Lăng kính chứng khoán 22/12: Rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu
Nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn vẫn có thể tận dụng những nhịp rung lắc để xem xét mua tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng tốt trong quý IV/2023.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) : Trạng thái ngắn hạn của thị trường vẫn chưa có nhiều thay đổi và khu vực tích lũy ngắn hạn đang có xu hướng chuyển thành kênh tích lũy trung hạn trong vùng 1.100 - 1.150 điểm.
SHS vẫn kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp tăng trở lại hướng tới vùng cản gần nhất quanh 1.130 điểm. Trong trung hạn khả năng cao VN-Index sẽ tích lũy trong khu vực 1.100 - 1.150 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân tiếp tục duy trì tỉ trọng thấp. Nhà đầu tư trung, dài hạn có thể giải ngân đối với những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, dự báo tăng trưởng trong năm tới nhưng chỉ nên mua tích lũy dần bởi thời gian thị trường củng cố và hình thành nền tảng tích lũy dự báo sẽ còn diễn ra trong thời gian dài.
Chứng khoán Beta : Với góc nhìn kỹ thuật, dù đã có phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp nhưng VN-Index vẫn chưa có tín hiệu tích cực rõ ràng về mặt xu hướng ngắn hạn. Đồng thời các chỉ báo kỹ thuật như SAR, MACD, (DI+, DI-) vẫn đang duy trì tín hiệu tiêu cực, nên rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu.
Hiện tại, vùng 1.120 - 1.130 điểm sẽ đóng vai trò kháng cự khi thị trường hồi phục và mốc 1.080 điểm vẫn đóng vai trò hỗ trợ. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng đà bán ròng của khối ngoại đối với nhiều “cổ phiếu trụ”, đồng thời 22/12 là phiên giao dịch cuối tuần nên có thể sẽ xuất hiện rung lắc, biến động mạnh.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn vẫn có thể tận dụng những nhịp rung lắc, điều chỉnh để xem xét mua tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2023 và năm 2024 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp cùng với nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) : VN-Index tiếp tục tăng điểm nhờ lực cầu tăng mạnh vào khoảng 15 phút cuối phiên. Đáng nói hơn, đây được xem như phiên kiểm tra cung thành công trong bối cảnh áp lực về lượng hàng bắt đáy phiên 19/12 và việc diễn ra phiên đáo hạn phái sinh.
Tuy nhiên, sự tăng giá của thị trường trong phiên 21/12 vẫn chưa có sự bùng nổ về mặt thanh khoản, qua đó chứng tỏ mặc dù áp lực về cung đã giảm nhưng phần lớn dòng tiền rút ra ở giai đoạn trước vẫn đang chờ đợi quan sát phản ứng của thị trường khi kế hoạch KRX go live sẽ diễn ra vào đầu tuần sau. Vì vậy, việc mua mới trong 2 phiên cuối tuần sẽ khiến nhà đầu tư mất đi lợi thế về T+.
Tin vắn chứng khoán
- Xuất khẩu cá ngừ lần đầu tăng trưởng dương kể từ đầu năm. Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 11/2023 tăng 23% so với cùng kỳ, đạt gần 79 triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong năm 2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 772 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được xuất khẩu sang 110 nước trên thế giới.
- Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính cả năm 2023, Việt Nam chi khoảng 6,8 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6% .