/2022.


Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản , theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu, tính đến ngày công bố thông tin 31/1, các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022.


Theo đó, hai tháng cuối quý có 11 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước với giá trị 2.630 tỷ đồng và 4 đợt trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng với giá trị gần 2.991 tỷ đồng. Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 228,4 triệu USD, chiếm 5,3% .

Chia sẻ Facebook