Lăng kính chứng khoán 22/12: VN-Index chưa lấy lại điểm cân bằng
Thị trường vẫn trong khu vực điều chỉnh của sóng hồi, chưa xác nhận uptrend, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng đợt điều chỉnh diễn ra để tham gia vào thị trường.
Sự phân hoá mạnh từ nhóm vốn hoá lớn khiến thị trường "xanh vỏ đỏ lòng", mức thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại đổ lượng lớn tiền vào cổ phiếu của Eximbank.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, VN-Index giảm 4,24 điểm, tương đương 0,42% xuống 1.018,88 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 298 mã giảm và 74 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 3,07 điểm, tương đương 1,48% xuống 204,46 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 118 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,33 điểm xuống 70,70 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 14 mã tăng giá.
Thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay đạt 16.450 tỷ đồng, giảm 17% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 17,4% còn 14.414 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 5.030 tỷ đồng.
Mục tiêu của VN-Index sau điều chỉnh sẽ hướng tới 1.150
Chứng khoán SHS: VN-Index tiếp tục xu hướng điều chỉnh và làm rộng thêm biên độ điều chỉnh của sóng hồi, do đó thời gian quay trở lại trạng thái hồi phục tiếp theo vẫn chưa xảy ra, mặc dù mức độ điều chỉnh giai đoạn hiện tại là khá mạnh nhưng điểm hỗ trợ của VN-Index quanh 1.000 điểm chưa bị vi phạm. Với nỗ lực phục hồi cuối phiên, SHS kỳ vọng đợt điều chỉnh sẽ có thể gần đến giai đoạn kết thúc.
Xét trung hạn, quá trình hồi phục của thị trường sẽ song hành với các giai đoạn điều chỉnh và biên giao động của VN-Index (VN30) theo thời gian sẽ hẹp dần. Hiện tại là giai đoạn hồi phục đầu tiên sau khi kết thúc downtrend, do đó sóng hồi có thể còn tiếp tục tiếp diễn (giai đoạn hồi phục đầu tiên luôn là giai đoạn biến động mạnh với những đợt hồi mạnh và điều chỉnh sâu).
Giai đoạn điều chỉnh như hiện tại vẫn là cơ hội để các nhà đầu tư trung, dài hạn gia tăng tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục để đón đầu đợt sóng hồi tiếp theo.
Việc lựa chọn cổ phiếu nên hướng tới các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn downtrend vừa qua, các dòng cổ phiếu có tính chất dẫn dắt thị trường và các cổ phiếu có xu hướng vận động tích cực đang hình thành kênh uptrend mới. Mục tiêu của VN-Index sau giai đoạn điều chỉnh sẽ hướng tới 1.150 điểm.
Nhiều khả năng gặp áp lực điều chỉnh quanh 1.04x
Chứng khoán KBSV: VN-Index giảm điểm giằng co trong phiên trước khi hồi phục và lấy lại phần lớn thành quả đã mất trong phiên. Việc một lần nữa bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ sâu quanh 1.00x đã giúp cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn.
Mặc dù vậy, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm gặp phải áp lực điều chỉnh trở lại quanh ngưỡng kháng cự đáng lưu ý 1.04x. Nhà đầu tư chỉ kê lệnh mua giá thấp khi chỉ số về lại vùng hỗ trợ sâu nhưng khống chế tỉ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
Giá giảm khối lượng tăng là tín hiệu tiêu cực
Chứng khoán Smart Invest: VN-Index đóng cửa giao dịch tạo thành mẫu hình giao dịch “Three outside down pattern”. Khối lượng giao dịch tăng và nằm trên mức trung bình 20 ngày. Giá giảm khối lượng tăng là tín hiệu tiêu cực.
Các điểm cần lưu ý chính là mức hỗ trợ MA(50) phát huy tác dụng và thị trường có cây nến rút chân dù chưa thực sự khẳng định khả năng đảo chiều vào phiên tới.
Thị trường giao dịch đang lặp lại mẫu hình tháng 4/2020. Nếu lịch sử lặp lại, đây là giai đoạn tích lũy cổ phiếu và sự điều chỉnh cũng là cần thiết. Dòng tiền vẫn luân chuyển tốt và mang tính phân hóa cao.
Theo thống kê định lượng, với mẫu hình 21/12 thì phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có xác suất tăng điểm là 50% và 85,7% giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. Thống kê cho thấy chỉ số sẽ giao dịch giằng co vào phiên giao dịch tới. Smart Invest dự báo chỉ số tăng điểm. Kháng cự là 1.100 điểm. Hỗ trợ 1.015 điểm và hỗ trợ mạnh ở vùng 970 điểm.
Áp lực điều chỉnh vẫn còn
Chứng khoán TPS: VN-Index tiếp tục giảm điểm sau khi rơi khỏi mức hỗ trợ 1.030 điểm và đường SMA 20 ngày. Kết quả này cho thấy chỉ số đang lùi dần về mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm.
Hiện tại, đây là hỗ trợ quan trọng trong xu hướng của thị trường vì nếu đánh mất ngưỡng này, chỉ số sẽ có khả năng lùi về các mức sâu khác. Ngoài ra, việc chỉ báo MACD duy trì đà giảm sau khi cho tín hiệu bán trước đó và chỉ Relative Strength Index (RSI) biến động dưới mốc 50 cho thấy áp lực điều chỉnh là vẫn còn .